Đội tuyển Anh đã vào tới tứ kết World Cup cùng 2 cột mốc khá đẹp trên giấy tờ: lần đầu tiên sau 12 năm vượt qua vòng 1/8 và lần đầu tiên trong lịch sử thắng một trận đấu tại World Cup trên chấm luân lưu.
Tuy nhiên, ngoại trừ niềm vui chiến thắng, màn trình diễn của "Tam sư" trước Colombia xứng đáng được gắn mác thảm họa. Nó không phải là thảm họa về mặt chiến thuật, mà đến từ yếu tố con người. Gần như tất cả cầu thủ Anh đều đá dưới khả năng của mình.
Các tuyển thủ Anh vui mừng sau khi vượt qua Colombia trong loạt sút luân lưu 11 m ở vòng 1/8 World Cup 2018. Ảnh: Reuters. |
Một trong những điểm khác biệt nhất giữa Anh của World Cup 2018 và thế hệ đàn anh là việc các hậu vệ "Tam sư" hiện tại thường xuyên nhận được bóng từ thủ môn rồi chuyền qua chuyền lại cho nhau rất nhiều. Đây là cách đá chúng ta từng thấy ở Barcelona thời tiqui-taca còn ở đỉnh cao, hay gần nhất chính từ cách Man City thống trị Premier League. Nghe có vẻ rất sang trọng và… nguy hiểm.
Về lý thuyết, phải có sự tự tin cao lắm người Anh mới dám mạo hiểm cầm bóng ngay trước vòng cấm địa đội nhà và ban bật trước mặt đối thủ. Tuy nhiên, quá trình này cứ lặp đi lặp lại, trái bóng luẩn quẩn ở phần sân nhà trông thì rất bài bản, nhưng ý tưởng đưa lên phía trước gần như không có.
Lúc này, nhiều người mới nhận ra các cầu thủ Anh dường như không có một kế hoạch cụ thể để xuyên thủng mành lưới Colombia, ngoại trừ đi tìm kiếm các tình huống cố định. Nhiều cổ động viên bắt đầu thắc mắc: tuyển Anh quả thật không phải là tập hợp của những ngôi sao lớn, nhưng họ đâu có tệ đến thế. Tại sao thế trận lại tù túng, tẻ nhạt như vậy?
Câu trả lời đơn giản là áp lực. "Tam sư" bị tâm lý quá nặng. Cách đây vài ngày, khi được báo chí Anh đặt ra giả thuyết phải đá luân lưu ở World Cup, liệu đội tuyển Anh có thắng nổi hay không, huấn luyện viên (HLV) Gareth Southgate mới “bật mí” cho báo chí chi tiết: Kể từ tháng 3, ông đã cho các cầu thủ đội tuyển Anh tập đá 11 m. Đá penalty thành một phần giáo án buổi tập của Southgate.
Việc HLV Southgate biến đá luân lưu từ một nỗi sợ hãi thành bản năng của đội tuyển Anh được tư duy theo 2 cách nghĩ khác nhau.
Lạc quan thì nghĩ, ông chuẩn bị để "Tam sư" phá đi cái dớp sợ chấm luân lưu. Nhưng bi quan thì ngược lại: Southgate phải chăng chẳng có bài gì để thắng một trận ở vòng knock-out nên xác định trước sẽ kéo đối thủ tới chấm luân lưu.
Cách nghĩ thứ hai không hẳn là suy diễn thiếu căn cứ. Chúng ta có thể cảm nhận rõ việc đội tuyển Anh chịu áp lực kém tới nhường nào khi nhìn vào cách phản kháng của họ cả trong và ngoài sân cỏ.
Southgate từng mắng xối xả vào mặt cánh nhà báo khi thấy bức ảnh chụp lại giáo án của mình xuất hiện trên mặt báo. Ông đay nghiến: “Các anh phải chọn giữa làm nghề và tổ quốc”.
Vấn đề nằm ở chỗ, bức ảnh đó được chụp trong một buổi tập công khai của đội tuyển Anh và dĩ nhiên, chẳng HLV chuyên nghiệp nào lại cầm tờ giáo án bí mật của mình đi đi lại lại trước hàng chục ống tele máy ảnh cả. Mọi bí mật của "Tam sư" chỉ nên xuất hiện trong sân tập kín, nơi người Anh quây kín 4 mặt và có lắp cả hệ thống chống các thiết bị bay tự động (như drone hay flycam).
Còn trên sân cỏ, chẳng cần tới mắt nhìn của giới chuyên môn cũng có thể nhận ra Colombia thực tế cũng chẳng có bài vở gì. Họ tạo được kịch tính đến vậy hoàn toàn là nhờ đội tuyển Anh tự rút súng bắn vào chân mình. Chính sự nhút nhát, nhún nhường của "Tam sư" vô tình đã đẩy cao tinh thần của Colombia lên. Đây là bài học vỡ lòng trong bóng đá: Không đội tuyển nào được phép cho đối thủ thấy họ đang mất tự tin cả.
Anh đã toan tính, nhưng họ chẳng thể tính nổi Mateus Uribe lại có thể sút xa đến vậy khiến Pickford phải đẩy ra chịu phạt góc. Và ĐT Anh cũng không thể ngờ nổi ngay ở quả phạt góc đầu tiên của trận đấu, Colombia lại ghi bàn.
Rõ ràng là người tính không bằng trời tính. Nếu đội tuyển Anh tiếp tục để gánh nặng tâm lý đè nặng và tự gò mình vào những toan tính, họ sẽ không thể tiến xa hơn cái ngưỡng của một chú mèo, chưa thể vươn mình gầm lên như sư tử được.
Kết quả và lịch thi đấu ở vòng knock-out World Cup 2018. Đồ họa: Minh Phúc. |