Brazil và Croatia sở hữu hai chiếc áo đấu mang tính biểu tượng. |
John Devlin, một chuyên gia về trang phục và tác giả cuốn sách "True Colours" khám phá lịch sử thiết kế áo thi đấu bóng đá nói trên ESPN: “Chúng ta đang sống trong thời đại của những bộ quần áo đồng nhất, không mấy khác biệt. Vì vậy, thật tuyệt khi vẫn được chứng kiến hai mảng màu của Brazil và Croatia".
Trên sân Education City thuộc tứ kết World Cup 2022, Brazil và Croatia hứa hẹn mang tới màn trình diễn đầy màu sắc. Không chỉ là cuộc chiến của hai đội tuyển hàng đầu thế giới, mà còn là của những chiếc áo đấu biểu tượng: Brazil với gam màu vàng không thể nhầm lẫn, Croatia với kẻ caro đỏ trắng đan xen bắt mắt. Áo đấu của hai đội tuyển này là nghệ thuật đỉnh cao trong thiết kế.
"Tôi nghĩ Brazil đối đầu Croatia là một trong những điểm nhấn của World Cup này", ông Devlin nói. "Tôi thật sự mong được thấy sự trộn lẫn vào nhau giữa hai màu áo khi các cầu thủ chiến đấu trên sân".
Có ý nghĩa đằng sau những gì các cầu thủ Brazil và Croatia đang khoác lên mình.
Chiếc áo đấu lịch sử
Aleksandar Holiga, tổng biên tập của trang web thể thao Croatia Telesport, cho biết có mối liên hệ giữa những kẻ ca rô trên đồng phục của Croatia và quốc kỳ của họ. Họa sĩ Miroslav Sutej là chủ nhân của cả hai thiết kế. Đối với một quốc gia giành được độc lập vào năm 1991, mối liên hệ này là một niềm tự hào.
Chiếc áo đấu mang Croatia đến với sự công nhận của thế giới. |
Đội tuyển Croatia ra mắt trang thi đấu vào năm 1990, trước cả khi giành độc lập, trong trận giao hữu với Mỹ. Tuy nhiên, chiếc áo đấu của họ chỉ thật sự bùng nổ và nổi tiếng khắp thế giới khi dự Euro 1996 (vào tứ kết) và World Cup 1998 (giành hạng 3). Đó là thời điểm Davor Suker nổi danh toàn cầu. Ông ghi 6 bàn và giành chiến thắng Chiếc giày vàng tại Cúp thế giới.
Đột nhiên, mọi người nói về đất nước mới mẻ này và màu áo của tuyển Croatia khắc sâu vào tâm trí người hâm mộ. "Tôi nghĩ đó là lý do Croatia bám lấy và không thay đổi thiết kế. Nó mãi mãi gắn liền với việc giành độc lập và được quốc tế công nhận" ông Holiga cho hay. "Kể từ đầu những năm 1990, chiếc áo đấu kiểu bàn cờ với kẻ caro đỏ trắng có mặt khắp mọi nơi ở Croatia, đơn giản vì đó là cách dễ nhất và thú vị nhất để nói về họ".
Pete Hoppins, nhà thiết kế làm việc với cả Croatia và Brazil (và nhiều đội khác) trong suốt 8 năm tại Nike, khẳng định: "Áo đấu của Croatia trở thành một biểu tượng đại chúng. Trường hợp của Croatia hiếm gặp. Khi thấy vẻ ngoài của chiếc áo đấu, người ta nhắc ngay về bóng đá".
Biểu tượng
Ngược lại, sự hấp dẫn trong thiết kế áo đấu của Brazil thiên về xây dựng thương hiệu. Đây luôn được coi là bộ trang phục phổ biến nhất khi xét về doanh số bán hàng toàn cầu. "Mọi người trên khắp thế giới có sự đam mê lớn với chiếc áo vàng xanh", Hoppins ám chỉ đến kỷ lục 5 lần vô địch của Brazil qua các kỳ World Cup.
Thiết kế của Brazil không đổi trong nhiều năm. |
Tuy nhiên, ít ai biết chiếc áo biểu tượng cho sự vĩ đại này lại được sinh ra từ thất bại. Trang phục thi đấu ban đầu của tuyển Brazil chủ yếu là màu trắng, nhưng sau trận thua đáng xấu hổ trước Uruguay tại World Cup 1950 trên sân nhà, Liên đoàn Bóng đá nước này tổ chức cuộc thi nhằm tìm kiếm một thiết kế mang lại cho "Selecao" bản sắc mới.
Mauricio Drumond, một nhà sử học thể thao và giáo sư ở Rio de Janeiro tiết lộ: “Trước đó, mọi người nghĩ rằng không nên mang màu áo của quốc gia vào đồng phục thi đấu vì bóng đá không đại diện cho đất nước. Sau đó, nó đã thay đổi cả lịch sử".
Cuộc thi thu hút nhiều người và một thiếu niên khi ấy đến từ thị trấn Pelotas tên Aldyr Garcia Schlee, về sau trở thành một họa sĩ vẽ tranh biếm họa nổi tiếng, đã phác thảo hơn 100 ý tưởng khác nhau trước khi gửi đi tác phẩm hoàn chỉnh của mình. Thiết kế của Schlee được chọn và lịch sử theo sau.
Thời điểm Brazil trở thành đội tuyển thành công nhất của môn thể thao vua - vô địch World Cup vào các năm 1958, 1962 và 1970 - chiếc áo đấu màu vàng của họ cũng phát triển mạnh mẽ, dần là một biểu tượng văn hóa. Cùng với việc Pele nổi tiếng trên toàn thế giới, tất cả đều nhìn vào Brazil như một sự vĩ đại.
"Chúng tôi không có áo đấu in cờ như bạn thấy với Mỹ", ông Drumond nói. "Áo thi đấu của Brazil đại diện cho chính đất nước này. Thiết kế là lá cờ, nhưng cũng là bộ trang phục".
Không khó để thấy những chiếc áo vàng được trưng bày ở Qatar, của những hâm mộ Brazil thực thụ hoặc cả các cổ động viên từ nhiều quốc gia khác ủng hộ Neymar và đồng đội. Mặc dù thiết kế hầu như không đổi, nó xuất hiện tại các giải đấu và khắp nơi trong nhiều thập kỷ. ESPN kết luận tính nhất quán là một phần tạo nên ảnh hưởng của chiếc áo đấu.
Hầu hết Liên đoàn Bóng đá khác nhận thức được giá trị tài chính mà một chiếc áo đấu mới có thể mang lại. Do đó họ lao vào việc thay đổi màu sắc hoặc thiết kế với tần suất nhất định. Tuy nhiên, với Brazil và Croatia, điều này gần như không thể.
Hoppins, nhà cựu thiết kế của Nike, dành nhiều thời gian trong các cuộc họp trong nhiều năm để thảo luận về các ý tưởng mới nhưng không thành. Tất cả đều nhận thức rõ tình hình khi nhắc đến Brazil hoặc Croatia.
“Mọi lúc, ở mọi giải đấu, chiếc áo vàng và bàn cờ là một quy tắc bất thành văn. Chúng tôi chỉ biết phải thiết kế cho Brazil và Croatia như vậy, không thể khác đi", Hoppins thừa nhận.
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...