Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

18 tháng đàm phán bí mật Mỹ - Cuba

Các quan chức Nhà Trắng tiết lộ để đi đến thỏa thuận cải thiện quan hệ, Mỹ và Cuba đã thực hiện các cuộc đàm phán bí mật trong vòng 18 tháng.

Theo báo New York Times, ngay sau khi tái đắc cử hồi năm 2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã triệu tập các cố vấn cấp cao, yêu cầu họ “tư duy mạnh mẽ” về các chiến lược của nhiệm kỳ hai, bao gồm việc tìm sự khởi đầu mới trong mối quan hệ với các cựu thù như Iran và Cuba.

Mỹ bắt đầu liên hệ với Cuba từ đầu năm 2013 với quan điểm rằng sẽ không thể có sự cải thiện quan hệ nếu Cuba không trả tự do cho công dân Mỹ Alan Gross, người bị bắt giữ và bị xử tù vì tội làm gián điệp.

Ngay sau khi chỉ định Thượng nghị sĩ John Kerry làm Ngoại trưởng, ông Obama đã thảo luận với ông Kerry về những sai lầm trong chính sách của Mỹ với Cuba.

Tòa thánh Vatican hỗ trợ

Tổn thất kinh tế khổng lồ do cấm vận

Theo thống kê của Phòng Thương mại Mỹ, 54 năm cấm vận thương mại khiến nền kinh tế Cuba thiệt hại 1.100 tỷ USD.

Kinh tế Mỹ cũng thiệt hại 1,2 tỷ USD mỗi năm.

Trong quãng thời gian này, nước Mỹ đã trải qua 11 đời tổng thống.

Ông Kerry đề nghị Mỹ nhờ sự giúp đỡ của Tòa thánh Vatican. Nhà thờ Thiên Chúa giáo là một trong những tổ chức lớn được cả Mỹ và Cuba tôn trọng và ủng hộ hai nước hàn gắn quan hệ.

Ông Obama bắt đầu mở chiến dịch ngoại giao với Cuba và yêu cầu các quan chức Nhà Trắng giữ bí mật.

Mùa xuân 2013, ông Obama ra lệnh cho hai cố vấn cấp cao ngồi vào bàn đàm phán với các đại diện Cuba để thực hiện đối thoại thăm dò. Các thành phố Ottawa và Toronto ở Canada và Tòa thánh Vatican là những địa điểm Mỹ và Cuba đàm phán.

Tháng 6/2013, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes và cố vấn lĩnh vực Mỹ Latin Ricardo Zuniga đến Canada để tham gia cuộc họp đầu tiên với các quan chức Cuba. Tổng cộng 9 cuộc  họp như vậy đã diễn ra ở Canada và Tòa thánh Vatican.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro bắt tay nhau tại tang lễ ông Mandela ở Nam Phi hồi tháng 12-2013.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro bắt tay nhau tại tang lễ ông Mandela ở Nam Phi hồi tháng 12/2013.

Hồi đầu năm 2014, một nhân vật có ảnh hưởng cực lớn can thiệp vào các nỗ lực đàm phán giữa Mỹ và Cuba. Đó là Giáo hoàng Francis. Khi Tổng thống Obama thăm Tòa thánh Vatican hồi tháng 3, Giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Latinh đã kêu gọi Mỹ nối lại quan hệ với Cuba.

Đến mùa hè, Giáo hoàng Francis gửi thư cho ông Obama và nhà lãnh đạo Cuba Raul Castro, kêu gọi hai bên chấm dứt sự thù địch. Trong quãng thời gian đó, Ngoại trưởng Kerry 4 lần đàm phán qua điện thoại với người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez.

Các cuộc nói chuyện tập trung vào số phận của tù nhân Mỹ Alan Gross. Và tại Tòa thánh Vatican hồi mùa thu vừa qua, các quan chức Mỹ và Cuba đạt thỏa thuận trả tự do cho ông Gross, mở đường cho việc nối lại quan hệ hai nước.

Các cuộc đàm phán tiếp diễn, dẫn tới kết quả là cuộc nói chuyện qua điện thoại dài 45 phút giữa ông Obama và ông Raul Castro hôm 16/12. Đây là cuộc đối thoại cấp tổng thống đầu tiên giữa Mỹ và Cuba kể từ khi lãnh tụ Fidel Castro lên nắm quyền ở Cuba năm 1959.

