Tám năm trôi qua, những cái tên trong đội hình từng giúp Malaysia có lần đầu tiên lên ngôi tại khu vực giờ chỉ còn Norshahrul Idlan Talaha duy trì được phong độ đỉnh cao.
|
Thủ môn Khairul Fahmi: Từ lựa chọn thứ hai trong khung gỗ, Khairul Fahmi đã nắm lấy cơ hội và xây chắc vị trí chính thức trong đội hình của HLV Rajagopal. Ở hai trận chung kết, thủ thành này thi đấu tuyệt hay và thậm chí cản phá thành công một quả phạt đền trong trận lượt về, góp công không nhỏ vào chức vô địch của Harimau Malaya tại AFF Cup 2010. Tại 3 kỳ AFF Cup tiếp theo, thủ thành sinh năm 1989 luôn là lựa chọn số một trong khung thành đội tuyển Malaysia. Đến AFF Cup 2018, Khairul tiếp tục được triệu tập. Tuy nhiên, anh chỉ là phương án dự phòng cho thủ thành Farizal Marlias. |
|
Hậu vệ trái Asraruddin Putra Omar: Sở hữu lối đá đơn giản, chắc chắn cùng những pha xử lý gọn gàng, hiệu quả, Putra Omar (số 4) là sự lựa chọn số một bên hành lang trái đội tuyển Malaysia tại AFF Cup 2010. Sau chức vô địch đó, anh gắn bó với Selangor thêm ba mùa bóng trước khi chuyển tới Johor Darul Ta’Zim và cùng đội bóng này giành ba chức vô địch Malaysia liên tiếp. Tuy vậy, phong độ của hậu vệ sinh năm 1988 đã suy giảm rõ rệt và không thể cạnh tranh cho một vị trí tại AFF Cup 2018. |
|
Trung vệ Fadhli Shas: AFF Cup 2010 mới là giải đấu lớn đầu tiên của Fadhli Shas trong màu áo đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, trung vệ khi đó mới 20 tuổi đã khiến tất cả bất ngờ bởi sự chững chạc, chắc chắn của mình khi thay thế người đàn anh Aidil Zafuan bị chấn thương. Năm 2014, Shas chuyển tới Johor Darul Ta’Zim và giành 5 chức vô địch Malaysia liên tiếp cùng đội bóng này. Tuy nhiên, cũng giống như Putra Omar, phong độ đi xuống không thể giúp anh có được một vị trí trong đội hình của HLV Tan Cheng Hoe tại giải đấu lần này. |
|
Trung vệ Muslim Ahmad: Hai chức vô địch SEA Games 2009 và AFF Cup 2010 của bóng đá Malaysia đều có dấu ấn không nhỏ của Muslim Ahmad. Sở hữu thể hình vượt trội cùng lối đá dũng mãnh, cầu thủ sinh năm 1989 thực sự là một "hòn đá tảng" trước khung thành đội tuyển Malaysia. Tuy nhiên, tiếc cho bóng đá Malaysia khi kể từ sau AFF Cup 2014, phong độ của cầu thủ này đã tụt dốc không phanh. Lần cuối cùng Ahmad khoác áo đội tuyển Malaysia đã từ năm 2015. |
|
Hậu vệ phải Mohd Sabre Mat Abu: Sau giai đoạn 2006-2013 thành công cả trong màu áo CLB lẫn đội tuyển quốc gia với đỉnh cao là chức vô địch AFF Cup 2010, Mohd Sabre quyết định chuyển sang thi đấu cho PDRM FC từ mùa giải 2014. Thế nhưng, đó lại là bước ngoặt trong sự nghiệp cầu thủ này. Anh thi đấu tệ hại và chỉ còn là cái bóng của chính mình so với hồi còn khoác áo Kedah FC. |
|
