Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đến khi nào Việt Nam mới xuất khẩu được thịt?

Trong hội thảo có một số đại biểu đặt câu hỏi vì sao tổng đàn gia súc, gia cầm của Việt Nam đứng thứ 2 châu Á và nằm trong top 10 của thế giới mà lại không xuất khẩu được thịt?

Xuất ít nhập nhiều

Những năm qua, Việt Nam là nguồn cung thịt heo hơi cho Trung Quốc mỗi khi thị trường này thiếu nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, lượng heo mà Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là heo hơi và đi theo đường tiểu ngạch với số lượng không ổn định. Còn xuất theo chính ngạch, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là heo sữa, chứ hiếm khi xuất khẩu thịt heo, hay thịt gà đông lạnh.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2014, kim ngạch xuất khẩu thịt của Việt Nam chưa đến 21 triệu đôla Mỹ, giảm gần 2,4% so với cùng kỳ năm 2013; còn kim ngạch nhập khẩu thịt là hơn 194 triệu đôla Mỹ, cao gấp 9 lần so với nhập khẩu.

Vài năm gần đây, danh sách những quốc gia xuất khẩu thịt sang Việt Nam ngày càng dài. Ban đầu chỉ có Mỹ, Úc, Brazil, Hàn Quốc. Nay, số quốc gia tham gia vào danh sách này đang tăng lên như Nga, Pháp, Canada, Ba Lan và một số nước trong Liên minh châu Âu cũng đang tìm cách quảng bá rầm rộ sản phẩm thịt bò, thịt heo của họ cho người tiêu dùng trong nước.

Có cố gắng nhưng chưa nắm được cơ hội

Tại một hội nghị về chăn nuôi vào giữa năm 2014 tại TP HCM, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) từng đặt câu hỏi cho các Sở NN&PTNT các tỉnh, các công ty, trang trại chăn nuôi rằng, tại sao ngành chăn nuôi không xuất khẩu được như các ngành khác dù chăn nuôi của Việt Nam có tổng đàn không thua kém các nước trong khu vực.

Theo Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, số liệu thống kê đến tháng 10/2014, tổng đàn gia cầm của Việt Nam là gần 328 triệu con, đàn heo là gần 27 triệu con. Theo số liệu do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) công bố năm 2010, Việt Nam là một nước "có tên tuổi" trong ngành chăn nuôi khi đứng thứ 2 thế giới về số lượng vịt, thứ 4 về heo, thứ 6 về trâu và thứ 13 về tổng đàn bò. Ở khu vực châu Á, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia mà thôi. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi chỉ có nhập khẩu thịt là chính, còn xuất khẩu lại không nhiều.

Ngay sau câu hỏi của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ngành chăn nuôi nhanh "chóng đưa ra đề án "Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gia súc và gia cầm giai đoạn 2014-2018".

Đề án nói trên thực hiện ở 7 tỉnh có tổng đàn gia cầm, gia súc lớn nhất nước và là nguồn cung thịt, trứng cho hai thị trường lớn là Hà Nội và TP HCM. Mục đích dài hạn của đề này là lập ra những khu vực diện tích rộng lớn được bảo vệ an toàn khỏi dịch bệnh, tức là ở những nơi này người nuôi không phải lo ngại đàn gà sẽ bị dịch cúm gia cầm, hay đàn gia súc bị bệnh tai xanh, lở mồm long móng để hướng đến xuất khẩu sản phẩm thịt.

Do không đảm bảo về thú y nên ngành chăn nuôi Việt Nam đã đánh mất cơ hội xuất khẩu.

Do không đảm bảo về thú y nên ngành chăn nuôi Việt Nam đã đánh mất cơ hội xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện chăn nuôi, trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã bắt tay thực hiện đề án ở Nam Định, Thái Bình nhưng kết quả đã không như mong đợi ban đầu. Cái khó trong quá trình triển khai đề án vướng phải địa giới hành chính.

"Do lập vùng an toàn dịch bệnh theo địa giới hành chính nên trong trường hợp thực hiện xuất hiện tình huống hai làng cách nhau một con đường nhưng một bên là vùng an toàn, còn bên kia lại không nên khó kiểm soát dịch bệnh trong trường hợp có dịch xảy ra”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, nếu không có vùng an toàn dịch bệnh thì Việt Nam khó nghĩ đến chuyện xuất khẩu thịt vì an toàn dịch bệnh là một trong những đòi hỏi hàng đầu của các nước nhập khẩu thịt trên thế giới.

Một lý do nữa chính là quy định về an toàn thú y. Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNT phát biểu trong Triển lãm chăn nuôi vừa diễn ra thì thời gian qua, phía Nga đã cử một phái đoàn đến Việt Nam để tìm kiếm nguồn cung thịt heo nhưng kết quả đoàn phải chuyển sang Thái Lan vì các trại chăn nuôi của Việt Nam không đảm bảo an toàn thú y. Điều này, khiến ngành chăn nuôi Việt Nam mất cơ hội.

Điều tương tự cũng xảy ra ở thị trường Nhật Bản khi một số trang trại chăn nuôi không thể xuất khẩu sang thị trường này do vướng phải vấn đề thú y. Đây cũng là lý do để mới đây Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ có công văn gởi Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với khiến nghị tháo gỡ khó khăn về thú y cho các doanh nghiệp xuất khẩu thịt gà.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ, ví dụ như với thị trường Nhật bản, do cơ quan Thú y của Việt Nam và Nhật Bản chưa thống nhất với nhau về mã xuất khẩu để làm đầu mối giao dịch nên doanh nghiệp không thể giao dịch được. Vì thế, dù sản phẩm đạt tiêu chuẩn của nước nhập khẩu nhưng không xuất đi được.

Theo thông tin mà Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online có được, sau khi nhận được phản hồi từ khó khăn của các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi, thời gian tới, lãnh đạo Bộ NN&PTNT sẽ có một buổi gặp gỡ các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi để nghe trình bày những khó khăn cũng như những kiến nghị thay đổi chính sách, nhằm tạo hành lang thông thoáng cho các doanh nghiệp trong việc xuất khẩu thịt đi các nước.

'Bóng ma' chất cấm bao phủ ngành chăn nuôi

Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang rất báo động, khi cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện loại chất độc hại này ở nhiều tỉnh thành.

 

http://www.thesaigontimes.vn/136014/Den-khi-nao-Viet-Nam-moi-xuat-khau-duoc-thit.html

Theo Ngọc Hùng/Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm