Phạm Ngọc Tiến không chỉ là nhà văn, ông còn là một nhà biên kịch phim truyện với nhiều những bộ phim gây được tiếng vang như Ma làng, Chuyện phố phường, Gió làng Kình... bởi thế văn chương của ông trong Đợi mặt trờicó một kết cấu khá chặt chẽ với cốt truyện hấp dẫn, được tạo nên bởi một hệ thống ngôn ngữ mộc mạc, rõ ràng và đầy hình ảnh.
Đợi mặt trời, cái ví von của Phạm Ngọc Tiến quả thực khiến độc giả cảm động. Mỗi người đều cần có một mặt trời của riêng mình. Không chỉ những đứa trẻ lang bạt sống bằng nghề bán báo như Nghĩa choắt, Ngọc phệ, Hiền sầu... mà cả những người như chị Lan, cô giáo Kim Anh... đều cần có mặt trời.
Hình ảnh mặt trời là hình ảnh tỏa sáng, soi chiếu xuyên suốt tác phẩm của Phạm Ngọc Tiến khiến cho câu chuyện dù được viết rất gay cấn, dưới vỏ bọc của một cuộc nằm vùng và vây bắt tội phạm ma túy, vẫn vô vàn những êm ấm và cảm động.
Được sự tin tưởng của thầy Tường, cô Kim Anh, vốn là các đồng chí công an đang tìm cách phá một đường dây ma túy lớn, Nghĩa choắt, Lan và Ngọc phệ đã trở thành những nhân vật “nằm vùng”, theo dõi mọi hoạt động của nhóm buôn bán ma túy Nguyễn Hoát. Có nhiều lý do thôi thúc khiến những đứa trẻ hăng hái với nhiệm vụ được giao, nhưng Phạm Ngọc Tiến bảo rằng, điều quan trọng nhất là được sống hạnh phúc, và đem lại cho chúng niềm tin tưởng ở tương lai.
Ngẫm lại, từ xưa đến nay những tác phẩm văn chương hay điện ảnh Việt Nam về đề tài “vụ án” trong thiếu nhi, như Đội đặc nhiệm nhà C21, Kính vạn hoa… cũng chẳng tác giả nào “dám” để những đứa trẻ của mình tiếp xúc với tội phạm nguy hiểm đến mức ấy. Vậy mà Phạm Ngọc Tiến “liều” thật. Ông gan góc để những đứa trẻ vào vùng nguy hiểm, để từ ấy mà làm bật lên tình thế làm người, cũng như gợi mở về khát vọng hạnh phúc.
Hình ảnh mặt trời mà Phạm Ngọc Tiến xây dựng chính là một hình ảnh biểu tượng đẹp đẽ về gia đình và lòng yêu thương của gia đình mà bất kì đứa trẻ nào cũng khao khát có được. Cuốn sách vì thế mà càng khiến độc giả cảm động và trăn trở.
Tác phẩm Đợi mặt trời của nhà văn Phạm Ngọc Tiến. |
Câu chuyện được trần thuật bằng một ngôn ngữ sắc sảo, và có phần già dặn hơn rất nhiều so với lứa tuổi thiếu nhi. Nhưng không phải vì vậy mà tác phẩm của Phạm Ngọc Tiến lại thiếu đi chất hóm hỉnh vui tươi và cuốn hút dành cho thiếu nhi, tác phẩm còn đem lại cho những độc giả trẻ một trải nghiệm đặc biệt về những thân phận trẻ em luôn bị cho là bụi đời, lang thang.
Những đứa trẻ như Nghĩa choắt, Ngọc phệ, Hiền sầu dưới ngòi bút của Phạm Ngọc Tiến đã được cất lên tiếng nói tâm sự từ đáy lòng mình, để giãi bày cho căn cớ phải trở thành trẻ lang thang.
Nếu Nghĩa choắt không cha, không mẹ, là đứa trẻ bị bỏ rơi từ nhỏ, phải tự mình bươn chải để kiếm sống, thì Ngọc phệ vốn là đứa trẻ thành phố hẳn hoi, nhưng chỉ vì mẹ mất, bố chán đời dính vào ma túy, không chịu đựng nổi đòn roi và những đợt lên cơn của bố mà phải bỏ nhà đi tự kiếm sống. Trong khi đó, Hiền sầu lại là đứa con gái có hiếu lắm, vì mẹ ốm, muốn đỡ đần gia đình kiếm thêm tiền mua thuốc cho mẹ mà nó phải lang thang ngoài đường bán báo.
Không biết những đứa trẻ lang thang, những nhân vật chính của cuốn sách này có cơ hội được đọc câu chuyện viết về chúng để mà tìm được sự đồng cảm chia sẻ hay không, nhưng chắc chắn rằng những đứa trẻ đọc cuốn sách này sẽ có được những trải nghiệm thật khác lạ với đời sống của mình. Cũng vì vậy, các em sẽ biết trân trọng hơn những gì mình đang có, và biết bao dung hơn với những bạn đồng trang lứa mà đôi khi các em vẫn bắt gặp tiếng rao báo đây, đánh giày đây,... trên đường phố.
Một cuốn sách nhiều gai góc, nhiều nỗi buồn, nhiều mất mát và cũng tái hiện lại rất nhiều những mặt trái xấu xí của xã hội, nhưng nhất định Đợi mặt trời là một cuốn sách tuyệt đẹp cho thiếu nhi, là một cuốn sách tràn đầy hy vọng, bao dung, chờ đợi và tin cậy. Thật như lời Nghĩa choắt đã nói, hay cũng chính là lời tác giả khẳng định “người tử tế thật sự bây giờ thiếu gì”. Và những chuyện tử tế, đẹp đẽ như Đợi mặt trời của Phạm Ngọc Tiến có lẽ cũng nhiều vô cùng giữa đời sống này.
Nhà văn Việt Hà khi nhận xét về giọng văn của Phạm Ngọc Tiến đã nói “Đúng như Phạm Ngọc Tiến từng tâm sự rằng, anh chọn cách viết mộc, thô, đơn giản đến tối thiểu. Chính sự thô nhám, không cầu kì ấy đã tạo ra sự khác biệt, một thứ ngôn ngữ, giọng điệu rất riêng, sống động và chân thực với đời sống”. Và cũng chính vì sự chân thực gần gũi ấy mà dễ lay động trái tim, tâm tư của người đọc.