Từ bức thư năm mới muộn gửi người dân Trung Quốc đến cuộc điện đàm xóa tan mọi đồn đoán với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, những động thái từ Tổng thống Donald Trump xuất hiện chỉ vài ngày sau khi giới phân tích Mỹ dẫn hàng loạt bằng chứng để cảnh báo ông Trump đang “đe dọa nghiêm trọng quan hệ Mỹ - Trung”.
Tờ Financial Times lưu ý đến các chi tiết ông Trump nói với Chủ tịch Trung Quốc trong cuộc điện đàm đầu tiên từ khi đắc cử rằng Mỹ sẽ tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc”, trái với tuyên bố ông đưa ra hồi tháng 12/2016, trong đó khẳng định Mỹ không nhất thiết phải duy trì chính sách này.
Hãng tin FT thì thể hiện sự kinh ngạc khi ông Trump nói "sẽ tuân theo thể thức ngoại giao mà Bắc Kinh và Đài Bắc đã nhất trí từ năm 1992", ngược lại với những động thái như điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cũng vào dịp cuối năm ngoái.
Các nhà phân tích khó dự đoán cách ứng xử của ông Donald Trump đối với Trung Quốc. Ảnh: Getty. |
Tờ Diplomat bình luận cuộc điện đàm đã phá vỡ sự im lặng trong mối quan hệ Mỹ - Trung từ khi ông Trump nhậm chức. Còn Global Times (Trung Quốc) đăng bài bình luận về một loạt động thái mới của Donald Trump và ekip của ông, cho rằng “tình hình đã thay đổi”, ám chỉ triển vọng quan hệ Mỹ - Trung.
Vậy ông Trump đã làm gì với Trung Quốc và cơ sở nào để nói triển vọng quan hệ giữa hai cường quốc sẽ thay đổi?
Khúc dạo đầu bất định
Khúc dạo đầu cho bất định trong tương lai quan hệ Mỹ - Trung chính là cuộc điện đàm giữa tân Tổng thống Mỹ với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và tiếp đó là lời ông Trump đe dọa từ bỏ chính sách “Một Trung Quốc” - nền tảng quan hệ ngoại giao song phương.
Chưa dừng lại ở đó, ông Trump và êkíp lãnh đạo mới chỉ trích kịch liệt Trung Quốc duy trì đồng Nhân dân tệ quá thấp để kích thích xuất khẩu. Tờ Le Monde (Pháp) không loại trừ nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại mới.
Ông Trump cũng lựa chọn đội ngũ nhân sự chủ chốt tỏ thái độ không mấy thân thiện với Trung Quốc. Steve Bannon, người từng dự báo khả năng sẽ bùng nổ chiến tranh giữa Bắc Kinh và Washington ở Biển Đông “trong 5-10 năm nữa”, được chọn làm chiến lược gia của Tổng thống Donald Trump.
Peter Navarro, nhà kinh tế học theo đuổi chính sách cực kỳ cứng rắn với Trung Quốc, là người đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia Nhà Trắng. Wilbur Ross, người cáo buộc Trung Quốc là "nước bảo hộ mậu dịch nhất" thế giới, trở thành Bộ trưởng Thương mại.
Ông trùm dầu mỏ Rex Tillerson, người tuyên bố trong phiên điều trần rằng Trung Quốc sẽ không được phép tiếp cận các đảo mà Bắc Kinh quân sự hóa, được chọn làm Ngoại trưởng. Báo chí Hong Kong cho rằng cảnh báo của ông Rex Tillerson đã bộc lộ rõ lập trường cứng rắn của chính phủ mới ở Mỹ trong vấn đề Biển Đông và sự kiện này là những động thái nguy hiểm.
Ông Trump điện đàm với bà Thái Anh Văn ngay khi vừa đắc cử tổng thống khiến quan hệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng trong những ngày đầu nhiệm kỳ của tổng thống thứ 45 của Mỹ. Ảnh: ABC News. |
Một thành viên nội các nữa, tân Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis khi tới thăm Nhật Bản hồi tuần qua khẳng định rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hiện do Tokyo quản lý nhưng Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền, sẽ được Mỹ bảo vệ trong khuôn khổ liên minh quân sự Mỹ - Nhật. Tờ Yomiuri (Nhật Bản) gọi động thái này “chắc hẳn đã làm suy giảm quan hệ Mỹ - Trung”.
Ông Mattis còn khẳng định châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là ưu tiên của chính quyền Tổng thống Donald Trump, đồng thời cho biết Mỹ muốn theo đuổi các biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề Biển Đông. AFP cho rằng đây lại là tin kém vui nữa với Trung Quốc vì cho đến nay, chính sách của Mỹ đối với Biển Đông dường như không thay đổi.
Tờ Guardian (Anh) dẫn báo cáo gửi Nhà Trắng hôm 5/2 của một nhóm chuyên gia hàng đầu Mỹ về Trung Quốc cảnh báo Mỹ và Trung Quốc đang “trên đường nguy hiểm đi đến xung đột cả về thương mại và quân sự, vấn đề chỉ còn là thời gian”. Các chuyên gia còn kêu gọi chính quyền Trump tránh để quan hệ Mỹ - Trung vượt khỏi tầm kiểm soát.
Những tín hiệu khiến Bắc Kinh nhẹ nhõm
“Việc ông Trump khẳng định chính sách "Một Trung Quốc" sẽ đưa ông trở lại vị trí giống như các tổng thống Mỹ, kể từ thời Tổng thống Jimmy Carter”, Diplomat viết.
“Động thái này sẽ giúp Trung Quốc thở phào nhẹ nhõm, vì Bắc Kinh từng lo ngại rằng chính quyền Trump sẽ cân nhắc đoạn tuyệt với chính sách hiện trạng của Mỹ đối với Đài Loan và có khả năng chối bỏ chính sách "Một Trung Quốc"... Nếu không có lời khẳng định của ông Trump, phía Trung Quốc sẽ từ chối mọi cuộc thảo luận cấp cao với Mỹ”.
Mối quan hệ của Trung Quốc và Mỹ có những sóng gió trong những ngày đầu ông Trump lên nắm quyền. Ảnh: Getty. |
Điều khiến thời điểm tiến hành cuộc điện đàm trở nên thú vị hơn là nó diễn ra chỉ vài giờ sau khi Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ xác nhận cuộc đối đầu trên không “không an toàn” với một máy bay quân sự Trung Quốc ở vùng trời gần bãi Scarborough trên Biển Đông, làm gia tăng khả năng ông Trump có thể đề cập vấn đề này với ông Tập Cận Bình.
Chưa hết, cuộc điện đàm diễn ra chỉ vài giờ trước khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến đặt chân đến Washington trong cuộc gặp chính thức đầu tiên với ông Trump. Tuần này, Trung Quốc đã phái lực lượng Hải tuần đến tuần tra vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku.
Tờ Diplomat cũng cho rằng trong khi nguy cơ bất ổn vẫn đe dọa quan hệ hai nước, đặc biệt khi xung quanh ông Trump là các cố vấn rằng có một lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, cuộc điện đàm sẽ xoa dịu khả năng bùng phát cuộc khủng hoảng bất ngờ giữa Mỹ và Trung Quốc trong những ngày đầu ông Trump nhậm chức.
Trong khi có cùng nhận định trên, CNN nhắc tới một chi tiết là cuộc điện đàm diễn ra gần như ngay sau khi ông Trump gửi thư chúc mừng Tết âm lịch đến ông Tập Cận Bình hôm 8/2. Cùng với lời chúc người dân Trung Quốc một năm mới thịnh vượng, Tổng thống Trump cho biết là ông “chờ được làm việc với Chủ tịch Tập Cận Bình để phát triển một quan hệ có tính chất xây dựng, có lợi cho cả Mỹ lẫn Trung Quốc”.
Tờ Global Times (Trung Quốc) đã có bài phân tích dài, gọi đây là “thông điệp thiện chí Mỹ gửi đến Trung Quốc”, “là sự chấm dứt chuỗi chờ đợi trong hoài nghi động thái của tân Tổng thống Mỹ trong mối quan hệ với Trung Quốc” và “đã đến lúc đánh giá lại về triển vọng quan hệ song phương dưới thời Tổng thống Trump”.
Global Times cũng cho rằng những phát biểu cứng rắn từ phía chính quyền sắp tới của Mỹ đối với Trung Quốc đang “đổi chiều”. Chính quyền Trump đã có nhiều cuộc tiếp xúc với phía Trung Quốc: ông Trump đã gặp Chủ tịch tập đoàn Alibaba Jack Ma; Cố vấn Tổng thống Jared Kushner (con rể ông Trump) gặp Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải và một số doanh nhân hàng đầu Trung Quốc; rồi sự xuất hiện của Ivanka Trump, ái nữ của tân tổng thống Mỹ, tại buổi liên hoan mừng Năm mới ở Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Washington…
Bắc Kinh đã có lý do để bớt căng thẳng trong hoạch định đối sách với Mỹ. Tuy nhiên, giới lãnh đạo nước này hẳn cũng phải để tâm đến ý kiến của giới phân tích khu vực rằng, cho đến nay, chính sách đối với khu vực châu Á của tân Tổng thống Donald Trump vẫn chưa thực sự rõ ràng và cũng chưa dám chắc nước Mỹ của ông Trump muốn gì.