Trong khi phân khúc smartphone cao cấp đang có quá nhiều tên tuổi góp mặt đem đến những lựa chọn phong phú cho người dùng dùng như iPhone 5S, LG G2, Galaxy S4, HTC One, Xperia Z thì thị trường giá rẻ và tầm trung lại thiếu đi sự quan tâm cần thiết từ những nhà sản xuất lớn. Không phải là một việc dễ dàng để người dùng có thể chọn mua một smartphone hấp dẫn ở phân khúc này.
Lợi nhuận thu được thấp hơn cũng như không mang nhiều ảnh hưởng về thương hiệu khiến họ trở nên thờ ơ đối với một phần không nhỏ người dùng di động. Hầu hết những smartphone tầm trung hay giá rẻ đều là công cụ để họ tiếp tục hút máu người dùng hoặc nếu có thì chỉ rất ít những điện thoại phù hợp.
Từ đây, Amazon rồi Google đã tìm ra cho mình con đường sáng trong ngành công nghiệp cạnh tranh vào bậc nhất thế giới đó là tập trung vào phân khúc giá rẻ. Bắt đầu là tablet mini Kindle Fire rồi đến Nexus 4 và Nexus 5, những thiết bị không sở hữu phần cứng quá xuất sắc nhưng lại được bán với giá hợp lý nhanh chóng hấp dẫn người dùng và gây nên những cơn bão cháy hàng ở nhiều nơi.
Moto G cũng vừa mới ra đời và được định hướng theo con đường này và nhanh chóng hấp dẫn người dùng nhờ mức giá bán không thể rẻ hơn: 179 USD. So với cấu hình khá ổn thì mức giá mà Motorola đặt ra đủ để khiến người dùng dành sự quan tâm lớn cho smartphone này. Nếu hiệu năng ở mức ổn thì thành công đối với Moto G đang mở rộng trước mắt. Thực tế, sự quan tâm của người dùng dành cho Moto G là không hề nhỏ sau màn ra mắt của smartphone này. Bạn đọc GenK cũng có thể tự mình kiểm chứng qua các bình luận dưới các bài viết về Moto G của chúng tôi.
Bên cạnh vấn đề về phần cứng, hiện tại nếu đi theo con đường giá rẻ các nhà sản xuất cũng nhận được sự hậu thuẫn không hề nhỏ từ Google, cha đẻ của Android, nền tảng di động lớn nhất thế giới cũng như là đối tác của hầu hết các hãng điện thoại danh tiếng trên thế giới. Gã khổng lồ tìm kiếm đã nhận được rất nhiều ủng hộ của người dùng sau khi chính thức ra mắt phiên bản Android 4.4, được nâng cấp khá nhiều về tốc độ cũng như hỗ trợ hoạt động tốt trên các thiết bị cấu hình thấp chỉ sở hữu 512 MB.
Đây chính là cố gắng lớn nhất của hãng này nhằm đem tới nhiều hỗ trợ cho các smartphone giá rẻ đồng thời là đòn bẩy để kích thích nền tảng Android xuất hiện nhiều hơn không chỉ với dòng điện thoại cấp thấp mà còn cả nhiều thiết bị khác bao gồm đồng hồ thông minh hay Google Glass. Một bước vươn tầm ảnh hưởng rộng hơn của Android không chỉ là trên điện thoại hay máy tính bảng.
Chưa hết, đó còn là một giải pháp tốt cho bài toán phân mảnh trên Android vốn bị Apple liên tục đem ra để chê bai. Với Android 4.4, viễn cảnh các mẫu smartphone với 512 MB RAM được nâng cấp phần mềm là có thực dù rằng cấu hình vẫn là yếu tố không thể bỏ qua nhưng đã được nới lỏng hơn rất nhiều hay các hãng sản xuất vẫn đang làm ngơ nâng cấp cho các dòng điện thoại cấp thấp để tiết kiệm chi phí.
Từ đây, có thể khẳng định thêm về hy vọng chống lại tình trạng phân mảnh từ lâu trên các smartphone Android, đem đến cho người dùng những trải nghiệm tốt nhất dù là trên những smartphone giá rẻ. Chí ít Motorola cũng đã làm được với lời tuyên bố Moto G nhanh không kém Galaxy S4 dù cấu hình rất hạn chế. Và nếu không thể chạy được các game 3D nặng do giới hạn phần cứng thì người dùng cũng có quyền tự hào rằng mình đang chạy phiên bản hệ điều hành mới nhất với cải tiến về độ mượt và giảm thiểu những cơn lag giật khó chịu.
Tạm kết
Không phải ai cũng có đủ tiền để mua cho mình những smartphone hàng hiệu có giá lên đến cả chục triệu đồng. Phần nhiều người dùng smartphone vẫn đang thuộc hai phân khúc giá rẻ và tầm trung. Đẩy mạnh phân khúc giá rẻ tưởng chừng không đem lại nhiều lợi ích cho các nhà sản xuất nhưng cũng góp phần mở rộng lượng khách hàng đồng thời là phương án lấy lượng bù chất cho việc chuyển hướng từ cao cấp sang các phân khúc thấp hơn. Nếu đầu tư xứng đáng cho những thị trường này, các hãng sản xuất hoàn toàn có thể sinh lợi mà vẫn phục vụ được những khách hàng trung thành của mình một cách tốt nhất.