Nguyễn Quang Hải ra sân thi đấu nhiều nhất tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park với 50 trận. Trong 5 năm qua, Quang Hải là nhân tố không thể thiếu trong đội hình tuyển Việt Nam ở các đấu trường. Anh giúp đội vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019 và vào vòng loại thứ ba World Cup 2022. Ở kỳ AFF Cup 2022, Quang Hải xuống phong độ và không để lại nhiều dấu ấn. Ảnh: Minh Chiến. |
Quế Ngọc Hải (số 3) là cầu thủ thi đấu nhiều thứ hai ở tuyển Việt Nam với 46 trận. Anh là thủ lĩnh hàng thủ nhưng cũng góp công vào nhiều bàn thắng quan trọng của đội ở các đấu trường. Ảnh: Y Kiện. |
Phan Văn Đức (số 20) đá 43 trận, nhiều thứ ba tuyển Việt Nam dù thời gian thi đấu ở tuyển bị gián đoạn bởi những chấn thương hoặc xuống phong độ. Văn Đức là phương án được HLV Park sử dụng thường xuyên ở vị trí tiền đạo cánh trái. Ảnh: Việt Linh. |
Đỗ Duy Mạnh (ngoài cùng bên phải, 42 trận) cũng đã có quãng thời gian đỉnh cao ở đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park. Anh là một trong số cầu thủ lên tuyển sớm (từ thời HLV Toshiya Miura), thành công rực rỡ dưới thời ông Park với chức vô địch AFF Cup (2018), vào tứ kết Asian Cup 2019 và vòng loại thứ ba World Cup 2022. Ảnh: Quang Thịnh. |
Nguyễn Công Phượng đá 39 trận, là nhân vật quan trọng của tuyển Việt Nam nhưng thi đấu ít dần trong thời gian cuối của ông Park với đội tuyển. Ở AFF Cup 2022, Phượng không nằm trong danh sách thi đấu. Ảnh: Thuận Thắng. |
Nguyễn Tiến Linh (phải, 38 trận) là phát hiện của HLV Park trên hàng công từ năm 2019. Anh thi đấu ngày càng tiến bộ, đang là tiền đạo cắm hay nhất Việt Nam thời điểm hiện tại. Ở AFF Cup 2022, Tiến Linh là đồng vua phá lưới với Teerasil Dangda (6 bàn), người đầu tiên trong lịch sử tuyển Việt Nam làm được điều này. Ảnh: Bảo Ngọc. |
Trung vệ Bùi Tiến Dũng (số 4, 37 trận) cũng là một trụ cột ở hàng thủ tuyển Việt Nam đi lên từ kép phụ. Từ khi Trần Đình Trọng chấn thương liên miên và không còn ở đỉnh cao phong độ, Bùi Tiến Dũng thường xuyên được HLV Park sử dụng và khẳng định được vị trí ở đội tuyển. |
Quãng thời gian chấn thương và thi đấu ở nước ngoài 2 năm qua từng khiến vị trí của Đặng Văn Lâm (34 trận) ở đội tuyển Việt Nam từng bị lung lay. Quyết định trở lại V.League là bước ngoặt giúp Lâm lấy lại phong độ và vị thế ở tuyển. Minh chứng là 8 trận bắt chính và chỉ để thủng lưới loạt chung kết trong hành trình giành á quân AFF Cup 2022 của tuyển Việt Nam. Ảnh: Bảo Ngọc. |
Không phải Nguyễn Hoàng Đức mà Đỗ Hùng Dũng (32 trận) mới là cầu thủ thi đấu nhiều nhất ở vị trí tiền vệ trung tâm tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park. Khả năng giữ bóng, phân phối, điều tiết cùng nhãn quan chiến thuật của Dũng được giới chuyên môn đánh giá rất cao. Ảnh: Thuận Thắng. |
Trở lại sau chấn thương, Đoàn Văn Hậu (31 trận) có kỳ AFF Cup 2022 thành công nhưng chưa trọn vẹn. Anh là hậu vệ trái hay nhất tuyển Việt Nam và hàng đầu khu vực Đông Nam Á thời điểm hiện tại. Ảnh: Bảo Ngọc. |
Vũ Văn Thanh (số 17, 26 trận) là hậu vệ đa năng của tuyển Việt Nam khi có thể chơi ở hai biên. Từ khi Nguyễn Trọng Hoàng chấn thương, giải nghệ, Văn Thanh được HLV Park đôn lên từ kép phụ. Ở AFF Cup 2022, anh ghi bàn ở trận đầu tiên (Lào) và cuối cùng (Thái Lan) cho tuyển Việt Nam. Ảnh: Trương Hiếu. |
Đội hình ra sân nhiều nhất tuyển Việt Nam trong 5 năm dưới thời HLV Park. Đồ họa: Minh Phúc. |
Tiết lộ về HLV Park Hang-seo
Mục Thể thao giới thiệu tủ sách về HLV Park Hang-seo. Ở đây, độc giả sẽ có cơ hội tìm hiểu những câu chuyện về nhà cầm quân người Hàn Quốc trong thời gian ông cùng bóng đá Việt Nam làm nên lịch sử ở những giải đấu khu vực Đông Nam Á, lẫn châu Á.