Công nhân làm việc trong nhà máy Luxshare (Quang Châu, Việt Yên, Bắc Giang). Ảnh: Minh Khánh. |
Theo Bloomberg, các đối tác sản xuất của Apple có nhà máy tại Trung Quốc đang thúc đẩy tốc độ dịch chuyển ra khỏi quốc gia tỷ dân này nhanh hơn dự báo của các nhà quan sát nhằm tránh những hậu quả từ mối quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.
Lãnh đạo một đơn vị phụ trách lắp ráp phụ kiện cho Apple cho biết doanh nghiệp là một trong nhiều nhà sản xuất nỗ lực tìm kiếm bến đỗ mới ngoài Trung Quốc. Doanh nghiệp này đang đầu tư 280 triệu USD vào một nhà máy mới ở Việt Nam và xem xét mở rộng thêm sang Ấn Độ.
Vị lãnh đạo cũng tiết lộ các công ty công nghệ Mỹ liên tục thúc giục những nhà sản xuất mở rộng nhà máy sang những địa điểm thay thế.
“Bắt đầu từ tháng trước, hầu như ngày nào cũng có nhiều người đoàn khách hàng đến thăm chúng tôi”, vị này nói và cho biết chủ đề của cuộc thảo luận luôn xoay quanh vấn đề khi nào hãng chuyển đi.
Lo sợ phụ thuộc
Cuộc xung đột ngày một leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc vốn bắt đầu bằng cuộc chiến thương mạnh nhưng dần mở rộng ra thành các lệnh cấm nghiêm ngặt về chip và vốn. Đây cũng là lý do chuỗi cung ứng hàng chục năm tuổi của ngành công nghiệp điện tử bắt đầu lung lay.
Sự phụ thuộc của thế giới vào quốc gia châu Á càng rõ ràng hơn trong những năm áp dụng chính sách Zero Covid, vốn siết chặt nguồn cung mọi lĩnh vực từ điện thoại cho đến ôtô.
Các nhà cung cấp cho Apple hiếm khi chia sẻ về kế hoạch và duy trì tính bảo mật trong chuỗi cung ứng. Bản thân nhà sản xuất iPhone cũng không xác nhận liệu có đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc hay không.
Gã khổng lồ Mỹ cũng cẩn thận tránh những gợi ý liên quan đến động thái giảm đầu tư vào Trung Quốc, nơi đã có hệ sinh thái hàng loạt công ty đối tác như GoerTek, Foxconn với lực lượng lao động lên đến hàng triệu người.
Bloomberg cho biết 9 trong số 10 nhà cung cấp quan trọng nhất của Apple có thể đang chuẩn bị một cuộc di dời quy mô lớn đến các nước như Ấn Độ. Dẫu vậy, các công ty có thể mất tới 8 năm chỉ để chuyển 10% chuỗi giá trị của Apple ra khỏi Trung Quốc.
Hầu hết nhà sản xuất công nghệ Trung Quốc đều chịu áp lực tương tự. “Tôi có thể nói rằng hiện tại 90% trong số họ đang xem xét điều đó. Đó là quyết định của các công ty thương hiệu”, vị lãnh đạo doanh nghiệp cho biết.
Ấn Độ và Việt Nam là điểm đến hàng đầu
Ấn Độ dẫn đầu trong danh sách mong muốn của khách hàng. Điều này cũng phản ánh phần nào tiềm năng của nước này với tư cách là một thị trường và cơ sở sản xuất.
Lãnh đạo nhà sản xuất kể trên cho biết doanh nghiệp đang đầu tư khu phức hợp mới rộng 62 ha ở Bắc Ninh và sẽ sản xuất sản phẩm cho các thương hiệu lớn của Mỹ. Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động trong vòng một năm. Khoản đầu tư này sẽ bổ sung vào khoản cam kết trị giá 1,06 tỷ USD ban đầu mà công ty đã thực hiện tại Bắc Ninh và Nghệ An.
Doanh nghiệp này hy vọng Việt Nam sẽ tạo ra hơn một nửa doanh thu toàn cầu trong 3 năm tới từ tỷ lệ 1/3 hiện nay. Vị lãnh đạo doanh nghiệp cho biết công ty đang yêu cầu các nhà cung cấp tìm kiếm nhà máy mới ở miền Bắc.
Nhà sản xuất này đã bắt đầu hoạt động tại Việt Nam cách đây một thập kỷ để sản xuất các sản phẩm âm thanh theo yêu cầu của Samsung. Nhà cung cấp hiện vận hành 8 nhà máy trong nước và dự kiến tăng gấp đôi lực lượng lao động địa phương lên 40.000 người ngay sau tháng 5 để tăng tốc cho dịp Giáng sinh.
Vị lãnh đạo cho biết vị trí gần Trung Quốc, mạng lưới cảng ven biển, lực lượng lao động trẻ có học thức và sự ổn định chính trị tương đối khiến Việt Nam trở thành một trung tâm lý tưởng.
Apple có thể đang tìm cách biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất AirPods, iPad và MacBook. Các đơn đặt hàng AirPods hiện do GoerTek và công ty Luxshare đảm nhiệm.
Doanh nghiệp này cho biết nhiều công ty Mỹ đang có kế hoạch chuyển sản xuất sang Việt Nam bất chấp chi phí trong khi những doanh nghiệp khác đang xem xét Ấn Độ. Nhưng nhìn chung, dòng chảy sẽ liên tục hướng ra ngoài Trung Quốc.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế