Trận thua kình địch Hà Lan 0-3 tại Nations League là lần thứ 5 người Đức phải cúi đầu trong năm 2018. Ông Loew đang là nhân vật phải “giơ đầu chịu báng” cho những thất bại liên tiếp. Song quy hết trách nhiệm cho người đàn ông 58 tuổi này có phải là điều đúng đắn?
Đội tuyển Đức đã thua 5 trận trong năm 2018, san bằng kỷ lục buồn của năm 1956 và 1985. Đồ họa: Bleacher Report. |
Sai lầm nối tiếp sai lầm
Thất bại nhục nhã bất ngờ tại World Cup 2018 đã giáng đòn mạnh vào niềm tin của ĐT Đức cũng như những người hâm mộ. Trách nhiệm được giới mộ điệu quy kết cho HLV Joachim Loew. Niềm tin mù quáng vào Mesut Oezil, Thomas Mueller, Sami Khedira của nhà cầm quân sinh năm 1960 đã khiến "Die Mannschaft" bị bắt bài trên đất Nga.
Những ngôi sao trẻ trong chiến tích vô địch Confed Cup một năm trước đó như Timo Werner, Leon Goretzka hay Julian Brandt chỉ được sử dụng nhỏ giọt hoặc sai cách. Leroy Sane, ngôi sao vô địch Premier League cùng Man City thậm chí không được gọi và tạo ra không ít lùm xùm trước giải.
Ông Loew đã đưa ra những quyết định sai lầm liên tục và khiến ĐT Đức phải trả giá. Ảnh: Getty Images. |
Nhiều người chờ sự thay đổi trên băng ghế huấn luyện sau cơn ác mộng trên đất Nga, nhưng LĐBĐ Đức (DFB) nói không. Hợp đồng mới với ông Loew được ký từ trước World Cup và có thời hạn tới năm 2022. Với DFB, Loew vẫn là người đáng tin tưởng bậc nhất. Thất bại tại World Cup 2018 không thể khiến những chiến tích ấn tượng trong giai đoạn 2008-2017 bị mất đi.
Kết quả là không có bất kỳ thay đổi nào đáng kể được tạo ra tại ĐT Đức sau thất bại ở World Cup ngoại trừ việc Mesut Oezil từ giã ĐTQG cùng lời cáo buộc phân biệt chủng tộc (vốn là quyết định mang tính cá nhân của tiền vệ người gốc Thổ Nhĩ Kỳ).
Hệ quả là Đức hòa Pháp, thua đậm Hà Lan và đứng trước viễn cảnh phải “xuống hạng” tại Nations League khi chỉ có 1 điểm sau 2 lượt trận và trình diễn thứ bóng đá màu mè nhưng thiếu hiệu quả.
Cách chơi của Đức trong cả hai trận đấu với Pháp và Hà Lan không khác là bao so với những gì họ trình diễn trên đất Nga. Việc "Die Mannschaft" bị bắt bài không khiến nhiều người băn khoăn bằng chuyện vì sao LĐBĐ Đức vẫn nhất quyết chọn đặt niềm tin vào ông Loew thay vì mạnh dạn gạt đi nhà cầm quân có nhiều công danh này để tìm ra hướng đi khác cho đội tuyển.
Ông Loew sai lầm khi đặt niềm tin vào lứa trụ cột lớn tuổi, đã no nê danh hiệu để rồi nhận thất bại tại World Cup 2018. Tuy nhiên, DFB còn sai lầm hơn khi tiếp tục tin vào nhà cầm quân này trong công cuộc tái thiết đội tuyển để hướng tới EURO 2020.
Liên đoàn bóng đá Đức vẫn tin tưởng ông Loew. Ảnh: Getty Images. |
Giới chuyên môn cho rằng việc DFB tiếp tục tin ông Loew là do họ muốn lặp lại câu chuyện của Berti Vogts. Năm 1994, Đức trong vai nhà ĐKVĐ World Cup đã thất bại trước Bulgaria tại tứ kết và phải về nước trong tủi hổ. DFB khi ấy quyết định không sa thải Vogts để rồi hai năm sau, Đức dưới tay nhà cầm quân này lên ngôi vô địch EURO 1996.
Song DFB có thể đã hơi lạc quan. Việc thua Bulgaria rất mạnh khi đó của Hristo Stoichkov hay Yordan Letchkov ở tứ kết rất khác so với chuyện bị loại ngay từ vòng bảng khi thua những Hàn Quốc hay Mexico. Năm 2018 cũng khác hoàn toàn so với 1994. Bóng đá hiện tại diễn ra với tốc độ kinh hoàng so với những gì cách đây hai thập kỷ.
