Hồi tuần trước, chính quyền Caracas đã ban hành một sắc lệnh số 9855, kêu gọi thành lập "chế độ lao động tạm thời" nhằm vực dậy ngành nông nghiệp và sản xuất thực phẩm trong nước, theo CNBC.
Sắc lệnh nêu rõ, chính phủ cần "thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đạt mức chiến lược và đủ cung cấp" về lương thực; cho phép nhà nước huy động người dân từ những lĩnh vực khác để họ ra đồng làm việc, hoặc tham gia sản xuất nông nghiệp trong 60 ngày.
Phụ nữ Venezuela làm việc trên trang trại ở vùng Fundo Aracal. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, CNN cho biết văn bản không nêu rõ cụ thể những đối tượng người lao động nào mà chính quyền sẽ huy động, có thể là viên chức nhà nước, người làm việc trong khối tư nhân, hay cả hai.
Trong thời gian lao động theo yêu cầu nhà nước, chính phủ cam kết người dân vẫn được hưởng lương bình thường, và sẽ không bị cơ quan sa thải khỏi công việc hiện tại.
Theo dự kiến, quốc hội Venezuela sẽ thảo luận về sắc lệnh này trong ngày 2/8. Tuy nhiên, đây chỉ là hành động hình thức, vì luật pháp quy định quốc hội không thể bác bỏ những sắc lệnh hành pháp mà đích thân tổng thống ban hành.
Chính phủ Venezuela tỏ ra quyết liệt trong việc xây dựng lại nguồn cung lương thực trong nước. Hồi đầu tháng 7, Tổng thống Nicolas Maduro đã giao thêm nhiệm vụ cho Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino là người chịu trách nhiệm về đơn vị kiểm soát nguồn cung và phân phối lương thực trong nước. Đây được xem là một vị trí quan trọng trong tình hình hiện nay của Venezuela.
Erika Guevara Rosas, giám đốc khu vực châu Mỹ của tổ chức Ân xá Quốc tế, bình luận về sắc lệnh mới của Venezuela rằng: "Việc khắc phục tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng bằng yêu cầu người dân ra đồng làm việc không khác gì chữa một cái chân gãy chỉ bằng băng cứu thương", nói đây là một lệnh bất hợp pháp.
Venezuela từng là một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển. Nhưng kể từ năm 1999, nước này bắt đầu phải nhập khẩu thực phẩm và bớt dần sự đầu tư vào nông nghiệp. Phần lớn lợi nhuận của Venezuela đến từ dầu mỏ.
Do vậy, khi giá dầu xuống còn khoảng 40 USD/thùng (so với mức hơn 100 USD/thùng cách đây 2 năm), chính phủ Venezuela bắt đầu gặp khó khăn tài chính và thậm chí không còn đủ tiền để nhập khẩu thực phẩm cùng những mặt hàng thiết yếu khác.