Nhậm Chính Phi bán các viên thuốc hỗ trợ ăn kiêng và bình chữa cháy trên phố, để rồi sau này lập ra tập đoàn viễn thông Huawei. Jack Ma bán đồ vặt ở Chiết Giang, sau này lập ra "gã khổng lồ" thương mại điện tử Alibaba.
Vào thập niên 1980 và 1990 ở Trung Quốc, các quầy bán hàng trên phố là dấu hiệu đầu tiên của kinh tế thị trường. Ngày nay, đó bỗng nhiên trở lại là chủ đề tranh luận trong giới lãnh đạo Trung Quốc.
Thủ tướng Lý Khắc Cường thăm tỉnh Sơn Đông ngày 1/6. Ảnh: Kyodo. |
Những chỉ trích hiếm hoi
Ngày 1/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến thành phố cảng ở tỉnh Sơn Đông và thăm những người bán rong. Ông khen ngợi họ, và tuyên bố “nền kinh tế hàng rong” sẽ là “nguồn tạo việc làm quan trọng” và là một phần của sự năng động ở Trung Quốc.
Vài ngày sau trong phát biểu khác, ông nhắc lại lợi ích tạo việc làm của nền kinh tế bán hàng rong, biến cụm từ này trở thành cơn sốt.
Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc có tỷ lệ thất nghiệp cao do dịch Covid-19. Một ước tính cho rằng tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc có thể lên đến 20%, nếu tính cả những lao động nhập cư mất việc ở các khu đô thị rồi trở về quê.
Những tranh luận đang diễn ra về động lực nào sẽ giúp Trung Quốc thoát khỏi khủng hoảng này, có bàn đến những người bán hàng rong, bán đồ ăn rẻ, quần áo và các đồ khô.
Thế nhưng, trong vài năm qua, chính phủ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nỗ lực dẹp các sạp bán hàng, nhằm duy trì an ninh và tăng cường quản lý. Chính vì vậy, tuyên bố của ông Lý Khắc Cường là đáng chú ý, theo Nikkei Asian Review.
Không giống như những người bán rong của thời trước, thường bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, người bán rong ngày nay công nghệ cao hơn, nhiều người có mã QR để người mua chỉ cần quẹt để trả tiền. Nếu có vấn đề gì, mọi thứ đều truy lại được.
“Nếu mọi người làm việc chăm chỉ, việc kinh doanh sẽ tăng trưởng, đất nước sẽ phát triển thêm”, ông Lý nói với một người bán rong trong chuyến thăm tỉnh Sơn Đông.
Một người bán rong ở Bắc Kinh bị cảnh sát đang yêu cầu rời đi. Ảnh: Reuters. |
Chỉ vài ngày sau, Bắc Kinh Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Thành ủy Bắc Kinh, đăng bài xã luận chỉ trích thẳng việc khuyến khích nền kinh tế bán rong.
Bài viết chỉ trích các cuộc tranh luận dùng những từ như “kinh tế hàng rong". Theo tờ báo này, Bắc Kinh không phải nơi dành cho bán hàng rong, vì là thủ đô của đất nước. Ngày hôm sau, truyền hình trung ương Trung Quốc cũng bình luận tương tự.
Các thông điệp trái ngược khiến các thành phố không biết tin vào đâu. Thành phố cảng Đại Liên của tỉnh Liêu Ninh gỡ bỏ lệnh cấm chợ đêm ở một số khu vực, chỉ một ngày sau khi ông Lý khen ngợi “nền kinh tế bán hàng rong”. Nhưng ngay sau đó, chính quyền đảo ngược quyết định.
Rộ tin đồn bất đồng
Nikkei Asian Review bình luận rằng nhìn kỹ hơn sự việc, các bên chỉ trích đều có người thân cận với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Một trong số những cơ quan đó là chính quyền thủ đô Bắc Kinh, với nhân vật cao cấp nhất là Bí thư Thành ủy Thái Kỳ, cũng là một trong 25 ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc.
Ông Thái từ lâu đã nỗ lực chỉnh trang thủ đô Bắc Kinh, dẹp bỏ các tòa nhà tồi tàn là nơi các lao động nhập cư từng sinh sống. Ông cũng cho dẹp bỏ các quầy bán rong, với lý do an ninh và ô nhiễm môi trường. Thậm chí tầng 1 đang bán hàng của một số tòa nhà cũng phải chuyển đi. Nhiều người nghèo vốn làm nên “huyết mạch” của nền kinh tế đường phố bị buộc phải chuyển khỏi Bắc Kinh.
Bí thư Bắc Kinh Thái Kỳ là người thi hành chính sách dẹp bỏ bán hàng rong. Ảnh: Nikkei Asian Review/Kyodo. |
Trong khi đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường được lòng những người dân nghèo. “Người bình thường cảm thấy rằng thủ tướng nghĩ nhiều về sinh kế của họ hơn”, một trí thức nói.
Ông cũng nhắc đến thực tế là tỷ lệ lớn người Trung Quốc làm việc trong các công ty nhỏ, và một nửa dân số Trung Quốc sống ở nông thôn.
“Vẫn có khoảng 600 triệu người đang có thu nhập trung bình hoặc thấp, thậm chí thấp hơn”, ông Lý nói. “Thu nhập hàng tháng của họ chỉ dưới 1.000 tệ (khoảng 142 USD), không đủ để thuê một căn phòng tại một thành phố cấp trung của Trung Quốc”.
Câu nói được cho là nhìn nhận thẳng thắn của ông Lý đã được người dân hưởng ứng.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập đang cố giành lấy những thành tích kinh tế để thể hiện trước dịp 100 năm kỷ niệm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm sau.
Cục Thống kê Quốc gia đã nhanh chóng ra thông báo phản bác lại lời của thủ tướng.
Theo cơ quan này, “600 triệu người” mà ông Lý Khắc Cường nêu ra bao gồm cả trẻ em và người già vốn không có thu nhập, nên mức thu nhập trung bình của 600 triệu người này bị kéo xuống. Trên thực tế, nhiều người kiếm được hơn 142 USD/tháng, theo thông báo.
Theo Nikkei Asian Review, Cục Thống kê Quốc gia nằm dưới sự quản lý của ông Lý, nên việc họ ra thông báo trên là “lạ lùng”.
Những sự bất đồng và kỳ lạ nói trên diễn ra giữa lúc Trung Quốc đang bước vào mùa chính trị quan trọng nhất trong một thập niên.
Mùa hè này, phương hướng nhân sự của đại hội đảng toàn quốc năm 2022 ở nước này sẽ được định đoạt.