Tuyển thơ Đợi anh về gồm 180 tác phẩm của 24 nhà thơ thuộc nền thơ Chiến tranh Vệ quốc. Tuyển thơ do hai dịch giả Nguyễn Huy Hoàng và Nguyên Văn Minh lựa chọn, dịch từ nguyên bản tiếng Nga.
Tuyển thơ Đợi anh về. Ảnh: Tần Tần |
Ngay trong Lời giới thiệu ở đầu sách, Tiến sĩ Trương Minh Tuấn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - đã khẳng định: “Tập thơ là một nhịp cầu văn hóa, góp phần củng cố tình hữu nghị hai nước Việt Nam - Liên bang Nga… Đây là lần đầu tiên, thơ ca chiến tranh Nga được giới thiệu một cách hệ thống và chọn lọc, giúp ạn đọc Việt Nam có một cái nhìn tổng thể về một mảng văn học đặc trưng và nổi tiếng, góp phần tôn vinh văn học Nga”.
Ông Ngô Tấn Đạt - Phó GĐ NXB Thông tin và Truyền thông - cho biết tập thơ ra mắt đúng dịp nhân dân Việt Nam long trọng tổ chức kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (1917-2017). Sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công, nhân dân Liên Xô trong vòng hai thập niên phải trải qua nhiều cam go, thử thách để bảo vệ thành quả. Nhưng không thử thách nào bằng cuộc chiến tranh giữ nước vỹ đại mà nhân dân Liên Xô phải tiến hành trong gần 5 năm (1941-1945) với phát xít Đức.
Hơn 27 triệu người con Liên Xô ngã xuống, cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Từ trong máu lửa cuộc chiến tranh, nhân dân Xô Viết làm nên cuộc chiến tranh giải phóng nước Nga và châu Âu. Tất cả những điều đó được ghi trong những tác phẩm văn học được gọi là “Văn học Chiến tranh Vệ quốc”.
Từ phải qua: Tham tán Công sứ Nga tại Việt Nam và Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Nga tại Hà Nội đang đọc sách Đợi anh về. Ảnh: Tần Tần |
Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng nói ông và dịch giả Nguyễn Văn Minh rất hạnh phúc khi được chuyển dịch các tác phẩm thơ của nền Văn học Chiến tranh Vệ quốc. Khi cuộc chiến xảy ra khốc liệt, hàng chục nghìn nhà văn, nhà thơ Nga đã tự nguyện ra mặt trận. Nhiều người không trở về, nhưng di sản của họ vẫn còn để lại cho mai sau.
Đây không phải lần đầu tiên thơ ca của Văn học Chiến tranh Vệ quốc được dịch tại VIệt Nam. Các tác phẩm đầy tính hiện thực và tinh thần nhân văn sâu sắc đã được biết tới ở Việt Nam từ lâu.
Trong trùng trùng điệp điệp tác phẩm về Liên Xô, cái khó của người dịch là chọn tác phẩm nào. Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng và dịch giả Nguyễn Văn Minh đã chọn những tác phẩm tiêu biểu của tác giả tiêu biểu trong nền thơ ca Chiến tranh Vệ quốc, chọn tác phẩm có sự tương đồng với người Việt. Sự lựa chọn ấy, các dịch giả nhận được sự giúp đỡ của Hội Nhà văn Nga, Hội hữu nghị Việt - Nga.
“Trên thế giới không nơi nào nhiều dịch giả tiếng Nga như ở Việt Nam. Thế hệ của những dịch giả tiếng Nga như Thúy Toàn, Đức Mẫn… đã cho độc giả thấy văn học Nga đồ sộ như thế nào. Tiếp bước những bậc đàn anh đó, chúng tôi là những người sống ở nước Nga, tiếp cận nước Nga, nên quá trình dịch có gì không hiểu, chúng tôi tìm hiểu qua người Nga, nhà văn Nga” - Tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng kể về quá trình dịch sách.
Tại lễ ra mắt sách, Trưởng ban đối ngoại Hội Nhà văn Nga bày tỏ lòng cảm ơn với sự nhiệt thành của giới văn học, dịch thuật, xuất bản khi dịch và phát hành tập thơ.
Ông cho biết những nhà thơ lớn thời Xô Viết đều là những nhà thơ hay nhất thế kỷ 20 của Nga. Việc đọc những bài thơ này có ý nghĩa lớn với nhận thức của bạn đọc trẻ Việt Nam. Vì trong sách thể hiện bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến anh hùng của người Xô Viết
“Đây là một cuốn sách tuyệt vời. Là kết quả lao động kiên trì của người dịch, sự phối hợp của hai hội hữu nghị giữa hai nước, Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam. Tôi coi ngày ra mắt sách này là ngày hội Nga -Việt trong lĩnh vực văn học” - Trưởng ban Đối ngoại Hội Nhà văn Nga nói.
Dịch giả, đại diện NXB Thông tin và Truyền thông, đại diện Hội Hữu nghị Việt - Nga nhận bằng khen từ đại diện Hội Nhà văn Nga. Ảnh: Tần Tần |
Nhận xét về công việc dịch thuật của cuốn sách, nhà thơ Bằng Việt cho rằng hai dịch giả đã rất dũng cảm khi thực hiện tập thơ này. Vì trong 24 tác giả được chọn dịch, có nhiều nhà thơ đã được dịch ở Việt Nam, với những bản dịch nổi tiếng như Đợi anh về của Ximonov qua bản dịch của Tố Hữu.
Tuy vậy, hai dịch giả Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Văn Minh gắn bó với nước Nga lâu năm, hiểu văn hóa Nga, đã bỏ nhiều tài năng, chất xám để có được tập thơ dịch bề thế.
Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam nhận định: “Đây là công trình tuyển chọn hết sức công phu, trách nhiệm. Chúng tôi đã dịch văn học Nga nhiều, nhưng chưa bao giờ dịch được đầy đủ, dầy dặn như vậy viết về Chiến tranh Vệ quốc”.