Cuốn sách xuất bản năm 1964 ở Belarus rồi được đón nhận rộng rãi, được dịch ra tiếng Anh là King Stakh’s Wild Hunt và ấn hành ở nhiều nước.
Câu chuyện xảy ra vào cuối thế kỷ XIX, khi một nhà nghiên cứu văn học dân gian đi thực tế đến một vùng hẻo lánh gọi là Rừng Tùng Đầm Lầy. Đúng như tên gọi, ở đó có rừng rậm, đầm lầy, làng xóm điêu tàn, nhưng lại có một tòa lâu đài cũ kỹ và bí ẩn. Chủ nhân là một thiếu nữ tuổi mười tám, nhưng đang héo hon vì một lời nguyền nhằm vào cả dòng họ có thể dẫn nàng đến cái chết.
Chàng trai nghiên cứu dân gian tìm hiểu thì biết cụ kỵ của nàng là Raman vài trăm năm trước đã phản bội quốc vương Stakh, người đứng đầu nghĩa quân nổi dậy chống bất công. Họ đã kết nghĩa ăn thề chiến đấu cho nghĩa lớn, nhưng Raman đã chuốc rượu cho đội săn của quốc vương Stakh, rồi tự tay đâm chết quốc vương cùng hai mươi kị sĩ.
Trước khi chết, quốc vương Stakh đã nguyền rủa Raman: “Nhưng ta sẽ không chết đâu. Ta cùng đội săn sẽ còn hiện về với mi, với con cháu mi, với hậu thế của mi. Bọn ta sẽ báo thù không thương xót đến tận đời thứ mười hai, và bọn mi sẽ không trốn đâu cho thoát”.
Sách Đội săn của quốc vương Stakh. |
Kể từ đó, dòng họ của Raman sa sút và lụn bại. “Cả dòng họ điêu đứng: khi thì dịch hạch, khi thì bình rượu chẳng biết ai bỏ thuốc độc, khi thì có người lăn ra chết vì những giấc mơ khủng khiếp”.
Đến tiểu thư Nadzeia hiện tại đúng là đời thứ mười hai. Dù là người vô tội và giàu lòng nhân ái nhưng cuộc sống của nàng vẫn đang bị đe dọa. Đêm đêm trong lâu đài có bóng dáng một Người Lùn và Thiếu Phụ Áo Xanh. Thỉnh thoảng cũng trong đêm, đội săn của quốc vương Stakh hiện về.
Hai chục kị sĩ trang phục cổ xưa, như những bóng ma phi ngựa băng qua đầm lầy mà không bị sa xuống bãi thụt. Ngựa như bay trong sương mù, vó ngựa lướt qua rừng không tiếng động. Đội săn phi đến trước cổng tòa lâu đài, đập cổng và gào thét, đòi báo thù đến đời cuối cùng của dòng họ Raman.
Không còn là truyền thuyết nữa. Đội săn hóa ra không phải là bóng ma mà là người thật. Vậy thì họ là ai? Tiêu diệt một tiểu thư trong trắng như vậy, họ được lợi lộc gì?
Chàng nghiên cứu dân gian tự mình điều tra và làm phép loại suy những người có liên quan. Không dễ tìm ra ai là người được hưởng lợi nếu tiểu thư Nadzeia phải chết. Tòa lâu đài tuy xuống cấp, chủ của nó đang nghèo khó, nhưng ở trong ấy còn nhiều đồ cổ giá trị và vẫn là lâu đài đáng giá trong lãnh địa.
Cuộc điều tra đã cuốn vào đó những đối tượng tình nghi: một chàng trai có tình cảm với tiểu thư mà chưa thổ lộ, một ông quý tộc già hào phóng là người đỡ đầu cho tiểu thư, một anh chàng coi thư viện trong lâu đài… Cuộc điều tra lên đến đỉnh điểm khi có hai chàng trai bị sa bẫy của “đội săn”.
Cuốn tiểu thuyết bắt đầu bằng một phong vị cổ kính, hứa hẹn một câu chuyện lãng mạn tiến dần tới một cuộc điều tra kỳ bí xung quanh những lời đe dọa và có cả án mạng.
Truyền thuyết có màu sắc ma mị được bóc dần ra thành một tác phẩm hiện thực. Lời nguyền, tiếng đồn, báo thù, âm mưu tranh đoạt quyền thừa kế và tiêu diệt người vô tội… tất cả dồn góp lại tạo nên cao trào và phát lộ trong ánh sáng. Phát lộ cả sự đen tối của tham vọng và mưu đồ hiểm ác, sự mê tối ẩn sâu trong con người, từ giới quý tộc tiểu chủ thối nát cho đến những người nông phu bần hàn bị áp bức không tìm thấy lối ra.
Tác giả chọn người dẫn chuyện là một người sưu tầm văn học dân gian, một nhà dân tộc học, một người gần gũi giới bình dân để hiểu được tình cảnh của người nông dân Belarus ở thế kỷ XIX.
Đội săn của quốc vương Stakh được dịch ra tiếng Việt và nhà xuất bản Tác Phẩm Mới ấn hành năm 1985. Ba mươi bảy năm qua, cuốn sách vẫn ở trong tâm trí của nhiều người mê sách và họ vẫn mong chờ sách được in lại. Lần in năm 1985 với hai vạn bản mà vẫn khan hiếm, nhưng sách thời ấy giấy đen, chữ in mờ, nên giờ đây có trong tay một bản in đẹp là niềm vui trở lại với người mê sách.
Đội săn của quốc vương Stakh được dựng thành phim năm 1979, một bộ phim đẹp và lôi cuốn. Tuy vậy tác giả Uladzimir Karatkievich tỏ ý không hài lòng. Phim chỉ mới kể được câu chuyện li kỳ hòa trộn truyền thuyết và hiện thực, chỉ mới là một vụ án được kết thúc có hậu. Nhưng phim chưa thể hiện được tinh thần chủ đạo bao trùm cả cuốn sách.
Không ít lần nhân vật chính đã phải thốt lên: Ôi quê hương tôi! Ôi nhân dân tôi! Xứ sở đẹp đẽ và trù phú ấy giờ sao sa sút thế này. Người dân trung hậu ấy sao giờ bần hàn thế này, họ bị đuổi ra khỏi đất đai của mình, họ đắm chìm trong lầm than tăm tối.
Ngay cả một quý tộc trẻ tuổi giác ngộ cũng đã tự thức tỉnh: “Chúng tôi đã buôn bán tổ quốc, bán rẻ quê hương cho các lân bang, cho bất kỳ kẻ nào muốn mua. Còn nông dân, họ lại yêu quý tổ quốc - người mẹ ghẻ đối với họ, và… chết đói vì thiếu bánh ăn”.
Uladzimir Karatkievich cho rằng bộ phim chưa thể hiện được ý tưởng tâm đắc của tác giả, mà mới chỉ dừng ở mức độ lộng lẫy và hấp dẫn.