Khi ông Obama nói chuyện qua điện thoại với ông Castro ở phòng Bầu dục tại Nhà Trắng, tất cả các cố vấn cấp cao của ông Obama đều có mặt. Và sau hơn 50 năm chiến tranh lạnh, hai nước cam kết khôi phục quan hệ, ông Gross được trả tự do và cả thế giới chấn động.

Mỹ - Cuba sẽ bình thường hoá quan hệ

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố sẽ bình thường hóa quan hệ ngoại giao, sau nửa thế kỷ gián đoạn.

 

Đường dài phía trước

Theo thỏa thuận giữa hai nước, Mỹ sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với Cuba trong các lĩnh vực như kiều hối, đi lại, hoạt động ngân hàng…

Ông Obama cho biết Mỹ sẽ xem xét mở đại sứ quán ở Havana trong vài tháng tới. Ông Obama cũng cam kết sẽ thúc giục Quốc hội Mỹ dỡ bỏ cấm vận thương mại đối với Cuba.

Trong khi đó, phía Cuba sẽ cho phép người dân tiếp cận Internet dễ dàng hơn. Nhà chức trách sẽ trả tự do cho 53 tù nhận được phía Mỹ coi là tù nhân chính trị. Chủ tịch Raul Castro kêu gọi Quốc hội Mỹ sớm dỡ bỏ cấm vận thương mại “đã gây tổn thất nhân lực và kinh tế khủng khiếp”, kéo dài hàng chục năm qua.

Theo khảo sát của báo New York Times, cứ 10 người Mỹ thì có 6 người ủng hộ cải thiện quan hệ với Cuba. Quyết định của ông Obama nhận được sự ủng hộ to lớn của Tòa thánh Vatican, Phòng Thương mại Mỹ, tổ chức Giám sát Nhân quyền và các doanh nghiệp nông nghiệp lớn.

Tuy nhiên, sẽ không dễ để Mỹ và Cuba sớm trở thành bạn bè thân thiết. Hàng loạt nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã lên tiếng chỉ trích thỏa thuận Mỹ và Cuba. Cựu thống đốc Florida Jeb Bush, một ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2016, mô tả thỏa thuận này “có hại cho tiến trình dân chủ ở Cuba”.

Với việc Đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai viện Quốc hội Mỹ, sẽ không dễ để ông Obama thuyết phục Quốc hội thông qua việc dỡ bỏ cấm vận đối với Cuba. Tuy nhiên như ông Obama chỉ rõ, lịch sử đã chứng minh rằng sự cô lập hoàn toàn vô tác dụng.

Các cột mốc chính trong quan hệ Mỹ - Cuba

Năm 1959: Ông Fidel Castro và lực lượng kháng chiến lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Fulgencio Batista được Mỹ ủng hộ.

Năm 1960-1961: Cuba quốc hữu hóa các doanh nghiệp Mỹ mà không đền bù thiệt hại. Mỹ cắt bỏ quan hệ ngoại giao và cấm vận thương mại Cuba để trả đũa.

Năm 1961: Cuộc xâm chiếm “Vịnh Con Lợn” của những kẻ lưu vong Cuba do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hỗ trợ nhằm lật đổ chế độ Fidel Castro thất bại.

Năm 1962: Liên Xô triển khai tên lửa đạn đạo đến Cuba, dẫn tới Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.

Năm 2011: Năm người Cuba, được mệnh danh là “Bộ ngũ Cuba”, bị xử tù ở Miami vì tội làm gián điệp.

Năm 2008: Ông Raul Castro lên nắm quyền ở Cuba.

Năm 2009: Công dân Mỹ Alan Gross bị bắt ở Cuba vì tội làm gián điệp.

Tháng 12/2013: Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro bắt tay tại tang lễ cố lãnh tụ Nam Phi Nelson Mandela.  

Ngày 17/12/2014: Ông Alan Gross được trả tự do.

http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20141218/18-thang-dam-phan-bi-mat-giua-my-va-cuba/686811.html

Theo Hiếu Trung/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm