Bên trong trung tâm chỉ huy của Cơ quan An ninh nội địa Guam, một chiếc điện thoại bàn được đặt ngay ngắn nơi góc phòng, trông không có vẻ gì đặc biệt. Chẳng một ai muốn nó đổ chuông, bởi đó là tín hiệu Guam sắp hứng một quả tên lửa đạn đạo.
Sau khi Triều Tiên đe dọa phóng 4 tên lửa tầm trung đến gần lãnh thổ hải ngoại của Mỹ, biến nơi đây thành biển lửa, toàn bộ hòn đảo đã chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với "mọi tình huống".
"Guam từng đối mặt với các siêu bão, động đất 8,2 độ Richter, cảnh báo sóng thần, bất cứ thứ gì có thể đe dọa hòn đảo nhỏ bé. Nên chúng tôi đã có sự chuẩn bị và đủ bình tĩnh trong tình huống này", Dee Cruz, nhân viên của Cơ quan An ninh nội địa Guam cho biết.
Nhưng chuẩn bị ứng phó với một cuộc tấn công tên lửa không giống như ứng phó với bão. Bão nhiệt đới di chuyển với tốc độ 19 km/h, người dân có khoảng vài ngày để chuẩn bị. Còn để bay tới Guam, một tên lửa đạn đạo phóng từ Triều Tiên sẽ chỉ mất 17 phút.
Nửa đêm 15/8, người dân trên đảo đã một phen hoảng loạn khi báo động thử nghiệm được phát đi trong khi nhiều nơi mất điện đột ngột. Họ đang sống giữa bầu không khí căng thẳng của cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, đối mặt với mối đe dọa có thực từ tên lửa của Bình Nhưỡng.
Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, sự kiện nghiêm trọng và kịch tính nhất thời kỳ Chiến tranh Lạnh, dường như đang lặp lại ở Đông bán cầu. Tình thế trên bán đảo Triều Tiên hiện nay được Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain ví như "khủng hoảng tên lửa Cuba quay chậm".
Khủng hoảng tên lửa Cuba diễn ra trong 13 ngày với cuộc đối đầu "cân não" giữa Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev. Khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên kéo dài tới gần 1/4 thế kỷ, tuy nhiên mức độ nghiêm trọng, rủi ro tính toán sai lầm dẫn đến chiến tranh hạt nhân thì cũng tương tự như khủng hoảng Cuba.
Các chuyên gia nhận định diễn biến trên bán đảo Triều Tiên 7 tháng đầu năm 2017 tăng tốc rõ rệt. Kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, tần suất và mức độ các hành vi khiêu khích của Triều Tiên tăng lên nhanh chóng. Chưa bao giờ thế giới chứng kiến quốc gia Đông Bắc Á này thử tên lửa với cường độ dày đặc như vậy. 18 tên lửa đã được phóng sau 7 tháng đầu năm 2017.
Bán đảo Triều Tiên rơi vào vòng xoáy căng thẳng mới với những hình thức quen thuộc của các cuộc khủng hoảng trước. Triều Tiên dùng khẩu chiến kết hợp với tên lửa, hạt nhân làm phương tiện đe dọa. Trong khi đó, Mỹ tập trận với đồng minh, triển khai lực lượng quân sự, hệ thống tên lửa, áp đặt trừng phạt kinh tế, thúc đẩy các nước cô lập Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, khác với tất cả các cuộc khủng hoảng trước, tính chất của sự kiện lần này đặc biệt nghiêm trọng.
Sau khi thử thành công liên tiếp 2 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong tháng 7, Triều Tiên chứng minh cho thế giới thấy năng lực tấn công hạt nhân của nước này không phải sự khoa trương hay trò đùa.
Trao đổi với Zing.vn, Giáo sư Siegfried S. Hecker từ Đại học Stanford, California, chuyên gia hàng đầu về khoa học hạt nhân của Mỹ và từng 7 lần tới thăm các cơ sở hạt nhân ở Triều Tiên, đánh giá rằng Bình Nhưỡng sẽ hoàn thiện công nghệ ICBM trong một vài năm nữa.
Mới đây, báo cáo tình báo của Mỹ được Washington Post dẫn hôm 8/8 còn kết luận Bình Nhưỡng đã sở hữu năng lực thu nhỏ đầu đạn hạt nhân. Thông tin này khiến Triều Tiên trở thành mối đe dọa hiện hữu nhất đối với cường quốc số 1 thế giới.
Tính chất nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng hiện nay buộc Washington phải cân nhắc phương án tấn công phủ đầu để ngăn chặn năng lực hạt nhân của Triều Tiên, trong bối cảnh các biện pháp khác như trừng phạt kinh tế, gây sức ép chính trị, răn đe quân sự, đều không phát huy hiệu quả.
"Nói cho cùng, vấn đề Triều Tiên đã đặt Tổng thống Trump vào tình thế ngặt nghèo hơn nhiều so với tất cả những người tiền nhiệm", Mark Dubowitz, giám đốc tổ chức tư vấn chính sách Defense of Democracy, nhận định.
Triều Tiên phát hành tem sau mỗi dịp phóng thử thành công tên lửa đạn đạo. Ảnh: Washington Post. |
Hơn 40 năm trước, nhà lập quốc Triều Tiên Kim Nhật Thành tuyên bố: "Điều quan trọng nhất trong sự chuẩn bị chiến tranh của chúng tôi là giáo dục mọi người dân ghét đế quốc Mỹ”. Dưới sự dẫn dắt của nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un, Bình Nhưỡng từng chuẩn bị kế hoạch tấn công Washington D.C., Hawaii, San Diego, thậm chí đe dọa "biến cả nước Mỹ thành tro bụi".
Kathryn Weathersby, học giả về chiến tranh Triều Tiên, bình luận rằng "ở Triều Tiên bây giờ vẫn còn là những năm 1950 và cuộc xung đột với Hàn Quốc và Mỹ vẫn đang diễn ra. Người dân Triều Tiên cảm thấy bị dồn vào góc kẹt và bị đe dọa”.
Sự hận thù đế quốc ấy nung nấu 6 thập kỷ ở Triều Tiên kể từ sau cuộc chiến tranh liên Triều và hình thành thiên kiến lịch sử của Bình Nhưỡng đối với Mỹ. Ngược lại, 64 năm qua, Mỹ cũng chưa lúc nào thay đổi quan niệm Bình Nhưỡng là kẻ thù.
Sự thù địch và nghi kỵ có tính lịch sử này có thể xem là nguyên nhân cốt lõi dẫn tới sự đổ bể của thỏa thuận hạt nhân 1994 giữa Washington và Bình Nhưỡng và các cuộc khủng hoảng sau đó trên bán đảo Triều Tiên.
Một nhân tố quan trọng nữa dẫn tới khủng hoảng là mâu thuẫn không thể dung hòa giữa lợi ích chiến lược và lập trường của Triều Tiên và Mỹ. Washington coi việc loại bỏ khả năng răn đe hạt nhân của Triều Tiên là điều kiện tiên quyết cho một cam kết hòa bình. Trong khi đó, Bình Nhưỡng xem phát triển tên lửa đạn đạo có thể gắn đầu đạn hạt nhân thu nhỏ, đủ sức tấn công Mỹ, là mục tiêu sống còn.
"Triều Tiên xem vũ khí hạt nhân là điều không thể thương lượng, nó đóng vai trò đảm bảo an ninh, vị thế và tính chính danh của Triều Tiên đối với thế giới", Nick Bisley, giám đốc Đại học La Trobe ở Melbourne, nói với CNN.
Thực tế là chính phủ Triều Tiên vừa muốn có một hiệp định hòa bình song lại tuyên bố không bao giờ dừng chương trình hạt nhân, tên lửa.
Cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên liệu có khả năng dẫn tới một cuộc chiến tranh quân sự hay không?
Xung đột nóng trên thực địa có thể xảy ra ít nhất trong hai trường hợp: Mỹ tấn công phủ đầu để ngăn chặn năng lực hạt nhân của Triều Tiên, hoặc Triều Tiên triển khai hành động quân sự, ví dụ như bắn tên lửa về phía đảo Guam, khiến Mỹ trút "lửa và cuồng nộ" đáp trả.
Trao đổi với Zing.vn, các chuyên gia đều cho rằng chiến tranh quân sự là kịch bản khó xảy ra nhất. Giáo sư Michael Mandelbaum, giám đốc chương trình Chính sách đối ngoại của Mỹ tại Đại học Johns Hopkins, cho rằng đòn phủ đầu của Washington có thể khiến Triều Tiên lấy đồng minh Seoul ra làm mục tiêu trả đũa.
"Bình Nhưỡng có thể sẽ triển khai pháo kích và tấn công tên lửa vào thủ đô Seoul, nơi có hàng chục triệu cư dân sinh sống, rủi ro này quá lớn để Mỹ đánh đổi", ông Mandelbaum bình luận.
Đối với trường hợp Triều Tiên tấn công trước hay phóng tên lửa tới khu vực gần đảo Guam, giáo sư Mandelbaum cho rằng Bình Nhưỡng sẽ không dại dột làm như vậy, bởi hành động này tất yếu dẫn tới "sự trả đũa ngay lập tức và toàn diện từ Mỹ".
"Đe dọa Guam có thể mang lại cho Triều Tiên lợi ích chính trị, nhưng thật phi lý khi cho rằng Bình Nhưỡng sẽ tấn công hòn đảo ở Thái Bình Dương này hay lục địa Mỹ", Giáo sư Siegfried S. Hecker nhận định với Zing.vn.
Trên thực tế, khủng hoảng đang có dấu hiệu hạ nhiệt khi truyền thông Triều Tiên ngày 15/8 đưa tin nhà lãnh đạo Kim đã quyết định hoãn kế hoạch tấn công Guam như đe dọa trước đó để xem Mỹ sẽ làm gì tiếp theo. Cùng ngày, Ngoại trưởng Tillerson nói Washington sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng.
