Tại họp báo chiều 16/9, đại diện các sở, ngành của TP.HCM đã giải đáp nhiều vấn đề, trong đó có dấu hiệu quá tải đơn hàng siêu thị online, đưa người lao động về quê, kiểm soát lưu thông với shipper.
Nhiều siêu thị có thể giao đơn hàng online trong ngày
Trả lời câu hỏi của Zing về tình trạng đơn hàng online của siêu thị quá tải, có đơn hàng 3-4 ngày chưa nhận được, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết những ngày qua bên cạnh thực hiện phương thức đi chợ hộ, thành phố đã cho phép shipper hoạt động trong nội quận, huyện làm đơn đi chợ hộ giảm, số đơn hàng đặt qua shipper tăng nhanh.
Ông đánh giá đơn đi chợ hộ giảm mạnh. Hiện nay các hệ thống phân phối không có tình trạng quá tải, nếu có chỉ xảy ra cục bộ ở một số cửa hàng.
Người dân vùng xanh tại quận 7, TP.HCM được đi chợ 1 lần/tuần từ ngày 16/9. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Lãnh đạo Sở Công Thương lấy ví dụ Citimart, Vinmart, Co.opmart có thể giao đơn hàng cho người dân trong ngày, Satra giao trong 24-48 tiếng, Bách Hóa Xanh, MM Mega Market, Lotte giao trong 48 tiếng, Siêu thị Aeon giao trong khoảng 48-72 tiếng.
Về kế hoạch đi chợ của người dân quận 7, ông Phương cho biết từ ngày mai (17/9) người dân sẽ đi chợ 1 lần/tuần, có hơn 51.000/92.000 hộ dân ở vùng xanh được luân phiên đi chợ. Người đi chợ được phát phiếu, tiêm vaccine ít nhất 1 mũi và chỉ đi trên địa bàn phường.
Theo công văn 3072 của UBND TP.HCM ngày 15/8, TP.HCM tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội từ 0h ngày 16/9 đến hết 30/9. Trong đó, TP.HCM nới lỏng một số hoạt động. Shipper được chạy liên quận/huyện/TP từ 6h đến 21h hàng ngày.
Hộ kinh doanh cũng được hoạt động nội quận, huyện. TP cho phép một số loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký) được hoạt động từ 6h đến 21h.
Hơn 30.000 shipper đã tiêm mũi 1 đủ thời gian tham gia hoạt động
Trả lời câu hỏi về kiểm tra lưu thông đối với shipper từ ngày 16/9, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết theo quy định shipper không thuộc đối tượng do công an cấp giấy đi đường.
Theo đó, công an kiểm soát hoạt động của lực lượng này bằng nhận diện qua bộ nhận diện shipper, giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 2 ngày, khai báo y tế qua ứng dụng VNEID của Bộ Công an. Hiện shipper được Sở Công Thương gửi cho Công an thành phố danh sách shipper hoạt động để công an cập nhật vào phần mềm VEID và kiểm soát tại các chốt chặn.
Công an TP đã ban hành văn bản quy định các phương thức kiểm soát, lưu thông trên đường sau ngày 15/9, trong đó có một số thay đổi với shipper, được giao hàng liên quận huyện, xét nghiệm mẫu gộp 2 ngày/lần.
Đối với nhân viên giao nhận của doanh nghiệp và hộ kinh doanh, Công an TP yêu cầu chỉ được hoạt động trong phạm vi một quận, huyện và TP Thủ Đức, phải xét nghiệm 2 ngày/lần, được Công an TP cấp giấy đi đường.
Đối với lao động của các nhà máy thuộc khu công nghiệp, khu chế xuất khu công nghệ cao, Công an TP yêu cầu đổi ca không dưới 7 lần/ngày, người lao động lưu thông từ 9-11h và 14-16h.
"Để được lưu thông, các lực lượng này phải thực hiện đủ yêu cầu sau: Lưu thông từ nhà máy đến nơi cư trú; thuộc công ty, doanh nghiệp được Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghê cao xác nhận; ghi rõ thời gian lưu thông trên đường; có xét nghiệm âm tính trong thời gian 5 ngày; khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an", ông Hà nói.
Ngày 16/9, nhiều shipper tại TP.HCM chia sẻ không dám giao hàng liên quận do danh sách shipper đã đăng ký với Sở Công Thương gặp trục trặc. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Về công tác tổ chức cho các shipper hoạt động liên quận huyện, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương - cho biết các doanh nghiệp sở hữu ứng dụng giao hàng đang tập trung hỗ trợ, rà soát lại các yêu cầu, điều kiện hoạt động của shipper.
"Đến hôm nay, chúng tôi mới nhận được 16/33 đăng ký thêm của các doanh nghiệp. Trong ngày 14/9 có 22.000 shipper hoạt động. Có hơn 30.000 shipper đã tiêm mũi 1 đủ thời gian tham gia hoạt động", ông Phương nói.
TP.HCM đưa lao động về quê sau ngày 15/9 thế nào?
Trả lời câu hỏi về sau ngày 15/9, người dân có nhu cầu từ TP.HCM về các tỉnh và ngược lại phải liên hệ cơ quan nào, ông Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết đây là vướng mắc mà Công an TP không thể giải quyết được mà phải dựa trên tổng thể chung của các tỉnh thành.
Ông ví dụ, từ thành phố đi các tỉnh thành khác phải có sự đồng ý của vùng được tiếp nhận và các địa điểm di chuyển qua. Việc này phải có đề xuất và chỉ đạo thống nhất từ cơ quan trung ương.
"Để đảm bảo các mục tiêu, chỉ đạo cho người lao động từ TP.HCM về quê và từ các tỉnh đến TP.HCM, quan điểm của Công an TP trong tất cả vụ việc khi nhận được các yêu cầu hay bất cứ văn bản của cơ quan nào chúng tôi đều có báo cáo, đề xuất và đồng ý cho người lao động quay về địa bàn và di chuyển", ông Hà nói và cho biết phía Công an TP không gây bất cứ khó khăn gì cho người lao động.
Tuy nhiên, ông cho biết hiện nay nếu Công an TP cho phép người dân di chuyển ra khu vực TP.HCM nhưng khi đi đến các tỉnh khác mà không nắm được quy định, sợ rằng người dân sẽ buộc phải quay đầu khi các tỉnh không cho vào.
"Hôm nay, Công an TP đã nhận văn bản chỉ đạo của Bộ Công an để tham mưu về vấn đề này. Trong thời gian tới thành phố sẽ có cách giải quyết một cách thống nhất đồng bộ", ông nói.
Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết thực tế TP và một số tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16, do đó ông đề xuất Công an TP có tham mưu với UBND TP để làm rõ vấn đề này.