Đốm sáng bị ẩn trên tiểu hành tinh Ceres. Ảnh: NASA |
Khám phá thú vị này được các nhà khoa học phát hiện tại đài quan sát thiên văn LA Silla ở Chile. Bằng cách quan sát các đốm sáng ở Ceres, nhóm nghiên cứu nhận thấy độ sáng không ổn định mà thay đổi trong ngày, theo Daily Mail.
Họ cho rằng độ sáng thay đổi khi tiểu hành tinh di chuyển, rất có thể các vật chất tạo ra hiệu ứng phản chiếu ánh sáng bốc hơi dưới ánh nắng mặt trời.
Suốt thời gian qua, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết để giải thích cho nguồn gốc đốm sáng. Có người cho rằng khoáng chất muối, băng tích tụ dưới đáy các hố thiên thạch đã phản chiếu ánh sáng mặt trời. Thậm chí, một số người theo thuyết âm mưa còn nghi ngờ đó là dấu hiệu của người ngoài hành tinh.
Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Phát hiện mới cho thấy đốm sáng có thể thay đổi độ sáng ở nhiều thời điểm khác nhau càng khiến hiện tượng kỳ lạ này thêm bí ẩn.
Ceres là thiên thể lớn nhất trong vành đai tiểu hành tinh nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc. Nó có đường kính khoảng 950 km. Ceres là vật thể lớn nhất nằm trong quỹ đạo của Hải vương tinh.
Tàu thăm dò vũ trụ không người lái Dawn của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang bay quanh quỹ đạo Ceres. Nhiệm vụ của Dawn là chụp ảnh và lập bản đồ chi tiết bề mặt tiểu hành tinh.
Tàu thăm dò phát hiện ra rất nhiều đốm sáng bí ẩn. Một trong những đốm sáng nhất nằm trong hố thiên thạch Occator.