World Cup 2022 “trái mùa” được tổ chức trong khí hậu ẩm ướt, giữa mùa bóng của các giải VĐQG đang quyết liệt, các ĐTQG chỉ có thời gian chuẩn bị cho giải vài ngày, thời gian nghỉ giữa các trận đấu bị rút ngắn lại.
Điều kiện thi đấu như vậy khiến thể chất nhiều cầu thủ bị đẩy tới hạn, kiệt quệ về cảm xúc, xuất hiện nhiều nguy cơ dính chấn thương. Sử dụng các cầu thủ hợp lý sẽ làm tăng khả năng tiến xa hơn trong giải cho một đội bóng.
Brazil, Pháp, Bồ Đào Nha xoay vòng cầu thủ nhiều nhất
Dựa trên tổng số phút thi đấu của 26 cầu thủ ở các giải VĐQG từ đầu mùa giải 2021/22, Bồ Đào Nha là đội làm việc quá sức nhất trong số 32 đội đến Qatar. Tiếp theo là Brazil. Cả hai ĐTQG này đều có tổng cộng hơn 30.000 phút thi đấu.
Bồ Đào Nha giới thiệu nhiều nhân tố mới gây bất ngờ như Goncalo Ramos. Ảnh: Reuters. |
Về phía các cầu thủ của 8 đội còn lại tại vòng tứ kết, người thi đấu nhiều nhất trước khi đến Qatar là Virgil van Dijk (7.597 phút), Joao Cancelo (7.347 phút), tiếp theo là Harry Kane, Declan Rice (Anh), Ribeiro, Eder Militao, Vinicius Junior (Brazil), Nicolas Otamendi (Argentina), Daley Blind (Hà Lan), Aurelien Tchouameni (Pháp).
Brazil và Bồ Đào Nha đều sớm tiến vào vòng loại trực tiếp sau khi thắng hai trận đầu tiên ở vòng bảng, các HLV Tite và Fernando Santos đã thực hiện những thay đổi trong trận đấu thứ ba của họ, để cho một số cầu thủ chủ chốt nghỉ ngơi. Tương tự là Pháp.
Brazil và Pháp thay đổi cầu thủ trong đội hình xuất phát nhiều nhất. Sau 4 trận, mỗi đội thực hiện 21 sự thay đổi. Tiếp sau là Bồ Đào Nha (17), Argentina (10). Các đội Anh (5), Hà Lan (5), Morocco (4), Croatia (3) khá ít thực hiện sự thay đổi trong đội hình xuất phát, HLV đặt sự tin tưởng vào một nhóm cầu thủ nhất định.
World Cup 2022 cho phép mỗi đội được thay 5 cầu thủ trong trận đấu. Brazil, Bồ Đào Nha và Morocco sử dụng cả 5 quyền thay người trong cả 4 trận đấu của họ. HLV Tite còn đưa cả thủ môn thứ ba Weverton vào sân thi đấu, trở thành HLV đầu tiên tại World Cup này sử dụng cả 26 cầu thủ mang đến Qatar.
Pháp và Bồ Đào Nha đã dùng 24 cầu thủ, Morocco và Argentina 21 cầu thủ, Anh 20, Hà Lan 19, Croatia 18. Nhìn vào số cầu thủ sử dụng, ta thấy chắc chắn các cầu thủ Brazil sẽ khỏe hơn Croatia khi họ đối đầu. Chưa kể Croatia phải đá 120 phút với Nhật Bản, còn Brazil có một hiệp hai dạo chơi với Hàn Quốc.
Argentina chơi bóng đủng đỉnh hay hối hả?
Xoay vòng các cầu thủ như Brazil, Pháp, Bồ Đào Nha quan trọng. Vừa giữ sức cho cầu thủ đá chính, vừa đem lại cảm giác cho những người ít thi đấu, vừa thực hiện các ý đồ chiến thuật. Đừng xem thường những người vào sân từ băng ghế dự bị.
Trong 56 trận đã diễn ra tính đến nay, các cầu thủ dự bị đã đóng góp vào 29,5% số lượng bàn thắng (26 bàn và 17 pha kiến tạo). Trung bình 3 kỳ World Cup trước đó 2010, 2014, 2018, các cầu thủ dự bị chỉ đóng góp 21%.
Sử dụng cầu thủ, thiết lập chiến thuật đóng vai trò quan trọng trong việc giữ sức cho cầu thủ. Ví dụ như Ba Lan đã thực hiện 452 lần chạy nước rút trong trận đấu đầu tiên với Mexico và 509 lần chạy nước rút trước Saudi Arabia, và yếu pin trong trận gặp Argentina với 369 lần chạy nước rút. Họ đuối sức và bị Pháp đánh bại một cách thoải mái ở vòng 16 đội.
Trong số 8 đội còn lại ở giải, Argentina là đội chạy nước rút ít nhất, không chỉ bởi họ có một thanh niên 35 tuổi đủng đỉnh đi bộ trên sân. Mà vì trong các trận qua, họ đá kiểu dồn ép đối thủ, ít có các pha bóng dài, bứt tốc phản công. Khoảng cách chạy tốc độ cao (tất cả các cầu thủ cộng lại) trung bình mỗi trận của họ là 12,3 km. Ngược lại, Hà Lan và Bồ Đào Nha bứt tốc nhiều nhất, trên 15,5 km mỗi đội.
