Hiện trường đổ nát ở Afghanistan. Ảnh: AFP |
Động đất xảy ra khoảng 14h10 (giờ địa phương). Theo Guardian, các tòa nhà ở thủ đô Islamabad của Pakistan rung lắc trong khoảng hai phút. Trong khi đó, người dân ở thành phố Kabul ở Afghanistan cũng cảm nhận rõ cơn địa chấn.
Cục khảo sát địa chất Mỹ (USGS) ban đầu cho biết động đất vừa xảy ra có cường độ 7,7 độ Richter. Tuy nhiên, trong thông báo mới nhất, USGS cho biết cơn địa chấn chỉ mạnh 7,5 độ Richter.
Theo USGS, tâm chấn ở vùng núi cách thị trấn Jarm, gần biên giới với Pakistan, 45 km về hướng tây nam, và có độ sâu 196 km.
Theo giới chức Pakistan, số người chết ở nước này là 214 người, nâng tổng số người thiệt mạng lên gần 280 người. AP dẫn lời ông Inayatullah Khan, một quan chức của Pakistan cho hay, riêng tỉnh Khyber Pakhtunkhwa đã có 121 người chết. Tại Aghanistan, 12 nữ sinh thiệt mạng do giẫm đạp, chen nhau chạy khỏi trường học ở thành phố Taluqan.
Số người chết được dự báo có thể còn tăng cao khi nhà chức trách tiếp cận được khu vực núi Hindu Kush, tâm chấn của trận động đất. Washington Post cho biết, khu vực hứng chịu động đất đang bị bão tuyết bao phủ. Hàng trăm phương tiện bị mắc kẹt do tuyết dày.
Bản đồ thể hiện tâm chấn trận động đất 7,5 độ Richter và các khu vực chịu ảnh hưởng. Đồ họa: Maps4news |
Trên mạng xã hội Twitter, trang ANI News của Ấn Độ đăng đoạn video cho thấy đồ vật rung lắc vì địa chấn.
Tài khoản @WajSKhan viết trên mạng xã hội Twitter rằng động đất xảy ra khi anh đang ở trong phòng một khách sạn tại thành phố Lahore của Pakistan. Anh thấy trần nhà rung lắc. Mọi người la hét và chạy khỏi tòa nhà.
Tại thủ đô Kabul của Afghanistan, nhiều người dừng xe ngoài đường để tìm nơi an toàn. Người dân chạy khỏi nhà, văn phòng và trường học, theo NBC News.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chia sẻ trên Twitter: “Trận động đất xảy ra ở khu vực Afghanistan - Pakistan và các dư chấn của nó lan tới một phần Ấn Độ. Tôi cầu mong cho mọi người được bình an”.
Zahid Rafiq, một quan chức khí tượng Pakistan, cho biết, địa chấn có thể cảm nhận được trên khắp cả nước. Tại thủ đô Islamabad, các tòa nhà rung chuyển dữ dội. Người dân vội vã lao ra đường trong sự hoảng loạn. Nhiều người cầu cứu sự giúp đỡ của thượng đế bằng cách đọc kinh Quran.
Chia sẻ với Zing.vn, ông Trần Quang Tuyến, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết tâm chấn của trận động đất ở biên giới Afghanistan và Pakistan, một số nơi ở Ấn Độ chỉ rung lắc nhẹ, ông không cảm nhận được và chỉ biết tin qua truyền thông. Đại sứ quan chưa có thông tin về người Việt tại các quốc gia Nam Á bị ảnh hưởng sau sự việc.
Người dân Srinagar, Ấn Độ vội chạy ra đường sau động đất. Ảnh: Reuters |
Theo RT, người dân ở thủ đô của Ấn Độ cũng cảm nhận rõ sự rung lắc và bỏ chạy khỏi nhà.
Nhà chức trách các quốc gia chịu ảnh hưởng chưa thể xác định chính xác thiệt hại của cơn địa chấn.
Hệ thống tàu điện ngầm tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ đã tạm ngừng hoạt động do động đất. Đường dây điện thoại ở khu vực Srinagar, Ấn Độ cũng bị hư hại.
Theo The Hindu, dư chấn 4,8 độ Richter làm rung chuyển khu vực núi Hindu Kush 40 phút sau khi cơn địa chấn đầu tiên xảy ra.
Sông băng tại thung lũng Hunza, vùng Kashmir sạt lở do động đất. Ảnh: The Hindu |
Động đất xảy ra 6 tháng sau sự cố tương tự ở Nepal làm 9.000 người thiệt mạng và phá hủy 900.000 ngôi nhà. Trận động đất mạnh 7,6 độ Richter xảy ra ở Pakistan hơn một thập kỷ trước đã làm 75.000 người thiệt mạng.
Những trận động đất mạnh nhất trên thế giới gần đây
11/4/2012: Cơn địa chấn có cường độ 8,6 độ Richter xảy ra ở ngoài khơi bờ biển phía tây, gần đảo Sumatra của Indonesia khiến hơn 20 quốc gia phát cảnh báo sóng thần.
11/3/2011: Một trận động đất mạnh 9,0 độ Richter ở ngoài khơi bờ biển phía đông bắc của Nhật Bản gây sóng thần khiến 18.000 người thiệt mạng.
12/1/2010: Trận động đất mạnh 7 độ Richter xảy ra tại Haiti khiến 1,5 triệu người mất nhà cửa. Số người chết ước tính khoảng từ 230.000 tới 316.000 người và được coi là trận động đất tồi tệ nhất lịch sử nhân loại.
27/2/2010: Trận động đất mạnh 8,8 độ Richter gây ra sóng thần tại miền Trung Chile khiến hơn 500 người chết.
12/9/2007: Cơn địa chấn 8,5 độ Richter xảy ra ở miền Bắc đảo Sumatra, Indonesia giết chết 25 người.
28/3/2005: Ít nhất 1.300 người thiệt mạng khi động đất mạnh 8,6 độ Richter xảy ra ở đảo Sumatra, Indonesia.
26/12/2004: Động đất 9,1 độ Richter tấn công Indonesia gây sóng thấn lớn trên Ấn Độ dương, khiến 230.000 của hàng chục quốc gia thiệt mạng.
4/2/1965: Động đất 8,7 độ Richter ở quần đảo Rat của Alaska tạo sóng thần cao 11 m.
28/3/1964: Một trận động đất cường độ 9,2 độ Richter tấn công khu vực Prince William Sound, Alaska giết chết 131 người.
13/10/1963: Sóng thần xảy ra khi sau khi động đất 8,6 độ Richter xảy ra ở quần đảo Kuril.
22/5/1960: Cơn địa chấn 9,5 độ Richter xảy ra ở miền Nam Chile và gây sóng thần khiến hơn 1.700 người chết.