Mặc dù vậy, các nhà quan sát lo ngại trong bối cảnh kênh liên lạc giữa Mỹ - Triều quá hạn chế, tính toán sai lầm là nhân tố có khả năng cao nhất đẩy các bên vào xung đột quân sự. Chưa kể Tổng thống Trump hiện được xem là biến số khó lường mới, thậm chí là nhân tố "tiềm năng" gây rối loạn chính sách Triều Tiên của Mỹ.
Việc ông Trump liên tục đưa ra những phát ngôn dọa dẫm phóng đại, lời qua tiếng lại với Triều Tiên chỉ khiến bầu không khí căng thẳng leo thang, làm tăng rủi ro về tính toán sai và tăng sự hiểu lầm ở cả hai bên, ông Scott Snyder, giám đốc chương trình Chính sách Mỹ - Hàn Quốc của Hội đồng Quan hệ đối ngoại, cảnh báo.
“Cả Mỹ và Triều Tiên đều không có ý định gây ra chiến tranh nhưng một tính toán sai lầm nhỏ hoặc tai nạn ngoài dự kiến có thể kéo theo chiến tranh trên bán đảo”, chuyên gia Zhang Tuosheng, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Trung Quốc, cho biết.
Trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, nhân loại đã thoát khỏi thảm họa diệt vong nhờ những nỗ lực ngoại giao, thỏa hiệp từ cả Liên Xô và Mỹ cũng như "cái đầu lạnh" của lãnh đạo hai bên.
Hơn nửa thế kỷ sau, đó vẫn là bài học giá trị dành cho vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Tháo gỡ bế tắc bằng con đường ngoại giao, thỏa hiệp là hết sức khó khăn đối với một vấn đề phức tạp như hạt nhân Triều Tiên, nhưng đây là lối thoát hẹp duy nhất.
Theo Stephen Noerper, cựu nhân viên cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ, biện pháp thực sự hiệu quả là tái khởi động các kênh liên lạc và đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng, đồng thời mỗi bên cần có sự nhượng bộ nhất định. Mỹ có thể phải công nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân, ít nhất trong ngắn hạn, trong khi Triều Tiên phải dừng thử tên lửa.
Giải quyết khủng hoảng hạt nhân còn đặc biệt cần tới sự bình tĩnh, sáng suốt của nhà lãnh đạo. Giới chuyên gia và những người chỉ trích cho rằng những lời đe dọa nóng vội, khoa trương của Tổng thống Trump không giúp gì, thậm chí làm xấu thêm tình hình trên báo đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, những người ủng hộ Tổng thống Trump cho rằng ngôn từ đao to búa lớn của ông với Bình Nhưỡng trong thời gian qua là phương tiện để đạt được giải pháp ngoại giao. Ông chủ Nhà Trắng dường như muốn tạo ra sức ép đủ lớn để buộc ông Kim ngồi vào bàn đàm phán trước khi Bình Nhưỡng hoàn thiện tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công Mỹ.
Scott Snyder cho rằng một chính trị gia ngoại đạo như Tổng thống Trump có thể mang lại hy vọng cho sự bế tắc kéo dài hàng thập kỷ trên bán đảo Triều Tiên.
Theo Snyder, trong khi những người tiền nhiệm từ chối liên hệ trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Trump từng gợi ý về một cuộc gặp tay đôi và cùng “ăn bánh Hamburger” với Kim Jong Un nếu tình thế cho phép.
Chuyên gia này cho rằng sự bốc đồng và thiếu kinh nghiệm ngoại giao của tổng thống Mỹ có thể dẫn tới cơn ác mộng chiến tranh, bởi "ông ấy không bị bó buộc bởi những nguyên tắc thông thường vốn ưu tiên thỏa hiệp hơn là sử dụng biện pháp quân sự".
Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng có thể mang đến hy vọng hòa bình. “Khả năng ông Kim đạt được thỏa thuận với một tổng thống ít khuôn phép như Trump cao hơn so với những chính trị gia lọc lõi trong chính sách ngoại giao hạt nhân với Triều Tiên", Snyder nhận định.
Trước thông tin Triều Tiên hoãn phóng tên lửa về phía Guam, lãnh thổ hải ngoại có vai trò then chốt cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương, Tổng thống Trump ngày 16/8 đã dành lời khen ngợi cho lãnh đạo Kim Jong Un.
"Kim Jong Un và Triều Tiên đã có một quyết định thông minh và hợp lý. Nếu không, kết quả sẽ là thảm họa và là điều không thể chấp nhận", ông Trump viết trên Twitter.
Sự "đổi giọng" nhanh chóng trong phát ngôn của tổng thống Mỹ cho thấy ông một mặt cứng rắn, mặt khác khá linh hoạt trong hành xử với Bình Nhưỡng.
“Nếu ông Kim phản ứng tích cực, biết đâu đấy họ lại trở thành bạn thân”, chuyên gia Snyder phán đoán. “Đối với Triều Tiên, ông Trump có thể là cơn ác mộng kinh khủng nhất hoặc là cơ hội tốt nhất".