Người nuôi lãi 1, kẻ bán lãi 10
Tại hội thảo "Tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi gia cầm trước thềm hội nhập TPP", ông Dương Xuân Tuyển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia cầm Vigova cho biết, để một sản phẩm gia cầm xuất chuồng, ngươi sản xuất phải mất từ 42 ngày đến 70 ngày nhưng lãi thu về chỉ 2.000-3.000 đồng/con còn hầu như là lỗ dẫn đến hàng loạt trang trại phải đóng cửa hoặc cho các công ty thuê trang trại hoặc nuôi gia công cho các công ty lớn.
Cũng theo ông Tuyền, giá gà xuất chuồng bán với giá 26.000 đồng nhưng qua 4-5 khâu trung gian giá bán tại chợ đầu mối là 50.000 đồng và đến người sử dụng cuối cùng thường là 60.000-70.000 đồng.
Ảnh minh họa. |
"Giá sản phẩm chăn nuôi bị đội lên 50-80% so với giá bán tại trại, kết quả là, trong khi người tiêu dùng phải trả giá rất cao cho sản phẩm thì người chăn nuôi đứng trước nguy cơ bị thua lỗ, hầu hết lợi nhuận thuần vào tay tác nhân trung gian trong chuỗi", ông Tuyền nhấn mạnh.
Ông Tuyền cũng cho biết, nếu để các cơ sở tự thu gom, giết mổ và bán tại cửa hàng tự đầu tư hoặc thuê người bán mức lợi nhuận thường 10.000-15.000 đồng/kg và người kinh doanh gia cầm chỉ mất 6-10 tiếng để có thể có mức lãi 8.000-14.000 đồng khi tiêu thụ một con gia cầm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi kiêm Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, người trung gian đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất gia cầm.
"Hiện nay chuỗi sản xuất của Việt Nam chưa hoàn chỉnh, giá thành sản phẩm thịt gia cầm, giống chiếm tới 15%, phí thức ăn chiếm tới 70%; điện, nước công lao động chiếm khoảng 10% và công lao động của người trực tiếp chăn nuôi rất thấp trong 10% này", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, thương lái không đầu tư bao nhiêu như thu nhập chiếm tới 21% là bất cập, người bán sỉ, cơ sở giết mổ cũng bị ảnh hưởng nếu không có thương lái thu gom lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều so với việc có thương lái thu gom.
Ngành chăn nuôi sẽ "tổn thương" khi hội nhập
Cũng tại cuộc hội thảo, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, hàng rào thuế quan giảm phải nâng cao hàng rào kỹ thuật, ngành chăn nuôi Việt Nam là ngành bị tổn thương đầu tiên khi hội nhập. "Dứt khoát phải cạnh tranh, đã đến lúc không thể chần chừ, nói khác được", ông Lịch nhấn mạnh.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam. |
Theo đó, ông Lịch cho biết có 3 yêu cầu ngành chăn nuôi phải trải qua là chất lượng thịt thơm ngon, an toàn thực phẩm và giá thành giá bán thấp hơn.
"Chúng ta sẽ thua nếu tiếp tục sản xuất như hiện nay, giá thịt cao, chất lượng thấp. Các nước sản xuất thịt hơi chỉ 1,4-1,5 USD còn chúng ta là 50.000 đồng tương đương hơn 2 USD/kg. Sự tham dự của các doanh nghiệp lớn vào ngành cũng sẽ là động lực để liên kết sản xuất, đầu tư quy mô lớn và nâng cao trình độ sản xuất", ông Lịch phân tích.
Ông Lịch cũng cho rằng Bộ Nông nghiệp cần tháo gỡ việc cấp giấy phép trở nên dễ dàng hơn; giảm lãi suất để doanh nghiệp có thể tiếp cận trong khi đó về phía doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, liên kết thành chuỗi, kép kín sản xuất để hạ giá thành.
"Giá bán hiện đang ở mức 27.000 đồng/kg, nếu khép kín từ con giống, thức ăn đến bao tiêu sản phẩm giá sẽ giảm còn 22.000 đồng/kg và sẽ sống được với doanh nghiệp nước ngoài", ông Lịch kết luận.
Lo ngại trên của ông Lịch cũng là lo ngại chung của nhiều chuyên gia có mặt tại hội thảo theo đó, giải pháp đặt ra cần có bước tiến về giống, kỹ thuật chăn nuôi, giảm chi phí giá thành và xây dựng chuỗi kép kín…
Trước đó, báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng từng chỉ ra rằng, với đặc điểm sản xuất nhỏ lẻ, lệ thuộc nhập khẩu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm thấp, liên kết lỏng thẻo dẫn tới năng suất thấp, thức cạnh tranh yếu, bất lợi thế thương mại, ngành chăn nuôi được đánh giá là một trong những ngành chịu tác động mạnh khi Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại tự do TPP, AEC.