HLV Stefen Kuntz cho rằng ĐT Đức đang chơi thứ bóng đá lạc hậu so với những đội tuyển mạnh nhất. Ảnh: Getty Images. |
Bóng đá Đức đang bị bắt kịp?
Chiến thắng tại World Cup 2014 khiến giới chuyên môn lao vào mổ xẻ thành công trong công tác làm bóng đá của người Đức. Tất cả đều nể phục công tác đào tạo trẻ của quốc gia này khi họ phổ biến chung ngôn ngữ bóng đá cho tất cả lứa tuổi, từ đó chắt lọc ra những tinh hoa cho đội tuyển quốc gia.
Đi cùng với đó là sự áp dụng công nghệ vào công tác huấn luyện, giúp gia tăng sức mạnh thể chất cũng như tư duy của cầu thủ. 4 năm sau ngày đó, Đức đang dần bị bắt kịp. HLV đội U21 Đức, Stefen Kuntz tin rằng cách tiếp cận đào tạo bóng đá trẻ của người Đức cần thay đổi trước khi quá muộn.
Trả lời Sportbuzzer, ông Kuntz khẳng định tư duy của người Đức đang dần trở nên lỗi thời và dễ đoán so với bóng đá hiện tại. “Chúng ta đã tụt quá xa so với xu thế của những đội tuyển hàng đầu. ĐT Đức đang tập trung vào việc rèn luyện kiểm soát thế trận và chơi với một tiền đạo có thể sử dụng chân tốt để kiến tạo thế trận.
"Chúng ta đã quên đi những thứ cơ bản như tranh chấp, tạt bóng hay đối đầu tay đôi. Chơi bóng bằng cả hai chân, đi bóng giữ nhịp thế trận là những thứ mà bất kỳ đội tuyển nào cũng có thể làm được, còn chúng ta thì không”, ông Kuntz nói.
Peter Hybala, cựu cố vấn của LĐBĐ Đức cho rằng người Đức đang bỏ qua những cá tính lớn trên sân cỏ, những mẫu cầu thủ dám sáng tạo, làm những điều không ai làm để tập trung vào cách huấn luyện cũ với những sản phẩm ưu tiên kỹ thuật cá nhân.
Về tư duy, người Đức đang chững lại, trong khi công nghệ không còn là thứ vũ khí sắc bén của họ. Nếu như người Đức có Footbonout, công nghệ giúp cầu thủ rèn luyện khả năng phán đoán tình huống bằng căn phòng bắn bóng ngẫu nhiên, thì giờ đây người Anh có ICON, cỗ máy với công nghệ gần tương tự Footbonout nhưng cho ra số lượng cú sút vượt trội hơn, từ đó giúp những cầu thủ phán đoán tình huống tốt hơn.
Thậm chí, ICON còn có nhiều phiên bản rẻ hơn rất nhiều so với Footbonout (phiên bản mini chỉ có giá 20.000 bảng so với hơn 2 triệu bảng của công nghệ Đức), và vì thế được áp dụng tại nhiều nơi hơn thay vì chỉ gói gọn trong vài CLB như Dortmund, Hoffenheim, RB Leipzig hay Bayern Munich.
Trong cuộc chơi công nghệ, người Đức đang bị người Anh bắt kịp, thậm chí vượt mặt. Ảnh: ESA. |
Oliver Bierhoff trong buổi phỏng vấn vào tháng 11/2017 với tờ The Guardian tin rằng người Anh đang dần vượt mặt người Đức trong công tác đào tạo trẻ với học viện St George’s Park cùng việc áp dụng công nghệ vào công tác huấn luyện.
Những tiên đoán của Bierhoff đã trở thành sự thật khi Anh về thứ tư tại World Cup 2018, trong khi Đức bị loại ngay từ vòng bảng. Cùng với sự vụt sáng của Pháp, Đức đang dần tụt lại trong cuộc đua những nền bóng đá phát triển nhất tại châu Âu.
Thế giới bóng đá vận động với tốc độ vũ bão trong suốt những năm qua với sự ra đời của nhiều trường phái, nhiều triết lý mới. Đội tuyển Đức đã vươn lên đỉnh thế giới với sự tiên tiến của năm 2014, nhưng hiện họ bị những kình địch vượt mặt bằng chính tư duy dám nghĩ, dám làm những điều mới mẻ đó.
Cuộc khủng hoảng mà ĐT Đức đang vướng phải, vì vậy không chỉ có lỗi của riêng huấn luyện viên Joachim Loew.