Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên cả nước sẽ góp phần giúp Việt Nam bắt kịp với Cách mạng Công nghiệp 4.0, bắt đầu bằng Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia nằm trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc ở huyện Thạch Thất, Hà Nội, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
"Trình độ khoa học công nghệ của chúng ta hạn chế là rào cản rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Đổi mới sáng tạo trong thời gian tới là đòn bẩy và động lực để chúng ta tăng tốc phát triển", ông Nguyễn Chí Dũng phát biểu sáng 21/12 tại buổi báo cáo về đề án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC – National Innovation Center).
Bộ trưởng nói cần thiết phải có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bao gồm phát triển khoa học công nghệ, nghiên cứu từ cơ bản đến ứng dụng, và hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm. Đổi mới sáng tạo nằm trong nỗ lực xây dựng chiến lược quốc gia về Cách mạng Công nghiệp 4.0, cuộc cách mạng đang diễn ra toàn cầu hội tụ nhiều công nghệ mới như tự động hóa, robot, các thiết bị kết nối hay trí tuệ nhân tạo.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại buổi báo cáo kết quả tư vấn về đề án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia sáng 21/12. Ảnh: Trọng Thuấn. |
Công nghiệp 4.0 được kỳ vọng sẽ mang đến sự bứt phá cho các nền kinh tế tận dụng được xu thế của thời đại.
“Sẽ không nói quá khi cho rằng đang có một cuộc chạy đua toàn cầu cùng đưa đổi mới sáng tạo vào nền kinh tế. Rất nhiều các quốc gia đang sáng lập ra, hoặc làm cho các trung tâm (đổi mới sáng tạo) hiện có của họ ngày càng tốt lên”, bà Tuyết Vũ, đại diện Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG) phụ trách tư vấn cho Trung tâm, nói trong báo cáo
Bà cho biết trên thế giới đã có nhiều trung tâm đổi mới sáng tạo tuy khởi đầu không dễ dàng, nhưng sau này đã thành công (dựa trên số công ty, số việc làm, số bằng sáng chế), hoàn thành mục tiêu đưa đổi mới sáng tạo vào nền kinh tế, và tạo nên đột phá cho quốc gia.
“Thường những trung tâm đổi mới sáng tạo thành công nhờ tập trung vào một số ngành cốt lõi và có năng lực cạnh tranh so với những ngành khác, đồng thời đưa những thành phần khác nhau của hệ sinh thái trong lĩnh vực đó vào một chỗ để cùng nảy nở và phát triển”, bà Tuyết nói thêm.
Cụ thể, BCG đã đề xuất 4 lĩnh vực mà NIC ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cần tập trung, sau khi phân tích những xu hướng toàn cầu kết hợp với thế mạnh sẵn có của địa phương.
Đầu tiên, BCG cho rằng cần đổi mới sáng tạo để xây dựng thành phố thông minh và phát triển bền vững, vì quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra nhanh đồng thời đe dọa chất lượng cuộc sống.
Thứ hai, BCG đề xuất NIC Hòa Lạc ưu tiên phát triển công nghệ sản xuất thông minh. Hiện nay, ngành sản xuất ở Việt Nam chủ yếu cạnh tranh nhờ giá lao động thấp. Tuy nhiên, tự động hóa và công nghệ robot được áp dụng rộng rãi hơn trong kỷ nguyên 4.0, dự báo sẽ loại bỏ việc làm hàng loạt trên toàn cầu, sẽ đe dọa lợi thế này của Việt Nam
Tuyết Vũ, đại diện Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG) phụ trách tư vấn cho Trung tâm, tại buổi báo cáo sáng 21/12. Ảnh: Trọng Thuấn. |
Thứ ba, hơn nửa dân số Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh. Do vậy, BCG cho rằng truyền thông số, đặc biệt là game, sẽ có nhiều tiềm năng và cần được NIC chú trọng.
Cuối cùng, việc áp dụng công nghệ số và kết nối rộng rãi khiến tấn công mạng càng là mối đe dọa lớn. NIC có thể tận dụng tiềm năng của thị trường an ninh mạng tại Việt Nam. Hơn nữa, những dịch vụ này có thể được bán đi bất cứ đâu trên thế giới.
Trong đề xuất của BCG, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia nên có khu dịch vụ, văn phòng làm việc, các dịch vụ tăng tốc khởi nghiệp, trung tâm thử nghiệm ý tưởng, kết nối với cộng đồng, và không gian dành cho sự kiện cho mục đích giáo dục, truyền thông.
Để trung tâm đạt được kỳ vọng, ý kiến của BCG, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và các khách mời đều nhấn mạnh cần có thể chế pháp lý thử nghiệm (regulatory sandbox), trong đó tinh giản các thủ tục xin phép, tạo môi trường thông thoáng hơn, sáng tạo hơn bên ngoài, để các doanh nghiệp đưa ra sản phẩm phục vụ khách hàng tốt hơn.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), so với kịch bản chỉ có cải cách kinh tế (không thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0) thì cách mạng công nghiệp 4.0 có thể thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm 28,5-62,1 tỷ USD, tương đương mức tăng GDP từ 7-16%/năm đến năm 2030, tùy theo từng kịch bản (cao, trung bình, thấp).
GDP bình quân đầu người sẽ tăng thêm 315-640 USD/người/năm vào 2030 nhờ tăng năng suất và tăng việc làm.