Tiền vệ Safiq Rahim: Không quá khi cho rằng Safiq chính là linh hồn trong lối chơi của đội tuyển Malaysia tại AFF Cup 2010. Tới năm 2014, anh tiếp tục giúp đội bóng này lọt tới chung kết và chỉ chịu khuất phục trước đội tuyển Thái Lan hùng mạnh với hàng loạt ngôi sao như Chanathip Songkrasin, Teerasil Dangda hay Charyl Chappuis. Giải đấu đó, Safiq trở thành tiền vệ đầu tiên trong lịch sử giành danh hiệu chiếc giày vàng với 6 pha lập công. Hiện tại, anh đang là cầu thủ tự do sau khi chia tay Johor Darul Ta'zim hồi đầu năm. |
|
Tiền vệ Amar Rohidan: Tại AFF Cup 2010, Safiq chắc chắn sẽ không thể tỏa sáng nếu không có sự giúp sức từ người đá cặp Amar Rohidan. Sở hữu thể hình, khả năng càn lướt cùng lối đá quyết liệt, cầu thủ sinh năm 1987 là một "máy quét" lợi hại trong đội hình của HLV Rajagopal. Tuy nhiên, ở tuổi 31, dấu ấn của thời gian khiến Rohidan không còn duy trì được phong độ đỉnh cao. Và việc anh không được triệu tập tại AFF Cup 2018 không phải điều bất ngờ. |
|
Tiền vệ Kunanlan Subramaniam: Sở hữu tốc độ cùng khả năng xuyên phá lợi hại, Kunanlan luôn là mối nguy hiểm thường trực bên phía hành lang cánh phải của đội tuyển Malaysia. Và dù không ghi được bàn thắng, anh vẫn xứng đáng có mặt trong đội hình tiêu biểu của giải đấu năm đó. Năm 2016, tiền vệ 32 tuổi giã từ sự nghiệp quốc tế sau 74 lần ra sân cho đội tuyển quốc gia. |
|
Tiền vệ Ashari Samsudin: Không chỉ có Kunanlan, Malaysia ở AFF Cup 2010 còn sở hữu một mũi khoan vô cùng lợi hại khác bên hành lang cánh. Đó là Ashari Samsudin. Chính cầu thủ này là người ghi bàn ấn định chiến thắng 3-0 cho Malaysia ở chung kết lượt đi trước khi có pha kiến tạo thuận lợi giúp Safee Sali ghi bàn mở tỷ số ở trận lượt về. Sau năm 2013, anh chia tay đội tuyển Malaysia. |
|
Tiền đạo Safee Sali: Nhắc tới "hung thần" Safee Sali, nhiều CĐV Việt Nam vẫn chưa thể quên cú đúp của tiền đạo này vào lưới đội tuyển Việt Nam ở trận bán kết lượt đi trên sân Bukit Jalil. Chiến thắng đó tạo lợi thế lớn cho đội tuyển Malaysia trong trận đấu lượt về trên sân Mỹ Đình. Giải đấu năm đó, bên cạnh chức vô địch, Safee cũng ẵm luôn danh hiệu vua phá lưới với 5 pha lập công. Hiện tại, cầu thủ này thi đấu cho CLB PKNS tại giải vô địch Malaysia. |
|
Tiền đạo Norshahrul Idlan Talaha: Trong số 11 cái tên tại danh sách này, chỉ duy nhất Talaha vẫn tiếp tục duy trì được phong độ đỉnh cao. "Gừng càng già càng cay", ở tuổi 32, chân sút của CLB Pahang đang là cây săn bàn số một của đội tuyển Malaysia tại AFF Cup 2018 với 5 pha lập công. Người hâm mộ kỳ vọng với kinh nghiệm và sự tinh quái của mình, Talaha sẽ tiếp tục dẫn dắt các đàn em giành được chiến thắng trong hai cuộc chạm trán sắp tới với đội tuyển Việt Nam, qua đó mang về chức vô địch AFF Cup thứ hai trong lịch sử bóng đá Malaysia. |
ĐT Malaysia
AFF Cup
ĐT Malaysia
AFF Cup 2010
AFF Cup 2018
Talaha