Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ cạn kiệt tiền mặt vào tháng 6 tới. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Insider, đồng USD đã có một sự trở lại ấn tượng. Trong hai tuần qua, USD Index, chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh với các đồng tiền lớn khác, đã tăng hơn 2%. Đây là điều hoàn toàn trái ngược so với tình hình ảm đạm thời điểm đầu năm.
Sự phục hồi đó diễn ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ sớm kết thúc chiến dịch thắt chặt tiền tệ do lạm phát đang dần “hạ nhiệt” về mức 2%.
Theo công cụ Fedwatch của CME Group, hơn 70% nhà giao dịch tin rằng Fed ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tới. Thông thường, khi lãi suất ngừng tăng, đồng tiền của một quốc gia thường mất đi một số sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, đồng USD đi ngược lại so với điều đó. Mối đe dọa về một vụ vỡ nợ vẫn đã khiến Phố Wall dè chừng, thị trường chứng khoán đã chuẩn bị sẵn tinh thần trước những biến động lớn. Giữa bối cảnh đó, đồng USD lại được đề cao như một kênh đầu tư an toàn do tính ổn định vốn có.
Theo các chuyên gia đến từ UBS, sự gia tăng của đồng USD trong hai tuần qua dường như "phản ánh nhu cầu tích trữ đồng bạc xanh đang gia tăng trước lo ngại về việc Quốc hội Mỹ không đồng ý tăng trần nợ".
Không chỉ vậy, các nhà kinh tế còn cho rằng bế tắc trong việc nâng trần nợ công là nguyên nhân chính khiến đồng USD mạnh lên trong thời gian gần đây.
Trước đó, bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, đã cảnh báo rằng xứ cờ hoa có thể cạn kiệt tiền mặt trong vòng hai tuần tới. Điều này sẽ xảy ra nếu chính quyền ông Biden và Hạ viện do đảng Cộng hòa lãnh đạo không đạt được bước đột phá trong các cuộc đàm phán nhằm nâng trần nợ của Mỹ.
Ngoài ra, nhóm chuyên gia cũng cho rằng đợt tăng giá gần đây của đồng USD có thể nhanh chóng kết thúc nếu các vấn đề về trần nợ được giải quyết.
"Những bất đồng chính trị về giới hạn trần nợ của Mỹ luôn thu hút nhiều sự chú ý. Tuy nhiên, tác động của điều đó tới đồng USD chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Thị trường tiền tệ đang hướng tới viễn cảnh Quốc hội Mỹ sẽ đồng ý với một thỏa thuận vào phút cuối”, một chuyên gia của UBS cho biết.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.