Theo Nikkei Asian Review, những quyết định đơn phương được TSMC đưa ra nhằm tuân thủ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ công bố vào ngày 15/5, với mục đích cản trở các công ty sản xuất chip xử lý của nước này cung cấp các sản phẩm cho Huawei. Theo đó, các đơn đặt hàng được ký kết trước khi Bộ Thương Mại Mỹ công bố lệnh cấm sẽ vẫn được TSMC giao hàng, muộn nhất cho đến ngày 14/9 năm nay.
Chính phủ Mỹ đang giáng những đòn mạnh vào nền công nghệ Trung Quốc, thông qua các quy định xuất khẩu. Ảnh: Nikkei. |
Đây có thể được coi là đòn mạnh tay của Mỹ dành cho Huawei, khiến công ty này gặp khó khăn hơn bao giờ hết trong việc nhập nguồn cung các linh kiện, thiết bị phục vụ sản xuất.
Sau Apple, Huawei Technologies hiện là khách hàng lớn thứ hai của TSMC. Hầu hết sản phẩm chip tiên tiến mà Huawei đang sử dụng, bao gồm cả chip smartphone đều do công ty này gia công.
Cùng thời gian với thông báo lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ, TSMC cũng cho biết họ sẽ xây dựng và đưa vào hoạt động xưởng sản xuất chip trị giá 12 tỷ USD tại Arizona với sự hỗ trợ của Chính phủ Liên bang Mỹ.
Theo Wall Street Journal, các quan chức Nhà Trắng đã thảo luận với hai nhà cung cấp chip hàng đầu thế giới là TSMC và Intel, lên kế hoạch xây dựng các nhà máy trong nước, đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng tại Mỹ, giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy khu vực châu Á và chuỗi cung ứng quốc tế.
“TSMC luôn tuân thủ luật pháp và các quy định hiện hành, đồng thời theo sát quy tắc xuất khẩu của Hoa Kỳ và làm việc chặt chẽ với các các bên liên quan để tiến hành phân tích pháp lý, đảm bảo kiểm tra toàn diện và giải trình các quy tắc này”, đại diện TSMC trả lời TechCrunch.
Huawei là đối tác quan trọng thứ hai của TSMC. Tuy nhiên, đứng trước quy định của chính phủ Mỹ, TSMC vẫn phải tuân thủ và dừng hợp tác với Huawei. Ảnh: Nikkei. |
Theo Nikkei Asian Review, Huawei dường như lường trước được những động thái này của Bộ Thương Mại Mỹ và đã cho xây dựng các kho hàng tích trữ linh kiện trong vòng một năm. Về phía Trung Quốc, các quỹ của Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ khoảng 2,25 tỷ USD vào nhà máy sản xuất của Tập đoàn sản xuất vật liệu bán dẫn quốc tế (SMIC), kỳ vọng vào sự phát triển của công ty chip nội địa sẽ thoát khỏi sự ảnh hưởng vào Mỹ.
Đây là lệnh cấm mới nhất mà Chính phủ Mỹ ban hành nhằm chống lại Huawei với lý do an ninh quốc gia. Vào năm 2012, hai công ty ZTE, Huawei được Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ liệt vào danh sách mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia.