Công ty dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE, hay VEC) vừa thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn với 2 ôtô mang biển kiểm soát TP.HCM là 51A - 55850 và 51G - 77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do Tổng Công ty đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý.
Bạn đọc của Zing.vn và nhiều người người sử dụng mạng xã hội đã có những ý kiến trái chiều về quyết định này.
Trạm thu phí Long Phước, nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Lê Quân. |
'Không có chế tài nào cấm xe lưu hành trên đường cao tốc'
Bạn đọc Nguyễn Xuân Nghĩa đặt câu hỏi: Luật nào cho phép VEC "từ chối phục vụ vĩnh viễn" hai ôtô đi trên đường do công ty này quản lý?
Theo anh Nghĩa, bản thân 2 chiếc xe này là một thực thể không thể vi phạm pháp luật, nếu có thể thì chỉ có người điều khiển vi phạm và anh ta sẽ bị phạt theo luật hiện hành.
"VEC chỉ là đơn vị kinh doanh, làm sao có kết luận là xe này đúng xe kia sai mà thay pháp luật cấm đoán. Tùy tiện ra các quy định ngoài luật pháp là trái luật, vi hiến", người này viết.
Tương tự, bạn đọc T.N. thắc mắc phương tiện giao thông không có lỗi, sai lầm là của tài xế.
"Nếu chiếc xe đi mượn, đi thuê thì sao? Nếu một ngày ai đó mượn xe của bạn, cũng gây rối, cũng bị VEC cấm lưu thông. Bạn sẽ nghĩ gì? Đừng nói là bắt chủ xe phải mua lại phương tiện nhé!".
Người này cũng thông tin VEC được giao xây dựng, quản lý nhiều đoạn tuyến cao tốc Bắc Nam. "Nếu trong tương lai vận hành toàn tuyến cao tốc, đi đến đoạn của VEC là phải ra lại Quốc lộ 1 mà đi à?".
Độc giả Thái Giang chỉ ra VEC chỉ có quyền thu phí chứ không có quyền sở hữu vậy nên cũng không có quyền cấm. Người dân vi phạm các luật giao thông chỉ có thể xử phạt hành chính bằng tiền hay các hình phạt chiếu theo luật pháp, chứ không thể cấm lưu thông theo quyết định của một cá nhân hay công ty.
"Không có chế tài nào cấm xe lưu hành trên đường cao tốc", Thái Giang kết luận.
Ý kiến của một độc giả về sự việc VEC cấm hai ôtô lưu thông. |
'Tài xế bức xúc do ùn tắc?'
Cũng xoay quanh việc VEC cấm 2 ôtô lưu thông trên các tuyến đường do đơn vị này khai thác, anh Đỗ Anh Tuấn cho hay Bộ GTVT đã có chỉ đạo các nhà đầu tư BOT khi xảy ra ùn tắc từ 700 m trở lên do bất cứ vấn đề gì đều phải xả trạm để giải quyết.
"Theo thông tin, vì người dân các tỉnh trở lại TP.HCM trong ngày cuối cùng của kỳ nghỉ, khiến lượng ôtô chạy trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây khá đông. Trong vòng 2 tiếng, 4 sự cố liên tiếp xảy ra khiến các xe ùn tắc khoảng 6 km. Như vậy thì làm gì có việc linh động hay mở thêm cửa thu phí, cắt chiều lưu thông vào được, hành động quá sai? Vấn đề này cơ nào sẽ đứng ra xử lý bảo vệ quyền lợi cho tài xế đây? Tài xế sai công ty đã xử phạt, còn công ty sai ai xử lý?", anh Anh Tuấn viết.
Bình luận trên Zing.vn, tài khoản tên Lái xe container đặt vấn đề cao tốc mà tắc đường thì không phải do trạm thu phí thì do đâu?
"Cứ chiều thứ 6 hàng tuần các bạn đi cao tốc hướng từ QL 51 về TP.HCM là gặp tắc đường. Tuần nào tôi cũng lên KCN Nhơn Trạch đóng hàng về Cát Lái tôi biết. Mà tắc rất kỳ lạ, chỉ tắc trước cầu Long Thành còn đến trạm thu phí rất thoáng xe."
Gặp cùng tình huống, bạn đọc Đào Huy Hoàng thông tin anh đi con đường này vào buổi chiều ngày 9/2 (tức mùng 5 Tết).
"Mang tiếng là cao tốc mà xe đi không quá 15 km/h lúc chưa tới trạm, thậm chí có chỗ đi còn thua rùa bò và dừng hẳn, qua trạm thì nhanh hơn xíu. Nếu giám đốc không tin thì mời mở camera giám sát ra xem", người này cho hay.
Là một tài xế thường xuyên đi QL 1 từ Dầu Giây về Sài Gòn, anh Nguyễn Lê Anh Tuấn bức xúc đoạn đường này có tới vài trạm thu phí. Tài xế thấy trạm làm sai nên phản ánh. Phía trạm không hợp tác nên đôi bên xảy ra cự cãi.
"Không ai vì vài ba chục ngàn mà mất thời gian nhưng đôi khi quá ức chế và cảm thấy việc thu tiền không hợp lý".
Dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Lê Quân. |
Chiều 11/2, Công ty dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE) thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn với 2 ôtô mang biển kiểm soát TP.HCM là 51A - 55850 và 51G - 77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do công ty quản lý, lý do những người đi trên 2 phương tiện này đã có hành vi gây rối tại trạm thu phí Long Phước trên tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
"Lúc 18h20 ngày 10/2, khi di chuyển vào làn thu phí số 7, phương tiện mang BKS 51A - 55850 đã không trả thẻ thu phí và tiền phí mà cố tình dừng lại, đồng thời để nhiều người xuống xe gây rối và lôi kéo các phương tiện khác gây ách tách giao thông.
Sau đó, ôtô BKS 51C - 78196 cũng có các hành vi tương tự tại làn số 10, xe 51G - 77256 tại làn số 8", đại diện VECE phản ánh. Nhóm người này yêu cầu VECE xả trạm để giảm ùn tắc, nhưng đại diện trạm thu phí khẳng định hoạt động của trạm không phải nguyên nhân dẫn đến tắc đường.
Cũng theo đại diện VECE, quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đã chiếu theo các thông tư, quy định của pháp luật trước khi được đưa ra. Đơn vị này cũng lưu ý rằng toàn bộ cao tốc của VEC không phải là độc đạo, các xe nói trên có thể lưu thông bằng những đường khác.
Dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc tuyến đường bộ cao tốc phía đông quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam từ TP.HCM nối QL51 và QL1A với chiều dài toàn tuyến 55 km.
Đường có 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/h và tổng số vốn đầu tư là 20.630 tỷ đồng (vay ADB, JICA và vốn đối ứng).
Tại đoạn trạm thu phí Long Phước (Q.9, TP.HCM), các xe phải trả tiền khi qua đây gồm ôtô khách dưới 12 chỗ, xe có tải trọng dưới 2 tấn, xe buýt vận tải công cộng (40.000 đồng/lượt), xe từ 12 - 30 chỗ, có tải trọng từ 2 - 6 tấn (60.000 đồng/lượt), xe từ 31 chỗ trở lên, có tải trọng từ 4 - 10 tấn (80.000 đồng/lượt).