Ảnh: iStock. |
Một chức năng cơ bản của bộ não chúng ta là sinh tồn. Bộ não được thiết kế để tập trung vào những điều sai trái, những gì nguy hiểm và đe dọa cuộc sống của chúng ta. Các nhà sản xuất tin tức biết rõ điều này và họ tạo ra một dòng chảy đều đặn của những nỗi sợ, các cơn khủng hoảng, những chiếc đồng hồ đếm ngược và cảm giác hồi hộp để khiến bạn “bị nghiện” theo dõi tin tức.
Để thu hút người xem, các chương trình thường kịch tính hóa các sự kiện. Nhiều sự kiện được “gói ghém” thành những câu chuyện với một câu khẩu hiệu và cấu trúc kể chuyện ba hồi truyền thống. Thông thường, chúng còn đi kèm với một kỹ thuật mà các nhà biên kịch gọi là “đặt đồng hồ đếm ngược”.
Giống một bộ phim tạo ra sự căng thẳng và cảm giác khẩn cấp bằng cách đặt ra một thời hạn sống còn - chẳng hạn “nếu Sandra Bullock không kịp đến trạm vũ trụ trong chín mươi phút nữa, cô ấy sẽ chết vì đụng phải rác vũ trụ!” - các phương tiện truyền thông cũng lồng ghép một chiếc đồng hồ đếm giờ vào góc dưới bên phải của nhiều bản tin. Tích tắc, tích tắc, tích tắc.
Khi mô tả về tình hình tài chính và kinh tế, các phương tiện truyền thông cũng sử dụng chiến thuật tương tự. Hãy nghĩ về các thuật ngữ như “tịch thu tài sản” và “vực thẳm tài chính”. Những thuật ngữ này được tạo ra để khơi gợi cảm giác nguy hiểm trong những phóng sự vốn dĩ không hề liên quan tới chuyện sống chết.
Để lấy một ví dụ điển hình mới nhất, hãy nhớ lại chiếc đồng hồ đếm ngược theo phút (chúng ta thật sự cần đếm ngược theo phút sao?) đến lúc mức nợ của chính phủ Mỹ chạm giới hạn năm 2019. Chuyện gì xảy ra khi đồng hồ về 0? Các chính trị gia thỏa hiệp, hồ sơ được ký kết và mức trần nợ được nâng lên với một chút phô trương.
Tương tự, có vẻ như bất kể thị trường đi theo hướng nào, luôn có một dàn hợp xướng của những giọng ca theo chủ nghĩa định mệnh chiếm lĩnh các kênh tài chính. Tất nhiên, chuyện này không có gì mới.
Các phương tiện truyền thông trong lĩnh vực tài chính đã và đang bán nỗi sợ từ thời của cơn hoảng loạn thị trường năm 1907. Nhiều quyển sách được viết về sự thiếu chính xác của các dự đoán tài chính gần đây hơn trên các phương tiện truyền thông, chẳng hạn tình trạng lạm phát kèm suy thoái vào những năm 1970, cuộc sụp đổ tài chính năm 1987, bong bóng công nghệ năm 2000 (một sự kiện đã đưa tình trạng cuồng loạn lên một cấp độ hoàn toàn mới khi đi kèm với sự gia tăng của các chương trình tin tức cập nhật suốt hai mươi bốn giờ), cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khủng hoảng nợ châu âu, mức trần nợ năm 2019… và còn nhiều sự kiện khác nữa.
Vậy chúng ta có thể làm gì với những cơn cuồng loạn này? Các nhà đầu tư hoảng sợ một cách không cần thiết và mắc phải những sai lầm mà lẽ ra có thể tránh được. Nhiều kế hoạch hưu trí bị ảnh hưởng khi các nhà đầu tư bán tháo mọi thứ để thu tiền mặt về trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chính phủ đóng cửa và các cuộc đàm phán về mức trần nợ diễn ra liên tục.
Những nhà đầu tư bán tháo này vĩnh viễn bỏ lỡ các khoản lời sau khi cuộc khủng hoảng lắng xuống. Nói cách khác, họ đã đi thang máy xuống, bước ra ngoài và bỏ lỡ chuyến thang đi lên lại (thường là lên những tầm cao mới!).
Còn những tổn hại về sức khỏe thể chất thì sao? Các nhà đầu tư bị căng thẳng tột độ bởi những cuộc thảo luận tài chính trên các phương tiện truyền thông. Trong bài viết Tin tức tài chính và sự căng thẳng của khách hàng (2012), tiến sĩ John Grable của Đại học Georgia và tiến sĩ Sonya Britt của Đại học Bang Kansas đã chỉ ra rằng mức độ căng thẳng của một người tăng lên đáng kể khi họ xem các bản tin tài chính, bất kể tin tức được đề cập trong đó là gì. Khi thị trường đi xuống, mọi người lo lắng về tài khoản của họ. Khi thị trường đi lên, họ cảm thấy khó chịu vì không có được một vị thế tốt hơn.
Trên thực tế, có đến 67% người xem tin tức tài chính có biểu hiện gia tăng mức độ căng thẳng. Ngay cả khi những tin tức tài chính đó là tích cực, 75% người xem vẫn có những dấu hiệu gia tăng mức độ căng thẳng. Nhưng hãy nhìn vào thực tế. Mọi thị trường giá xuống tại Mỹ đều sẽ nhường chỗ cho một thị trường giá lên. Mọi sự suy giảm kinh tế đều là bước khởi đầu cho sự mở rộng kinh tế.
Tuy nhiên, như với mọi thị trường giá xuống trong lịch sử, thị trường này sẽ phục hồi hoàn toàn và quay lại quỹ đạo đi lên bình thường. Vấn đề là bạn không biết điều đó khi xem các bản tin tài chính.
Vấn đề của phương tiện truyền thông tài chính chủ yếu nằm ở chỗ nhiều người hiểu sai về mục đích tồn tại của nó. Truyền thông là một ngành kinh doanh và kinh doanh là để tạo ra lợi nhuận. Mục đích chính của doanh nghiệp truyền thông không phải là để truyền đạt thông tin mà là để kiếm tiền.
Các nền tảng truyền thông kiếm tiền bằng cách bán quảng cáo, còn các kênh tin tức có thể thu phí quảng cáo cao hơn nếu họ có tỷ suất xem đài cao. Vì thế, mục tiêu chính của mọi hãng truyền thông là thu hút nhiều người xem nhất có thể và giữ được người xem càng lâu càng tốt.
Để làm mọi chuyện trở nên thú vị, các phương tiện truyền thông sẽ biến các mẩu tin bình thường về sự sụt giảm chỉ diễn ra trong một ngày của thị trường chứng khoán thành những câu chuyện về một cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng thường ít hoặc không ảnh hưởng đến thành công lâu dài của thị trường.