Nhằm cung cấp những tác phẩm có giá trị về lịch sử, đất nước, con người Việt Nam trong khoảng thời gian từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, những năm gần đây, các đơn vị làm sách đã cố gắng trong việc tìm kiếm, giới thiệu các cuốn hồi ký, du ký, khảo cứu của người nước ngoài viết về Việt Nam.
Những tác phẩm này đã cung cấp cho bạn đọc góc quan sát, mắt thấy tai nghe của người ngoại quốc, phản ánh sinh động đời sống của cư dân Việt qua các thời kỳ, nhất là phong tục tập quán, nhà cửa, cách ăn mặc...
Hành trình của những thuyền nhân Nhật Bản ở nước Nam
Vừa qua, công ty sách Nhã Nam và nhà xuất bản Dân Trí đã liên kết phát hành cuốn Nam Biều Ký (An Nam qua du ký của thủy thủ Nhật Bản cuối thế kỷ 18) của Shihoken Seishi, do Nguyễn Mạnh Sơn khảo cứu và biên dịch (từ tiếng Nhật). Cuốn sách đem lại một góc nhìn lý thú về cuộc sống và con người Việt Nam cuối thế kỷ 18.
Nam Biều Ký (tên sách có sử dụng cách chơi chữ "biều" [quả bầu] với nghĩa ghi chép của vị đạo sĩ giắt trái bầu ở vùng biển phía Nam) được tìm thấy tại Nhật và vào năm 1933, nó đã được bà Muramatsu Gaspardone dịch sang tiếng Pháp và đăng trên tạp chí nghiên cứu Bulletin de l'École française d'Extrême-Orient (tập san Viện Viễn Đông Bác cổ).
Tác phẩm đã ghi chép lời thuật của những thuyền nhân người Nhật Bản còn sống sót trên con thuyền chở gạo có tên là Daijoumaru.
Tháng 9/1794 (Giáp Dần) thuyền Daijoumaru với 16 thủy thủ do Seizo làm thuyền trưởng nhận công việc chuyển gạo từ Sendai (tỉnh Miyagi) về Edo (Tokyo ngày nay).
Trên đường đi, thuyền gặp bão trôi dạt đến biển phương Nam. Đến ngày 21/11 thì may mắn gặp một đoàn thuyền đánh cá An Nam cứu giúp, cho lên thuyền chở vào đất liền.
Đến Gia Định, nhóm người Nhật phiêu dạt này đã được giúp đỡ tận tình, thuốc men chu đáo, thế nhưng 6 người trong đó có thuyền trưởng Seizo bị bệnh phù thũng không qua khỏi đã nằm lại và được mai táng tại chùa Vĩnh Tường (Gia Định).
Tháng 4/1795 (Ất Mão), nhóm người Nhật còn lại được đưa lên thuyền về nước. Họ đi từ Gia Định đến Macao, rồi Quảng Đông, Giang Tây, Sạ Phố. Đến ngày 14/12/1795 thì về đến Nagasaki. Trên đường đi có thêm một người bị phù thũng, nên về đến Nhật Bản còn 9 người.
Góc nhìn sinh động bằng văn tự và hình ảnh
Nam Biều Ký ghi chép khá tỉ mỉ và chi tiết về xã hội, con người và những phong tục tập quán thường ngày của người An Nam mà chúng ta thấy hiếm khi xuất hiện trong các sách vở khác.
Về con người, cuốn sách cho biết ấn tượng của các thuyền nhân Nhật Bản với người ở ngôi làng nhỏ vùng Tây Sơn (khi con thuyền Daijoumaru gặp bão trôi vào vùng bờ biển Tây Sơn): “Họ rất khác người dân nước mình, họ có tóc cột búi lên được giữ bằng một cây lược nhỏ, râu ria dài”.
Khi đến thành Gia Định, những thuyền nhân bắt gặp cảnh tượng khác lạ, chưa thấy ở Nhật Bản, họ cho biết “Liên quan đến các phong tục tập quán. Khi đến đất nước này, chúng tôi thấy phụ nữ ở đất nước này rất thông minh, hầu như phải chiếm tới chín phần mười là luôn chăm chỉ, cần mẫn, lo toan việc buôn bán".
