Từ 13/3, Trung Quốc phong tỏa thành phố Thâm Quyến với 17,5 triệu dân do bùng phát dịch Covid-19. Lệnh phong tỏa Thâm Quyến khiến các hãng công nghệ tại đây như Foxconn, đối tác lắp ráp lớn nhất của Apple tạm ngừng hoạt động và đình trệ khâu sản xuất.
Gián đoạn sản xuất
Ngoài những tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei, Oppo, Tencent, TCL, Thâm Quyến còn là nơi Foxconn, hãng lắp ráp iPhone đặt 2 nhà máy lớn.
Mới đây, tập đoàn công nghệ này thông báo sẽ ngừng sản xuất linh kiện tại nhà máy đặt tại quận Long Hoa và Quan Lan, Thâm Quyến cho đến khi có thông báo mới từ chính quyền. Foxconn cũng lên kế hoạch dùng linh kiện sản xuất ở các thành phố khác để bù vào nguồn cung.
Foxconn, nhà cung ứng lớn nhất của Apple, phải ngừng hoạt động vì lệnh phong tỏa ở Trung Quốc. Ảnh: Getty Images. |
Tuy nhiên, việc gián đoạn sản xuất của Foxconn có thể không ảnh hưởng quá nhiều đến các dây chuyền sản phẩm Apple. Cơ sở lắp ráp iPhone và đồ Apple lớn nhất của Foxconn nằm ở Trịnh Châu, còn được mệnh danh là "thành phố iPhone". Theo Bloomberg, Foxconn cũng có kinh nghiệm đối phó với các đợt phong tỏa từ năm 2020.
Bên cạnh đó, nhu cầu mua sản phẩm công nghệ vào dịp đầu năm đã giảm so với cuối năm, do vậy ảnh hưởng từ lệnh phong tỏa có thể không quá nghiêm trọng, Bloomberg nhận định.
General Interface Solution (GIS) Holding, công ty con trong mảng màn hình cảm ứng của Foxconn, cho biết phân xưởng ở Thâm Quyến sẽ ngừng hoạt động vào hôm nay. Là đối tác của Apple và Samsung, GIS cũng là nơi chế tạo nhiều thiết bị phần cứng cho các hãng, theo Nikkei.
Unimicron, nhà sản xuất bảng mạch lớn nhất ở Đài Loan, đồng thời là đối tác cung ứng chính của Apple, Intel, NVIDIA cũng bị gián đoạn sản xuất do lệnh phong tỏa. Trả lời Nikkei, đại diện Unimicron cho biết Thâm Quyến không phải là cơ sở sản xuất tấm phim nền ABF (Ajinomoto build-up film), thiết bị chủ lực của hãng, nên lệnh phong tỏa sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lượng cung toàn cầu.
Theo thống kê, 90% thiết bị điện tử của thế giới được sản xuất tại Thâm Quyến. Thành phố có mạng lưới tập trung hàng chục nghìn nhà máy, 5.000 nhóm tích hợp sản phẩm và hàng nghìn xưởng thiết kế. Nhờ đó, Thâm Quyến đã trở thành cửa ngõ của những thứ liên quan tới mạch điện, chip, đèn LED và màn hình cảm ứng.
Covid-19 làm chao đảo ngành công nghệ Trung Quốc
Lệnh phong tỏa quy định người dân Thâm Quyến không ra khỏi nhà trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Omicron tăng cao. Theo thông báo, chính quyền thành phố này sẽ triển khai 3 đợt xét nghiệm Covid-19 trên toàn thành. Biện pháp được công bố vào ngày 13/3 và sẽ kéo dài đến 20/3, tiếp nối lệnh hạn chế tại các khu thương mại trung tâm của Thâm Quyến trước đó.
Hệ thống tàu điện, xe buýt đều ngừng hoạt động. Ngoại trừ những dịch vụ thiết yếu, các doanh nghiệp cũng bị yêu cầu đóng cửa. Người lao động buộc phải làm việc tại nhà nếu có thể. Người dân không được rời khỏi thành phố trừ trường hợp khẩn cấp.
Vốn là trung tâm công nghệ của Trung Quốc, Thâm Quyến giờ đây đã chính thức đóng cửa, cấm người dân ra vào thành phố. Ảnh: Getty Images. |
Tuy nhiên, theo Bloomberg, đợt bùng phát virus SARS-CoV-2 tại Thâm Quyến được cho là có liên quan đến làn sóng dịch bệnh thứ 5 tại Hong Kong, buộc 300.000 người cách ly y tế hoặc cách ly tại nhà.
Thượng Hải, một trong những trung tâm công nghệ lớn, đồng thời là nơi cung ứng thiết bị bán dẫn quan trọng nhất tại Trung Quốc, cũng vừa áp dụng quy định phong tỏa. GEM Services, công ty chuyên đóng gói và kiểm tra vi xử lý, cũng cho biết sẽ ngừng hoạt động sản xuất từ 13-15/3 do yêu cầu đóng cửa từ chính quyền.
Theo Bloomberg, các biện pháp phòng dịch tại Thượng Hải khiến học sinh phải quay trở lại học trực tuyến, đồng thời hạn chế di chuyển ra vào thành phố. Dịch vụ xe buýt từ các tỉnh khác phải tạm dừng hoạt động. Cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc cũng đang thảo luận về quyết định chuyển hướng chuyến bay quốc tế đến Thượng Hải.
Chiến lược “Zero-Covid” đã gián đoạn nhiều hoạt động ở các thành phố lớn của Trung Quốc. Nomura Holdings nhận định chính sách này khiến Trung Quốc khó đạt được mục tiêu phát triển kinh tế vào năm 2022 vì tốn quá nhiều chi phí. Dù vậy, chính quyền Trung Quốc khẳng định vẫn sẽ theo đuổi mục tiêu “Zero-Covid”.