Morecambe chính xác là đội bóng chuyên nghiệp nghèo nhất xứ sương mù. Họ là đội bóng có ngân sách và quy mô khiêm tốn nhất trong hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp của bóng đá Anh (English Football League - EFL). CLB chơi tại League Two (tương đương cấp độ hạng 4) đang nỗ lực vượt qua cơn hấp hối hiện tại.
Morecambe có ngân sách hoạt động 3,7 triệu USD, là đội bóng chuyên nghiệp nghèo nhất Anh. Ảnh: Getty. |
Sống mòn
Sân Globo Arena có sức chứa hơn 6.000 chỗ ngồi, nhưng từ vài tuần nay, câu lạc bộ chủ quản đã không thể sử dụng nó cho bất kỳ hoạt động nào.
Những hoạt động mà Morecambe muốn tổ chức không chỉ đơn giản là các trận đấu bóng đá tại League Two hay FA Cup. Giống như nhiều CLB hạng thấp khác của bóng đá Anh, Morecambe sống và tồn tại được nhờ những sự kiện ngoài lề.
Morecambe dùng sân nhà của mình để tổ chức những hoạt động ngoài trời khác cho các cư dân sinh sống trong vùng. Janet Preston, một người phụ nữ đã làm công việc tổ chức sự kiện thể thao từ năm 17 tuổi, là sợi dây liên kết giữa Morecambe và cư dân sống xung quanh khu vực đó.
Janet Preston tổ chức từ những buổi ngoại khóa bóng đá cho người trẻ đến trò chơi domino, các buổi cà phê cho người cô đơn, dã ngoại người già hay thậm chí là vài buổi hội thảo chống tệ nạn xã hội. Cô được trả lương để làm điều đó, và giúp Morecambe có thêm thu nhập ngoài bóng đá.
Giờ thì mọi thứ đã bị tạm dừng. Những nguồn thu ngoài bóng đá đã là danh mục quan trọng trong các bản báo cáo tài chính hàng năm của Morecambe. Với 3,7 triệu USD ngân sách hoạt động, CLB này là đội bóng nghèo nhất trong hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp của bóng đá Anh.
Graham Howse, một kế toán địa phương sở hữu cổ phần ở CLB tin rằng Morecambe có thể vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài, ông không dám chắc.
Ban tổ chức EFL đã hứa hẹn về một khoản trợ cấp lên tới 61 triệu USD cho các CLB trong thời gian khủng hoảng. Nhưng Howse cho biết số tiền này chẳng có gì mới mẻ.
Đây chính là số tiền mà người ta hứa sẽ trao cho các đội bóng khi mùa giải kết thúc. Giờ thì họ cho ứng trước mà thôi. Số tiền mà Morecambe có thể được nhận là hơn 200.000 USD.
Trong khi đó, gần như tất cả các khoản thu khác của CLB đã bị cạn kiệt. Với những đội bóng thuộc các hạng đấu cấp thấp của anh, tài chính của họ phụ thuộc vào các nguồn thu từ bán vé, kinh doanh thức ăn, đồ uống hay bán đồ lưu niệm trong ngày diễn ra trận đấu.
Đó còn là các khoản thu đến từ việc cho thuê sân bãi, biển quảng cáo. Morecambe thậm chí còn nghĩa ra một hình thức kinh doanh kiểu mới như phát hành xổ số.
Dạo một vòng quanh sân Globe Arena, người ta có thể thấy hàng tá các biển quảng cáo từ những doanh nghiệp địa phương, với giá khởi điểm 360 USD mỗi mùa.
Sân Globe Arena thường được trưng dụng để tổ chức các sự kiện nhằm giúp đội bóng kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Getty. |
Trong cơn tuyệt vọng, Giám đốc Thương mại của Morecambe, Martin Thomas xé toạc vài tấm biển quảng cáo. Không muốn bị hiểu lầm, Thomas giải thích rằng các doanh nghiệp địa phương này chính là những người khiến ông lo lắng nhất.
"Tôi đã quen biết họ trong nhiều năm. Tôi biết vợ con của họ. Sau đợt khủng hoảng này, bao nhiêu doanh nghiệp trong số họ sẽ còn tồn tại?", ông nói.
Nếu Morecambe có thể sống sót qua cuộc khủng hoảng này, họ cũng sẽ rơi vào một cơn hấp hối khác. Các doanh nghiệp sẽ cắt giảm quảng cáo, doanh thu từ việc cho thuê sân bãi sẽ bốc hơi.
Morecambe hy vọng có thể thu được 120.000 USD từ việc tổ chức một buổi hòa nhạc vào tháng 6. CLB không muốn thông báo rằng sự kiện sẽ bị hủy, nhưng họ thừa biết điều gì sẽ xảy ra.
Mất một số tiền lớn như thế không khác gì thảm họa tài chính với Morecambe. CLB này giờ chỉ còn 6 nhân viên đang làm việc và đã nộp đơn xin trợ cấp lên chính phủ Anh.
Thomas và Howse tin rằng Morecambe sẽ sống sau khi cuộc khủng hoảng qua đi. Tuy nhiên, những nhà làm bóng đá Anh khác không lạc quan được như thế.
Giám đốc Thương mại của Morecambe, Martin Thomas sợ những nhà tài trợ lâu năm của họ sẽ bị phá sản sau đợt dịch. Ảnh: Getty. |
Viễn cảnh xấu nhất
Hôm 7/4, Chủ tịch FA Greg Clarke lần đầu tiên đưa ra viễn cảnh bóng đá Anh có thể mất đi rất nhiều CLB nhỏ, hoặc thậm chí là các giải đấu nếu tình hình không khá lên.
"Rất nhiều cộng đồng có thể chứng kiến đội bóng thân yêu của họ bị xóa sổ mà không có cơ hội trở lại", Greg Clarke nói trên BBC. "Nếu chúng ta nhìn vào những giải đấu hạng thấp hơn, mọi chuyện đang rất tồi tệ".
Ngay cả trước khi dịch bệnh diễn ra, tình hình tài chính của các CLB hạng thấp ở Anh đã là vấn đề gây nhức nhối. Tháng 8/2019, một trong những CLB lâu đời nhất nước Anh với 134 năm lịch sử, Bury, bị xóa sổ khỏi hệ thống các giải vô địch nước Anh.
CLB khi đó đang chơi tại League One không có tiền trả lương cho cầu thủ cùng các nhân viên đội bóng trong thời gian dài và có cả những khoản nợ bên ngoài. Sau Bury, đến lượt một đội nổi tiếng khác là Bolton Wanderers may mắn "thoát" khỏi bờ vực phá sản sau khi được một tập đoàn mua lại.
Đó là lý do những nhà làm bóng đá ở Anh muốn đưa các trận đấu trở lại sớm nhất có thể. Tuy nhiên, ngay cả khi các trận đấu diễn ra mà không có khán giả, số phận của những CLB như Morecambe vẫn rất mong manh.
"Số tiền vé thu được không thấm vào đâu so với doanh thu của các đội Premier League. Nhưng ở League One và League Two (hai giải đấu hạng 2 và 3) nguồn thu từ vé chiếm tới 1/3 doanh thu", chuyên gia tài chính Maguire phân tích trên Sky Sports.
"Để trả tiền lương cho các cầu thủ, các CLB hạng dưới vừa bán vé, vừa kiếm thêm lợi nhuận khi các CĐV này vào sân mua quà lưu niệm, ăn uống hay giải trí", Maguire phân tích. "Nếu không có CĐV vào sân, rất nhiều CLB sẽ gặp nguy. Đó thật sự sẽ là một thảm họa, một thảm họa đau đớn".
Đây có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, bóng đá xứ sương mù đứng trước thử thách lớn như vậy.