Dưới con mắt các thuyền nhân Nhật Bản, người An Nam vốn thân thiện và thật lòng, nhưng lại làm những chuyện khá bạo lực và mạnh bạo. Để chứng minh cho nhận định này, những thuyền nhân đã mô tả chi tiết cảnh người An Nam mài dao nhọn, cắt tiết, mổ thịt gia súc, gia cầm...
Đề cập đến chuyện ăn của người An Nam, các thuyền nhân cho biết: “Ở nước này, khi ăn cơm họ không dùng đũa. Người có của ở tầng lớp trung lưu thì dùng muỗng, người bình dân dùng tay để ăn…”.
Chi tiết thú vị này vẫn còn những tồn nghi vì trong cuốn Xứ Đàng Trong 1621 của Cristophoro Borri có ghi chép thời kỳ đó người Đàng Trong đã sử dụng đũa.
Về chuyện ngủ, các thuyền nhân cho hay: “Đặc biệt ở nước này do quá nóng nên những ngôi nhà không có tatami [tấm nệm], mà dùng những tấm lưới được đan từ gỗ [giát giường]. Trong chỗ ở của chúng tôi có một tấm chiếu trải trên sàn, nhưng trong người nhà dân ở đây thì không có cả tấm chiếu như vậy”.
Về chuyện đi đứng, các thuyền nhân cho rằng “Dù trời mưa hay không thì đa số người dân đều đi chân không. Còn về phía mình, mười bốn người chúng tôi lấy rơm rạ và tạo những đôi giày hở ngón và gót. Điều này đã gợi sự tò mò từ những người xung quanh lữ quán, người hàng xóm trẻ vô cùng hài lòng khi được chúng tôi chỉ cho cách làm”.
Về nhà cửa, các thuyền nhân cho biết “những ngôi nhà thắp sáng chỉ bằng cách treo lồng đèn trong đốt bằng dầu dừa hay dầu làm từ cây bạch tô”.
Ngoài đề cập tới con người, chuyện ăn ở, sinh hoạt của người An Nam, Nam Biều Ký còn mô tả khá chi tiết thành Gia Định, hay miêu tả chân dung của vua Gia Long.
Bên cạnh đó tác phẩm còn đề cập đến một số điểm mà thuyền nhân Nhật cho là mặt trái của xã hội hay một số hủ tục còn tồn tại trong xã hội người An Nam…
Nhận xét về bản dịch tác phẩm, giáo sư Nguyễn Thế Anh cho biết “Bản dịch Nam Biều Ký cung hiến tới độc giả một góc nhìn sinh động bằng văn tự và hình ảnh về nhân vật nước Nam cuối thế kỷ XVIII, đồng thời cũng tự phản ảnh một giác độ về người Nhật Bản…"
"Sự hiện diện công phu của bản dịch Nam Biều Ký cũng góp phần khảo cứu so sánh về chủ đề giao lưu của Việt Nam với các quốc gia trong chiều dài lịch sử".
Sinh hoạt của người miền Nam 100 năm trước
Đám cưới, đám ma, tảo mộ ngày Tết, trang phục, bữa ăn hàng ngày… của cư dân Sài Gòn xưa được ghi lại trong hàng trăm bức tranh ký họa của Trường vẽ Gia Định.
Tết xưa trong mắt học giả Việt, Pháp
Nghi lễ, phong tục, thú chơi Tết được các học giả, nhà nghiên cứu Pháp và Việt Nam mô tả sinh động trong cuốn sách “Tết Việt Nam xưa”.
Cuộc gặp giữa vua Bảo Đại và Nguyễn Hữu Thị Lan ở Đà Lạt
Vua Bảo Đại lần đầu gặp cô Nguyễn Hữu Thị Lan khi dự dạ tiệc ở khách sạn Langbian Palace vào mùa đông năm 1932.