Số liệu này làm ta khá ngạc nhiên, vì Argentina luôn tỏ ra hối hả thì bứt tốc ít trong khi Hà Lan nhìn lối chơi có vẻ buồn tẻ, đều đều, chậm rãi thì lại tăng tốc khá nhiều.
Messi và đồng đội sẽ có một trận khó khăn trước Hà Lan. Ảnh: Reuters. |
Brazil có thêm trận nhàn nhã, Argentina sẽ đấu hiệp phụ?
Ngày càng có nhiều chuyên gia dùng số liệu “bàn thắng kỳ vọng” (xGF) và “bàn thua kỳ vọng” (xGA) để dự đoán kết quả các trận đấu. Trong 8 đội, qua 4 trận, Brazil xếp hàng đầu về xGF = 9,43, tất nhiên rồi, hàng công của họ quá mạnh. Hàng thủ của họ cũng mạnh, xGA = 2,02. Hiệu số xGD = xGF – xGA = 7,41.
Thực tế trên sân, Brazil ghi được 7 bàn, thủng lưới 2 bàn, hiệu số là 5. Tức là Brazil tạo ra nhiều cơ hội hơn là số bàn thắng họ hiện có. Tạo ra nhiều cơ hội có nghĩa là họ chơi áp đảo các đối thủ.
Đối thủ của Brazil là Croatia có xGF = 5,9, xGA = 5,64 và xGD chỉ bằng 0,26. So với xGD của Brazil là 7,41 thì ta có thể hình dung ra bên nào thắng thế rồi. Những tỉ số chênh lệch 3-1, 4-1 xảy ra hoàn toàn có cơ sở.
Cặp đấu tiếp theo, Argentina có xGF = 8,16 và xGF = 1,19 tức là phòng thủ tốt nhất giải, xGD = 6,97. Hà Lan có xGF = 6,65, xGA = 6,43 và xGD = 0,22. Như vậy, Hà Lan chỉ xấp xỉ Croatia. Có lẽ Hà Lan sẽ chọn lối chơi thực dụng, lùi sâu, hấp thụ sức ép của đối thủ, thực hiện các pha phản công bứt tốc như đã nói ở phần trên.
Brazil sẽ có trận đấu dễ dàng trước Croatia? Ảnh: Reuters. |
Pháp có xGF = 8,5, xGA = 3,86, xGD = 4,94, tấn công tốt thứ nhì sau Brazil, nhưng hàng thủ lại để đối thủ, đặc biệt là Ba Lan, tạo ra các cơ hội ăn bàn. Có lẽ đây là bài nhử Ba Lan tấn công của Pháp trong trận đó.
Anh có xGF = 6,4, xGA = 3,48, xGD = 2,92. “Bàn thắng kỳ vọng” xGF của Anh không cao, nhưng họ đã ghi được 12 bàn, nhiều nhất từ đầu giải. Họ cũng mới để lọt lưới 2 bàn. Giải thích thế nào đây? Anh là đội chú trọng chất lượng tấn công hơn số lượng tấn công, tận dụng cơ hội tốt. Trận Anh gặp Pháp là trận đấu mang tính rình rập nhau giữa hai con cáo già.
Bồ Đào Nha có XGF = 7,57, xGA = 5,54, xGD = 2,03. Trong khi có nhiều bài báo mổ xẻ về các lựa chọn trên hàng công của Bồ Đào Nha, nhìn vào xGA cao của đội bóng này, ta thấy câu hỏi thật sự nên là hàng thủ của họ sẽ mang họ đi đến đâu trong giải này.
Morocco có xGF = 1,7 và xGA = 3,38, là đội duy nhất có xGD âm = -1,68. Vậy mà họ mới để lọt lưới duy nhất 1 bàn sau 4 trận. Chỉ có thể gọi là may mắn, tất nhiên bên cạnh sự quả cảm của họ và sự vô duyên của đối thủ, họ mới để lọt lưới ít như vậy.
Cũng dựa vào các chỉ số xG từ đầu giải, cộng thêm dữ liệu khác về phòng thủ và tấn công của các đội từ năm 2014, và hệ số ELO của mỗi đội, công ty Xpecta Data Lab cho ra cơ hội chiến thắng của các cặp đấu tứ kết như sau.
- Croatia thắng: 17.8%; Hòa: 25.5%; Brazil thắng: 56.7%
- Hà Lan thắng: 37%; Hòa: 26,7%; Argentina thắng: 36,3%. Ở cặp đấu không có đội nào có cơ hội thắng vượt quá 40%, khả năng trận đấu hòa là lớn.
- Morocco thắng: 27,3%; Hòa: 31,2%; Bồ Đào Nha thắng: 41,5%
- Anh thắng: 30%; Hòa: 28,3%; Pháp thắng 41,7%.
Kỳ World Cup đầy bất ngờ
World Cup 2022 đang được giới chuyên môn đánh giá là một trong những kỳ Cúp Thế giới đáng xem nhất lịch sử với dấu ấn đậm nét từ các đại diện châu Á và nhất là châu Phi. Một trong những bất ngờ tương tự từng được viết trong cuốn The official history of FIFA World Cup, xuất bản năm 2019