Tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 20/12, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban) Lương Thanh Nghị trích dẫn lại đánh giá của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại chương trình Xuân Quê hương 2018, cho rằng “đóng góp của kiều bào ta là vô cùng lớn và không thể đong đếm được”.
“Kiều bào ta ngày càng có xu hướng trở về nước, không những vì mục đích thăm thân mà còn là đầu tư kinh doanh, đóng góp rất nhiều vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời gian qua. Bản thân sự lớn mạnh của cộng đồng ta ở nước ngoài, cùng với sự phát triển trong nước, đã khuyến khích, khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc để trở về quê hương”, ông Lương Thanh Nghị nhận định.
Tổng kết hoạt động của Ủy ban trong năm 2018, ông Lương Thanh Nghị nêu lên nhiều con số ấn tượng về nỗ lực của kiều bào trong việc phát triển kinh tế, xã hội trong nước. Hiện có gần 3.000 doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài đang đầu tư trên cả nước với tổng số vốn khoảng 4 tỷ USD, tạo thêm việc làm trên nhiều lĩnh vực và thu nhập cho người dân.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt ở nước ngoài Lương Thanh Nghị đánh giá cao nguồn lực và đóng góp của kiều bào toàn thế giới trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: Trọng Thuấn |
Lượng kiều hối trong năm 2017 là 13,8 tỷ USD (theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới) và theo dự báo, Việt Nam sẽ tiếp tục nằm trong top những nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới năm 2018. Trong số đó, 60% kiều hối được sử dụng vào mục đích kinh doanh và sản xuất, thay vì tiêu dùng và gửi tiết kiệm như trước đây, ông Nghị cho biết.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết lượng kiều hối gửi về nước trong năm 2018 là 15,9 tỷ USD, tương đương 6,6% GDP cả nước.
Bên cạnh đó, số chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam duy trì ở mức 300 lượt người/năm, đóng góp thiết thực vào việc chia sẻ tri thức, kinh nghiệm cho hoạt động phát triển trong nước.
Phó chủ nhiệm Ủy ban đánh giá rất cao những kiến nghị, đề xuất của kiều bào vào các dự án tư nhân và chính phủ. “Phải nói kiều bào ta đã đề xuất kiến nghị vừa đúng vừa trúng, mà không quá khó khăn để triển khai”, ông Nghị nhận định và dẫn chứng TP.HCM đã cân nhắc thực hiện nhiều đề xuất trong số hơn 50 ý tưởng của người Việt ở nước ngoài nhằm xây dựng thành phố thông minh.
Ông cũng chia sẻ câu chuyện thành công của nhiều kiều bào là doanh nhân, nhà khoa học đã đem lại sự mới mẻ, đột phá cho Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có thể kể đến tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ từ Canada về nước khởi nghiệp ở tuổi 60 trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hay giáo sư Trần Thanh Vân - kiều bào tại Pháp - với Quỹ học bổng Vallet dành cho sinh viên Việt Nam.
Tại cuộc gặp, Ủy ban chia sẻ trong năm tới sẽ tập trung vào 3 hướng công tác bao gồm đại đoàn kết dân tộc, duy trì bản sắc văn hóa và thu hút nguồn lực của kiều bào. Ảnh: Trọng Thuấn. |
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban, một số cộng đồng kiều bào đang gặp phải thách thức như địa vị pháp lý không rõ ràng (ở Campuchia, Lào và Ukraine). Ngoài những lý do khách quan do chính sách di trú sở tại, còn những lý do chủ quan như người Việt đi du lịch, xuất khẩu lao động, du học đã bỏ trốn ở lại sau khi mãn hạn lưu trú.
Để khắc phục những vấn đề này, trong năm tới Ủy ban sẽ tiếp tục chú trọng hỗ trợ, vận động cộng đồng NVNONN củng cố địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội sở tại, đoàn kết thống nhất và hướng về đất nước.
Đồng thời, Ủy ban sẽ nỗ lực duy trì nhiều hoạt động mũi nhọn trong các lĩnh vực thúc đẩy đầu tư kinh doanh, giảng dạy tiếng Việt cho kiều bào và thu hút nguồn lực tri thức, khoa học công nghệ. Sắp tới, người Việt Nam tại nước ngoài có cơ hội tham gia hai sự kiện lớn là hội nghị kết nối kiều bào với các địa phương và chương trình Xuân Quê hương năm 2019, dự kiến được tổ chức vào tháng 1/2019.
Theo Ủy ban, hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 80% sinh sống ở các nước phát triển. Thành phần các cộng đồng này đang thay đổi do một số lớp di dân mới như cô dâu, lao động, du học sinh có xu hướng gia tăng.