Đầu tháng 11/2015, ngành nông nghiệp Việt Nam chào đón sự kiện lớn khi xoài Cát Chu lần đầu tiên có mặt trong một siêu thị lớn của Nhật.
Sự kiện này có được sau nhiều nỗ lực xúc tiến của cơ quan Nhà nước và cả bản thân doanh nghiệp. Đặc biệt, hình ảnh Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Nhật - ông Nguyễn Quốc Cường - cầm trên tay trái xoài đăng trên mạng xã hội được đánh giá cao khi đã "tiếp thị" được sản phẩm rộng rãi và gây ấn tượng.
Đau đáu muốn mang nông nghiệp Việt ra thế giới
Nhận thấy vai trò và sức lan tỏa rất lớn của các nhà ngoại giao trong việc xúc tiến thương mại, đặc biệt là nông sản Việt ra nước ngoài, giữa năm 2016, Bộ Ngoại giao, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức buổi gặp gỡ các doanh nghiệp với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Rất nhiều doanh nghiệp mong muốn các đại sứ sẽ mang rau, chuối, dừa,... ra nước ngoài để kiến tạo con đường vươn ra thế giới cho nông sản Việt Nam. Từ đó đến nay, mỗi đại sứ đều có cách riêng của mình để giúp đỡ ngành nông nghiệp trong nước. Và câu chuyện từ đất nước Thụy Sĩ xa xôi, gần như chưa có tên trên bản đồ nông nghiệp thế giới của Đại sứ Dương Chí Dũng khiến nhiều người xúc động.
Đầu năm 2017, khi tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 47 (World Economic Forum - WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NT&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã gặp gỡ Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức khác tại Geneva.
Chân dung Đại sứ Dương Chí Dũng (giữa) tại buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp ngày 30/3. Ảnh: Hiếu Công. |
Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã “đặt hàng” ngài đại sứ tìm hiểu các công nghệ tiên tiến của Thụy Sĩ trong việc chế biến, bảo quản nông sản nói riêng và công nghệ cho ngành nông nghiệp nói chung.
Theo ông, công nghệ có vai trò quyết định trong ngành nông nghiệp. Muốn tăng năng suất, tạo các chuỗi giá trị cao, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng phải đi từ công nghệ. Công nghệ sẽ giúp cho nền nông nghiệp không manh mún, tạo giá trị xuất khẩu cao.
Đại sứ Dương Chí Dũng tâm sự tuy mang vai trò là một nhà ngoại giao nhưng ông luôn đau đáu về sự phát triển của ngành nông nghiệp trong nước.
Chiếc USB của ngài đại sứ
Ngay khi nhận được “đơn đặt hàng” của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trong tháng 1, đại sứ đã liên tục tiếp xúc với các hiệp hội ngành nghề nông nghiệp và các doanh nghiệp lớn của Thụy Sĩ để thu thập thông tin, tìm các giải pháp công nghệ hiện đại ứng dụng cho nông nghiệp Việt. Ngoài ra, ông cũng mạnh dạn đề xuất hợp tác và mời các doanh nghiệp Thụy Sĩ làm ăn tại Việt Nam, đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam.
Theo Đại sứ Dương Chí Dũng, Thụy Sĩ tuy là một nước nhỏ chỉ bằng 12% diện tích Việt Nam nhưng có một nền nông nghiệp rất phát triển. Nông nghiệp tuy chỉ đóng góp khoảng 2% GDP cho Thụy Sĩ nhưng lại đủ cung cấp cho đất nước này và tạo được nhiều sản phẩm ngon nổi tiếng.
Thụy Sĩ cũng có các công ty mạnh về nông nghiệp với hàng chục nhà máy khắp thế giới, nhiều viện nghiên cứu đưa ra các công nghệ hàng đầu. Nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang nhập khẩu nhiều công nghệ từ đất nước này.
Đông đảo doanh nghiệp lớn ngành nông nghiệp dự buổi gặp gỡ và "đặt hàng" ngài đại sứ. Ảnh: Hiếu Công. |
Cuối tháng 3/2017, Đại sứ trở về Việt Nam và là nhân vật tâm điểm của cuộc gặp gỡ với khoảng 30 doanh nghiệp lớn ngành nông nghiệp do Bộ NN&PTNT tổ chức.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, bộ rất muốn làm cầu nối để các doanh nghiệp có thể tiếp cận các doanh nghiệp lớn trên thế giới, các công nghệ hiện đại thông qua ngài đại sứ. “Các doanh nghiệp cần gì, thiếu gì cứ nói với đại sứ, đại sứ sẽ đi tìm kiếm giúp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hóm hỉnh nói.
Trả lời Zing.vn, ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, nơi đang rất cần công nghệ bảo quản và chế biến quả vải, người cũng tham gia buổi gặp gỡ rất vui khi ngài đại sứ đang tìm kiếm những công nghệ mới cho nông nghiệp nước nhà.
Ông Linh cũng tin tưởng từ buổi gặp gỡ sẽ đi đến những việc làm cụ thể, tạo hướng đi mới cho ngành nông nghiệp.
Tại buổi gặp gỡ, Đại sứ Dương Chí Dũng đã trình bày rất tâm huyết về những gì ông tìm kiếm được ở Thụy Sĩ kể từ hội nghị Davos.
Ông cũng mang theo một chiếc USB trong đó có rất nhiều dữ liệu về hình ảnh, mô hình và công nghệ hiện đại của Thụy Sĩ mà ông ghi nhận được về để giới thiệu với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể tham khảo, mình thiếu gì, cần gì có thể “đặt hàng tiếp” đại sứ. Ông sẽ làm cầu nối cho các doanh nghiệp.
Suốt gần 3 tiếng các tỉnh, các doanh nghiệp nói ra những khó khăn và đặt hàng công nghệ, đại sứ chăm chú lắng nghe và ghi chép một cách tỉ mỉ. Ông tâm sự, sẽ dốc sức để hỗ trợ và làm cầu nối với các doanh nghiệp, đưa nông nghiệp Việt vươn xa.
Tuy nhiên, với những nhà ngoại giao luôn đau đáu với đất nước như ông, “chiếc USB” gửi gắm nhiều tâm huyết mà ông mang về nước đã là sự cổ vũ, động viên rất lớn cho nhiều người giúp nông nghiệp Việt vươn xa.
Ông Dương Chí Dũng từng đảm nhận cương vị Trợ lý Bộ trưởng, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Pháp.
Ngày 8/1/2015, khi hết nhiệm kỳ về nước, ông được bổ nhiệm giữ chức Trợ lý Bộ trưởng, Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao.