Theo South China Morning Post, khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường áp lực kinh tế lên Trung Quốc, giới quan sát đặt câu hỏi liệu đồng nhân dân tệ (NDT) có một lần nữa bị kéo vào cuộc xung đột hay không.
Hồi tháng 7, Bộ Thương mại Mỹ tiến hành cuộc điều tra về việc Trung Quốc trợ giá cho các nhà sản xuất để bán phá giá. Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết đã cung cấp đánh giá cho Bộ Thương mại "để giải quyết những hành vi tiền tệ không công bằng".
Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc gian lận, bao gồm việc thao túng tiền tệ để thúc đẩy xuất khẩu và đe dọa phân ly hai nền kinh tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc phá giá đồng NDT. Ảnh: AP. |
Gia tăng áp lực kinh tế
Ông Peter Quinter, luật sư tại Công ty luật Grey Robinson (Florida, Mỹ), nhận định nếu Bộ Thương mại Mỹ kết luận rằng Trung Quốc cố tình định giá thấp đồng NDT, Washington có thể áp thêm thuế với một loạt hàng hóa Trung Quốc.
Điều này cũng có thể dẫn đến các hạn chế đối với một số mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ và thị thực cho công dân Trung Quốc. "Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho rằng điều này sẽ gây khó cho Trung Quốc", ông Quinter nhấn mạnh.
Giá trị của đồng NDT có thể lại một lần nữa trở thành tâm điểm toàn cầu, theo ông Alexander Wolf, Trưởng Bộ phận Chiến lược đầu tư tại khu vực châu Á của Ngân hàng JPMorgan. Nguyên nhân là mức thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc sau khi nước này kiểm soát tốt dịch Covid-19.
"Nhu cầu tăng lên đối với hàng điện tử tại gia cũng như thiết bị y tế và dược phẩm của Trung Quốc đặt ra câu hỏi liệu giá trị của đồng NDT có tăng cao hay không", ông Wolf bình luận.
Đồng NDT có thể một lần nữa trở thành tâm điểm toàn cầu. Ảnh: Reuters. |
Theo quy định mới được công bố hồi tháng 2, Bộ Thương mại Mỹ có quyền tuyên bố việc định giá thấp của một đồng tiền nước ngoài là hình thức trợ cấp kinh tế và nước đó phải chịu các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Thuế quan Mỹ năm 1930.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định việc xác định hành vi định giá thấp sẽ cực kỳ phức tạp. Hơn nữa, tháng này, giá đồng NDT đạt mức cao nhất trong năm nay sau khi tăng 5,7% so với giá đồng USD, dù nguyên nhân chủ yếu là sức mạnh của đồng bạc xanh suy yếu.
Chỉ số đồng USD so với các đồng tiền lớn khác đã sụt giảm 9,5% trong 6 tháng qua. Trong khi đó, đồng NDT tăng ít hơn nhiều so với đồng tiền của các đối tác thương mại lớn khác của Trung Quốc và vẫn giao dịch dưới mức đỉnh hồi tháng 3.
Cáo buộc phá giá tiền tệ
Hồi tháng trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cam kết duy trì "sự ổn định cơ bản của đồng NDT", tức khẳng định Trung Quốc không cố ý định giá thấp đồng tiền nước này.
"Tỷ giá đồng NDT chủ yếu do cung cầu thị trường quyết định. Ngân hàng trung ương sẽ không sử dụng tỷ giá hối đoái của đồng NDT như một công cụ để đối phó với sự gián đoạn do xung đột thương mại", ngân hàng trung ương Trung Quốc khẳng định trong báo cáo chính sách tiền tệ quý II.
Năm ngoái, Mỹ lần đầu tố cáo Trung Quốc thao túng tiền tệ và áp đòn thuế lên hàng hóa nước này. Hồi tháng 1, một báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết Trung Quốc "có lịch sử lâu dài" trong việc định giá thấp đồng tiền. Theo đó, họ đã lên kế hoạch để phá giá đồng NDT vào mùa hè.
Mặt khác, vào tháng 8/2019, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết ngân hàng trung ương của Trung Quốc ít can thiệp vào thị trường ngoại hối và đồng NDT "nhìn chung là phù hợp với các nguyên tắc cơ bản trong trung hạn".
Giá đồng NDT đã chạm mức cao nhất trong năm nay sau khi tăng 5,7% so với giá đồng USD. Ảnh: Reuters. |
Mỹ hủy bỏ cáo buộc thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký kết hồi tháng 1. Đổi lại, Trung Quốc hứa sẽ đưa ra các cam kết kiềm chế tình trạng phá giá để cạnh tranh. Bắc Kinh cũng đồng ý công bố những thông tin liên quan đến tỷ giá hối đoái và cán cân đối ngoại.
"Quyết định gỡ 'mác' thao túng tiền tệ của Mỹ đối với Trung Quốc cho thấy không có lý do gì để cho rằng đồng NDT bị định giá thấp", ông Chen Xingdong, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng BNP Paribas, bình luận. Tuy nhiên, theo ông Chen, ông Trump vẫn có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt nếu muốn gia tăng áp lực kinh tế đối với Trung Quốc.
"Theo tôi, các biện pháp được Trung Quốc thực hiện để đối phó với áp lực từ Mỹ và châu Âu cho thấy họ đang rất cố gắng ngăn chặn phân ly kinh tế. Trung Quốc thực sự muốn nối lại mối quan hệ", ông nhận định.