Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đơn hàng đăng ký 'đi chợ hộ' tại TP.HCM giảm mạnh

Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, sau ngày 15/9 nhu cầu về đơn hàng "đi chợ hộ" của người dân giảm mạnh do người dân đã có nhiều lựa chọn mua hàng.

Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, trong ngày 16/9, tổng nhu cầu đăng ký trong ngày là 55.468 hộ, giảm 6,81% (tương đương giảm 4.053 hộ) so với ngày hôm trước. Có 16/22 địa bàn có nhu cầu giảm trong ngày

Đáng chú ý, TP Thủ Đức giảm 867 hộ, huyện Hóc Môn giảm 746 hộ, quận 8 giảm 700 hộ, huyện Củ Chi giảm 742 hộ... Có 6/22 địa bàn có nhu cầu tăng trong ngày, bao gồm quận 1, 3, 6, 7, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè.

Như vậy, sau khi có thông tin Thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội sau ngày 15/9, đến 16/9 nhu cầu đăng ký đã quay đầu giảm mạnh (giảm 4.053 hộ) do người dân đã có nhiều lựa chọn mua hàng thực phẩm thiết yếu ngoài phương thức “đi chợ hộ”.

Đặc biệt, sau ngày 15/9, các huyện Cần Giờ và Củ Chi giảm mạnh (tương ứng giảm 198 hộ và giảm 742 hộ) do bắt đầu triển khai chủ trương cho phép người dân đi chợ trực tiếp 1 tuần/lần/hộ.

Ngày 11/9 12/9 13/9 14/9 15/9 16/0
Số hộ
đăng ký
62.404 60.617 58.296 59.383 59.521 55.468
Số hộ
nhận hàng
63.359 62.741 59.731 61.504 62.257 57.594
Tỷ lệ (%) 101,5 103,5 102,5 103,6 104,6 103,8

Theo thống kê, trong ngày 16/9 có 57.594 hộ được cung ứng hàng hóa, tỷ lệ đạt 103,8% số hộ đăng ký. Đến nay, thành phố có 3.115 điểm bán đang hoạt động, tăng 114 điểm bán so thời điểm bắt đầu triển khai mô hình là ngày 23/8.

Với chủ trương mở cửa theo lộ trình, an toàn đến đâu mở đến đó, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, Sở Công Thương sẽ bổ sung thêm các kênh phân phối hàng hóa thiết yếu khác trong thời gian tới như nới khung giờ hoạt động của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thực phẩm; cho phép người dân tại quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ đi chợ 1 lần/tuần; mở các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại các chợ đầu mối.

"Đặc biệt là cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động từ 6-21h hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi... sẽ tiếp tục nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu của người dân Thành phố", đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Zing, khi đơn hàng đi chợ hộ giảm mạnh, kênh đặt hàng online của siêu thị tăng nhanh trở lại, và có tình trạng quá tải. Đại diện siêu thị Lotte cho biết mỗi siêu thị thuộc hệ thống có giới hạn số đơn đặt hàng mỗi ngày tùy khả năng cung ứng của từng đơn vị.

"Với cách áp dụng mới này, tối đa 2 ngày siêu thị có thể giao đơn đến khách hàng. Đặc biệt khi được giao hàng liên quận, huyện, siêu thị cũng sẽ đẩy mạnh khâu bán hàng online", đại diện Lotte cho hay.

Tương tự, đại diện một hệ thống siêu thị khác cũng thừa nhận hiện nay khâu giao hàng của siêu thị bị quá tải vì đơn hàng đặt online tăng vọt. "Nhân viên của siêu thị phải tự đi giao hàng trăm đơn mỗi ngày vì đặt shipper công nghệ rất khó, chưa kể giá ship cao", đại diện này cho biết.

don hang di cho ho giam anh 1

Khi đơn hàng đi chợ hộ giảm, đơn hàng online của siêu thị tăng vọt. Ảnh: Phương Lâm.

Tại họp báo chiều ngày 17/9, trả lời câu hỏi về việc các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất ngành ngành lương thực, thực phẩm, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM thừa nhận 9 tháng qua các doanh nghiệp thuộc ngành này gặp rất nhiều khó khăn do các đợt dịch.

Tuy nhiên ông cho biết tốc độ chung giảm nhưng nhóm chính liên quan đến cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho người dân như tinh bột vẫn tăng trưởng tốt. "Chỉ có rượu bia và chế biến thức ăn nhanh giảm. Nhóm này có tỷ trọng cao trong nhóm ngành chế biến lương thực, thực phẩm kéo theo tốc độ phát triển chung của ngành giảm theo", ông lý giải.

Theo đó, ông Phương cho biết dựa trên các kiến nghị của Hội lương thực, thực phẩm TP, Sở Công Thương đã có các giải pháp tham mưu như hỗ trợ kết nối các địa phương, đơn vị cung ứng để hỗ trợ bổ sung nguyên vật liệu cho lĩnh vực này.

Đồng thời Sở đã cố gắng phối hợp hỗ trợ tiêm vaccine, cấp giấy đi đường cho các đơn vị. Về giải pháp lâu dài, Sở tham mưu lập Hội đồng phát triển ngành chế biến lương thực, thực phẩm để tham mưu cho thành phố hỗ trợ các vấn đề liên quan đến chiến lược phát triển của ngành như vốn, lao động...

Vì sao nhiều hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa có giấy đi đường?

Công an TP.HCM cho biết hiện nay một số địa phương vẫn còn giấy đi đường, tuy nhiên có tình trạng khi người dân liên hệ thì không được và không biết liên hệ với ai.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm