Sau quãng thời gian gần 3 tuần mắc kẹt trong hang ngập nước với điều kiện sống khắc nghiệt, 13 thành viên đội bóng cần được chăm sóc đặc biệt để có thể ăn uống và sinh hoạt như bình thường.
"Dựa trên thể trạng của các cậu bé, bác sĩ Thái Lan sẽ sớm vạch ra tiến trình giúp các em hồi phục", tiến sĩ Sanjay Gupta, phóng viên mảng y tế của CNN, nhận định.
Các bác sĩ tại bệnh viện tỉnh Chiang Rai lo lắng theo dõi cuộc họp báo về tình hình sức khỏe của các nạn nhân được giải cứu sáng 10/7. Ảnh: AP. |
Tình trạng sức khỏe không quá nghiêm trọng
Theo thông tin từ cuộc họp báo tại bệnh viện ở Chiang Rai sáng 10/7, các cậu bé được cứu từ hang trong 2 đợt đầu đã được kiểm tra máu, phổi và tiêm vaccine phòng dại. Thân nhiệt của các em đều thấp nhưng hiện được giữ ấm. Hai phim chụp tia X cho thấy dấu hiệu của nhiễm trùng phổi, một cậu bé có các vết xước ở chân phải, nhưng tổng thể tất cả 8 em khỏe mạnh và an toàn.
Tất cả 13 nạn nhân mắc kẹt trong hang động Tham Luang dự kiến được điều trị tại bệnh viện trong hơn 7 ngày do hệ miễn dịch suy yếu.
Ông Jedsada Chokedamrongsook, thư ký thường trực của Bộ Y tế Thái Lan, cho biết nhóm đầu tiên được giải cứu hôm 8/7 không gặp vấn đề gì nghiêm trọng về sức khỏe và đã được gặp gỡ người thân trong khu vực cách ly của bệnh viện.
Hai xe cứu thương chở cầu thủ thứ 6 và thứ 7 được giải cứu đến bệnh viện. Ảnh: Getty. |
Các em trong đợt một thuộc lứa cầu thủ "đàn anh" của nhóm, từ 14 - 16 tuổi. Đây là nhóm có thể trạng tốt nhất trong 13 người bị mắc kẹt.
Ông Jedsada cũng cho biết gia đình đã được nhìn thấy các em qua cửa kính và nói chuyện qua điện thoại.
Những cầu thủ nhí có thể trạng yếu hơn đã được giải cứu vào đợt thứ 2 của chiến dịch ngày 9/7. Một em có nhịp tim chậm nhưng phản ứng tốt với điều trị.
Giới chức y tế Thái Lan thông báo các cậu bé hiện đều khỏe mạnh, không sốt, ổn định, và rất lạc quan. Các em được cho ăn thức ăn mềm và cháo, chưa được thưởng thức những món đã yêu cầu như cơm gà cay với rau húng quế và bánh mì chocolate.
Tất cả những cậu bé được giải cứu đều không gặp vấn đề gì với thị lực. Tuy nhiên, trong phòng bệnh, các bác sĩ cho các em đeo kính râm để đề phòng tiếp xúc với ánh sáng mạnh. Các cậu bé cũng không được phép xem TV để tránh bị ảnh hưởng tâm lý.
Tại sao cần cách ly?
Tiến sĩ Gupta nhận định các cầu thủ nhí phải được cách ly nhằm bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ nhiễm trùng.
"Với hệ miễn dịch suy yếu, một mầm bệnh nhỏ cũng trở nên nguy hiểm với họ. Điều đó lý giải tại sao bác sĩ chưa cho người nhà tiếp xúc vật lý với các em. Mọi thứ đều là mối đe dọa tiềm năng", ông nói.
Các cậu bé ngồi xích lại gần nhau để giữ ấm khi còn mắc kẹt trong hang. Ảnh: Facebook Hải quân Hoàng gia Thái Lan. |
Ngoài việc phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng mới, tiến sĩ Gupta cho biết các bác sĩ Thái sẽ kiểm tra dấu hiệu của một số bệnh nhiễm trùng do các vi khuẩn trong hang động gây ra như nấm phổi hoặc "bệnh hang động".
"Bệnh hang động" bắt nguồn từ phân dơi ở trong hang và có thể dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Cơ thể của dơi chứa đựng nhiều virus nguy hiểm. "Đây là một căn bệnh nguy hiểm thật sự", tiến sĩ Gupta nhấn mạnh.
Bác sĩ cũng lo ngại các em có thể mắc hội chứng tái dưỡng, một chứng bệnh rối loạn chuyển hóa xảy ra ở những người nhịn đói hoặc suy dưỡng khi được nuôi dưỡng trở lại. Ngoài ra, theo chuyên gia, các cậu bé có thể gặp phải chấn thương tâm lý như mất ngủ và trầm cảm do phải sống trong bóng tối nhiều ngày.