Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro bắt tay nhau tại một sự kiện hồi tháng 12/2013. Ảnh: Reuters |
Nhưng một điều dễ nhận thấy nhất là việc ông luôn xác định rõ nguyên tắc đối thoại thay vì đối đầu.
Phải khẳng định rằng lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Cuba hiện tại hoàn toàn vô nghĩa và chỉ gây thiệt hại kinh tế cho cả hai nước.
Theo thống kê của Phòng Thương mại Mỹ, hơn 50 năm cấm vận khiến nền kinh tế Cuba thiệt hại 1.100 tỉ USD và kinh tế Mỹ cũng tổn thất 1,2 tỉ USD mỗi năm.
Đó là thiệt hại hoàn toàn vô lý bởi Cuba không phải là mối đe dọa an ninh đối với Mỹ. Cuba không có tham vọng hạt nhân như Iran, quốc gia cũng bị Mỹ cấm vận.
Chính phủ Mỹ đời trước kiềm tỏa, cấm vận Cuba nhằm mục tiêu lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Fidel Castro. Nhưng hơn 50 năm đã trôi qua, ý đồ đó vẫn không hề có dấu hiệu thành công.
Rõ ràng là kiềm tỏa cấm vận Cuba không hiệu quả như chính ông Obama khẳng định. Tổng cộng 10 đời tổng thống trước đây của Mỹ không nhận ra điều này. Trên thực tế ngay từ khi tranh cử tổng thống năm 2008, ông Obama từng cam kết sẽ hàn gắn quan hệ với Cuba. Khi đó các chính trị gia Mỹ mô tả ông là “người ngây thơ”.
Một thực tế là không ít người Mỹ bảo thủ không nhận ra việc Mỹ phong tỏa Cuba không những phản tác dụng mà còn “phản thùng”, khiến Mỹ trở nên cô đơn hơn trên trường quốc tế. Việc nước Mỹ bị dư luận thế giới đánh giá là “kẻ bắt nạt” xuất phát một phần lớn từ chính sách thù địch với Cuba.
Cần nhớ mới đây 192 nước thành viên Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết kêu gọi Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Cuba.
Quyết định của ông Obama sẽ giúp nước Mỹ giành được nhiều thiện cảm hơn trong mắt dư luận quốc tế, đặc biệt là ở khu vực châu Mỹ.
Ông Obama thực hiện được quyết định lịch sử trong thời điểm sắp kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ hai khi ông không còn phải quá bận tâm với những kết quả bầu cử, không còn cần phải quá nín nhịn trước các đòi hỏi của Đảng Cộng hòa.
Từ trước thỏa thuận với Cuba, ông Obama đã chứng tỏ rằng ông sẵn sàng đối thoại với các đối thủ để xây dựng mối quan hệ mới.
Ví dụ điển hình là năm ngoái, ông trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đối thoại với một tổng thống Iran sau nhiều thập kỷ. Ông cũng vượt qua được những tranh chấp với Trung Quốc để cùng nước này đạt thỏa thuận chống biến đổi khí hậu.
“Các thỏa thuận này phản ánh quan điểm của ông Obama là đối thoại, kể cả với những quốc gia thù địch là cách tốt hơn so với cô lập để đưa các nước đó tới cộng đồng quốc tế”, cố vấn an ninh quốc gia Samuel Berger của cựu tổng thống Bill Clinton đánh giá.
Tất nhiên quan hệ Mỹ - Cuba vẫn còn nhiều thử thách phía trước. Ông Obama không dễ thuyết phục Quốc hội Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát dỡ bỏ lệnh cấm vận Cuba.
Giữa hai nước sẽ còn nhiều nghi kỵ và bất đồng. Nhưng đã có bước khởi đầu thuận lợi, quan hệ hai nước sẽ phát triển vượt qua mọi cản trở, giống như những gì đã diễn ra giữa Mỹ và Việt Nam từ thập niên 1990 đến nay.