Trung vệ Garry Cahill ăn mừng bàn mở tỷ số cho đội tuyển Anh. Ảnh: Reuters. |
Tối qua (2/6), trận giao hữu đầu tiên của đội tuyển Anh trong hành trình chuẩn bị cho World Cup 2018 đã khép lại khá mỹ mãn. Harry Kane - đội trưởng trẻ nhất trong lịch sử bóng đá Anh, chứng minh rằng tấm băng thủ quân trên tay không phải là gánh nặng gì đó quá khủng khiếp.
Anh sút tung lưới Nigeria và có được bàn thắng thứ 8 trong 7 trận gần nhất khoác áo đội tuyển quốc gia. Tâm lý “chỉ con số không biết nói dối” mà người Anh vẫn luôn tin tưởng cho phép họ có quyền hy vọng ở Kane.
Trước sự chứng kiến của hơn 70.000 cổ động viên, một thông điệp khác cũng được gửi đi - thông điệp về tiềm năng của người Anh. Kane ghi bàn nâng tỷ số lên 2-0 và Trippier là người thực hiện đường chuyền giúp Cahill mở tỷ số. Trong 15 bàn thắng gần nhất mà đội tuyển Anh ghi được có tới 11 bàn in dấu giày của những cầu thủ Tottenham.
Tottenham hiện là CLB đóng góp nhiều cái tên nhất cho đội tuyển Anh (5 người) và cũng là đội bóng giàu chất bản địa nhất tại Premier League. Thông điệp ở đây là gì? Đó là: nếu người Anh tạo ra một sân chơi cho “cây nhà lá vườn” đâm trồi nảy lộc, thực tế đội tuyển Anh cũng không đến nỗi “chỉ là những tên tuổi lớn ghép vào cùng một màu áo”.
Những ai theo dõi trận đấu với Nigeria tối qua hẳn cũng nhận thấy rất rõ sự tự tin của “Tam sư”. Họ lên bóng tương đối mạch lạc và có ý đồ rõ ràng. Nhưng quan trọng hơn cả yếu tố chiến thuật là sự tự tin. Người Anh thường xuyên bị mắng là “khôn nhà dại chợ”. Ở nhà thì quát tháo, ra oai, nhưng ra đường thì im thin thít, rụt rè, nhút nhát.
Nhưng trận đấu với Nigeria đã chứng minh, tự tin hoàn toàn có thể giống như liều thuốc bổ ngấm dần vào cơ thể. Lâu lắm rồi người hâm mộ mới thấy một đội tuyển Anh dám cầm bóng, chuyền ban ngay từ sân nhà như dàn sao trẻ của Southgate tối qua.
Harry Kane ghi bàn trong trận đấu anh mang băng đội trưởng tuyển Anh. Ảnh: Reuters. |
Nhưng...
Nếu World Cup là một kỳ giao hữu thì đội tuyển Anh đã vô địch tới vài lần chứ không cần chờ đợi suốt 52 năm ròng rã. “Ở ngoài công viên thì một người đàn ông và một đứa trẻ con đều có thể đuổi theo một chú thỏ. Nhưng khi bước vào một cánh rừng, chỉ người đàn ông mới tìm được lối ra. Đó là sự khác biệt giữa đội tuyển Anh trong những trận giao hữu và tại những giải đấu lớn như World Cup hay EURO”, tờ The Times từng viết thế này sau thất bại của “Tam sư” tại World Cup 2014.
Thực tế cũng đã chứng minh điều đó. Nếu chỉ tính riêng thành tích đá giao hữu thì những chuỗi 5-6 trận bất bại, 4-5 chiến thắng liên tiếp của đội tuyển Anh rất nhiều. Thắng lợi trước Nigeria tối qua cũng đánh dấu cột mốc 5 trận liên tiếp không thua của Tam Sư.
Nhưng khi bước vào sân chơi World Cup thì phải ngược về tít năm 1966 chúng ta mới thấy Tam Sư thắng được quá 3 trận liên tiếp. Hiện tại, đã 4 trận đấu liên tiếp trong khuôn khổ World Cup Tam Sư không biết mùi chiến thắng. Xa hơn, trong 12 năm qua, Anh mới thắng đúng... 2 trận tại các vòng chung kết World Cup và đều trước những đối thủ yếu (Ecuador năm 2006 và Slovenia năm 2010).
Những con số không biết nói dối. Người Anh đúng về điều đó, nhưng họ chọn lọc con số để kể cho người hâm mộ và giấu nhẹm đi những thực tế đáng buồn này. Thử kêu đốt xịt luôn là căn bệnh nan y của bóng đá Anh.
Vậy nên đừng bất ngờ nếu đoàn quân đầy uy mãnh của Southgate chơi tưng bừng ở những trận giao hữu, nhưng rồi sẽ chật vật vượt qua vòng đấu bảng World Cup sắp tới và chia tay ở trận knock-out đầu tiên. Hy vọng không thảm như thế...