Chiều 18/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (VPB) - đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 để trình cổ đông thông qua kết quả kinh doanh năm 2022, kế hoạch kinh doanh năm 2023, cùng các kế hoạch phân phối lợi nhuận, tăng vốn…
Tại phiên họp, ban lãnh đạo VPBank đã trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 với kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 10% bằng tiền mặt, tương đương với việc cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VPB sẽ nhận về 1.000 đồng tiền mặt.
Theo tờ trình, năm 2022, lợi nhuận sau thuế hợp nhất nhà băng này ghi nhận được là 16.909 tỷ đồng và phần lợi nhuận thuần có thể phân phối cho cổ đông là 18.168 tỷ đồng.
Sau khi trích lập các quỹ bắt buộc, bao gồm quỹ dự phòng bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính, phần lợi nhuận còn lại có thể chia cổ tức của VPBank là 15.288 tỷ đồng.
Với mức lợi nhuận kể trên, ban lãnh đạo VPBank dự kiến dùng 7.934 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông và giữ phần còn lại để phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, trình bày kết quả kinh doanh năm 2022 và kế hoạch năm 2023 trước cổ đông. Ảnh: BTC. |
Đáng chú ý, tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt 10% kể trên được VPBank tính trên tổng số cổ phiếu lưu hành mới sau các đợt phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP và phát hành/chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Với kế hoạch kể trên, đối tác Nhật Bản - Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - cũng sẽ được nhận cổ tức tiền mặt từ ngân hàng.
Cuối tháng 3 vừa qua, VPBank đã ký kết thỏa thuận phát hành 15% vốn cổ phần cho SMBC, giá trị thương vụ lên tới gần 36.000 tỷ đồng. Tại phiên họp cổ đông hôm nay, ban lãnh đạo VPBank cũng trình cổ đông thống nhất và phê duyệt, thông qua phương án tăng vốn điều lệ thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho SMBC.
Trong đó, VPBank sẽ phát hành hơn 1,19 tỷ cổ phiếu mới cho đối tác Nhật với mức giá 30.159 đồng/cổ phiếu, qua đó thu về hơn 35.900 tỷ đồng thặng dự vốn. Phần giá trị cổ phần tính theo mệnh giá là 11.905 tỷ đồng, cùng với một phần vốn tăng thêm thông qua phát hành cổ phiếu ESOP, vốn điều lệ sau phát hành của VPBank sẽ là 79.339 tỷ đồng.
KẾT QUẢ KINH DOANH HÀNG NĂM CỦA VPBANK | |||||||||
Nhãn | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 Kế hoạch | |
Lợi nhuận trước thuế | tỷ đồng | 4929 | 8126 | 9200 | 10334 | 13000 | 14364 | 21220 | 24003 |
Như vậy, với việc sở hữu hơn 1,19 tỷ cổ phiếu VPB sau tăng vốn, cổ đông SMBC sẽ nhận về gần 1.200 tỷ đồng tiền mặt từ đợt chia cổ tức của VPBank dự kiến thực hiện trong quý II-III năm nay. Trong đó, thời gian cụ thể sẽ do HĐQT quyết định, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và các điều kiện thực tế của ngân hàng.
Bên cạnh kế hoạch tăng vốn và chia cổ tức kể trên, ban lãnh đạo VPBank cũng trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm tăng 39%, đạt gần 880.000 tỷ đồng. Hai chỉ tiêu tài chính khác là tiền gửi khách hàng, giấy tờ có giá và dư nợ cấp tín dụng dự kiến lần lượt đạt 518.192 tỷ đồng (+41%) và 635.972 tỷ đồng (+33%). Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Với các chỉ tiêu tài chính kể trên, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 13%, đạt hơn 24.003 tỷ đồng.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.