Nguồn tin từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, trăng tròn đầu tiên của tháng 1, hay còn được gọi là Trăng Sói, sẽ diễn ra vào đúng 1/1 và đó sẽ là siêu trăng đầu tiên của năm 2018. Hiện tượng siêu trăng tiếp theo sẽ xuất hiện vài tuần sau đó.
Siêu trăng xuất hiện khi mặt trăng sáng và to hơn trên bầu trời. Hiện tượng này xảy ra khi trăng tròn trùng với cận điểm của mặt trăng trong quỹ đạo quay quanh trái đất.
Trong suốt sự kiện này, mặt trăng sẽ xuất hiện lớn hơn tới 14% và sáng hơn tới 30% so với trăng tròn bình thường. NASA cũng cho biết Siêu Trăng thường xuất hiện khoảng 13 tháng 1 lần.
Siêu trăng tiếp theo đến vào ngày 31/1/2018. Một số bộ lạc da đỏ tại Mỹ gọi trăng tròn thứ 2 trong cùng một tháng là mặt trăng xanh, và hiện tượng này chỉ xảy ra khoảng 2,5 năm một lần.
Siêu trăng xuất hiện ở Naypyitaw, Myanmar vào ngày 3/12. Ảnh: AP. |
Siêu trăng vào ngày 31/1, theo một số các cơ quan không gian, sẽ đi kèm với nguyệt thực toàn phần. "Do đó, mặt trăng sẽ mang ánh sáng màu đỏ huyền ảo, kỳ diệu hơn bình thường”, NASA cho biết thêm.
Sự kiện thiên văn này sẽ có thể quan sát được từ phía tây nước Mỹ qua Thái Bình Dương tới Đông Á.
Thời điểm tốt nhất để quan sát Siêu trăng là ngay khi Mặt Trăng đang mọc lên trên đường chân trời. Timeanddate.com cung cấp máy tính để những người quan tâm tính được chính xác giờ Siêu Trăng xuất hiện thuận lợi cho việc quan sát.