Theo Bloomberg, một quan chức chính quyền Mỹ cho biết mọi mặt hàng được sản xuất với một số nguyên liệu đầu vào của Mỹ, bao gồm phần mềm, thiết kế, đều phải tuân thủ lệnh cấm bán cho Nga, kể cả khi chúng ra đời tại nước ngoài.
Những công ty không thực hiện yêu cầu này sẽ đối mặt với khả năng bị Mỹ cấm vận, đồng thời người đứng đầu doanh nghiệp sẽ bị xử lý hình sự.
Mỹ yêu cầu các tập đoàn công nghệ Trung Quốc hưởng ứng lệnh cấm vận Nga. Ảnh: Getty Images. |
Tuy nhiên, các thiết bị điện tử tiêu dùng như smartphone, laptop sử dụng vào mục đích cá nhân không bị cấm bán.
Trung Quốc là đối tác cung ứng thiết bị điện tử lớn nhất, chiếm 1/3 lượng chip bán dẫn, hơn 1/2 lượng máy tính và smartphone của Nga. Do đó, nếu có thể lôi kéo được sự ủng hộ từ Trung Quốc, chính sách cấm vận của Mỹ sẽ thành công.
Bước đầu, chính quyền Trung Quốc phản đối các biện pháp trả đũa của Mỹ nhằm vào thương mại và kinh tế Nga. Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn muốn các tập đoàn lớn (như SMIC) hạn chế bán cho Nga những công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ, đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực quốc phòng.
Sau khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhắm vào Ukraine, nhiều công ty nước ngoài nhanh chóng tìm cách rút khỏi nước này. Đồng thời, Mỹ hứa hẹn sẽ dành ưu đãi cho các quốc gia áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu với Nga.
Theo chuyên gia Mary Lovely của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, 70% nguồn cung chip, máy tính và smartphone của Nga trong năm 2020 đến từ Trung Quốc.
Hôm 28/2, Bộ Ngoại giao nước này một lần nữa lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga.
"Trung Quốc không tán thành việc sử dụng các biện pháp trừng phạt để giải quyết vấn đề, thậm chí chúng tôi còn phản đối việc trừng phạt đơn phương, bất hợp pháp mà không có sự ủy quyền quốc tế", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh.
Trung Quốc xem việc tự túc trong lĩnh vực bán dẫn là ưu tiên quốc gia, nhưng các công ty của họ vẫn phụ thuộc vào thiết kế và công nghệ Mỹ. Sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen từ năm 2020, SMIC tiếp tục sản xuất chip trên dây chuyền do đối tác Mỹ cung cấp. Nếu không tuân thủ yêu cầu cấm vận Nga, họ có thể chịu biện pháp hạn chế ngặt nghèo hơn.
Trong khi đó, giống như đa số nhà sản xuất smartphone khác, Xiaomi sử dụng chip của Qualcomm, Qorvo và Skyworks Solutions; Lenovo dùng vi xử lý AMD và Intel trong các sản phẩm máy tính cá nhân của họ.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ áp dụng biện pháp trừng phạt công nghệ. Vào năm 2019, họ đưa Huawei vào danh sách hạn chế xuất khẩu sản phẩm, công nghệ với lý do tập đoàn viễn thông Trung Quốc vi phạm lệnh cấm vận Iran và đe dọa an ninh quốc gia. Chính sách này đã khiến Huawei sa sút nghiêm trọng và buộc phải từ bỏ mảng sản xuất smartphone.