Khối đá mang tên 2013 TX68, có chiều dài 33 m (bằng một con cá voi trưởng thành), sẽ chỉ cách trái đất khoảng 17.000 km vào hôm 5/3, Daily Mail đưa tin. Khoảng cách đó bằng 1/21 cự ly từ trái đất tới mặt trăng.
Tuy nhiên, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thừa nhận rất có thể tính toán của họ về khoảng cách, kích thước của thiên thạch không chính xác. Một kịch bản khác là có thể nó sẽ bay cách địa cầu tới 14 triệu km. Nhưng trong cả hai trường hợp, 2013 TX68 đều không thể gây nên hiểm họa đối với địa cầu, NASA khẳng định.
Hình minh họa một thiên thạch bay gần địa cầu. Ảnh: Getty Images |
Các chuyên gia của NASA giải thích rằng sai số phát sinh do thiên thạch có thể di chuyển theo nhiều quỹ đạo. Họ mới chỉ phát hiện nó trong khoảng thời gian khá ngắn sau khi nó bay sát địa cầu lần đầu tiên vào năm 2013.
Một số nhà khoa học dự đoán 2013 TX68 có thể va chạm trái đất vào ngày 28/9/2017, với xác suất cao nhất là 1/250 triệu. Sau đó nó tiếp tục bay sát địa cầu vào năm 2046 và 2097.
Thiên thạch từng nổ trên bầu trời vùng Chelyabinsk, Nga vào năm 2013 có chiều dài khoảng 20 m. Theo kết quả tính toán của các nhà nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Cộng hòa Czech và Đại học Western Ontario, Canada, nguồn năng lượng trong thiên thạch khi phát nổ tương đương sức công phá của khoảng 500.000 tấn thuốc nổ TNT, và mạnh hơn gấp 30 lần so với sức mạnh của quả bom nguyên tử từng rơi xuống Hiroshima, Nhật Bản, năm 1945.
Nếu một thiên thạch có kích cỡ tương đương 2013 TX68 đâm trúng địa cầu, các chuyên gia cho rằng sức công phá của nó sẽ gấp đôi so với thiên thạch từng rơi xuống Chelyabinsk, Nga.