Bùi Giáng - Tuyển tập luận đề là tập hợp bốn luận đề văn chương tiêu biểu của Bùi Giáng từng ấn hành trước 1975, bao gồm: Thúy Vân, Tam Hợp Đạo Cô - Hai mệnh đề phụ của Nguyễn Du (Quế Sơn - Võ Tánh xuất bản, Sài Gòn, 1969); Một vài nhận xét về Truyện Kiều và Truyện Phan Trần (Tân Việt xuất bản, Sài Gòn, 1957); Một vài nhận xét về Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm, Quan Âm Thị Kính (Tân Việt xuất bản, Sài Gòn, 1957); Một vài nhận xét về Bà Huyện Thanh Quan (Tân Việt xuất bản, Sài Gòn, 1957).
Sách Bùi Giáng - Tuyển tập luận đề. Ảnh: Phanbook. |
Theo dõi những luận đề của Bùi Giáng trong tập sách, độc giả sẽ trải nghiệm một lối tiếp nhận mới đối với văn chương trung đại Việt Nam: Một phong cách phê bình văn học phóng khoáng và giàu tính nghệ sĩ.
Để cuốn sách đạt được sự nhất quán trong chủ đề, những bài phụ lục giảng luận nằm ngoài không gian danh tác Việt Nam đã được lược bớt trong quá trình biên tập.
Cách viết trong các bản in cũ gần như được giữ lại trọn vẹn, nhằm bảo toàn phong cách đặc trưng của tác giả - một lối viết “kiểu Bùi Giáng”, có phần “lệch chuẩn” nếu chiểu theo những quy tắc ngữ pháp, chính tả thông thường.
Trong lời đầu sách, nhà thơ Nhật Chiêu đánh giá tác phẩm cho thấy lối phê bình tuyệt kỹ của Bùi Giáng, nảy nở từ một tinh thần mới.
Nhà thơ Bùi Giáng. Ảnh: Báo Phụ Nữ. |
Bùi Giáng từng dạy trung học ở trường Tân Thanh, Đông Tây học đường... Ông viết nhiều luận đề về các tác giả cổ điển Việt Nam như Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà và về các tác phẩm như Truyện Phan Trần, Lục Vân Tiên, Truyện Kiều... Đối tượng hướng đến của các sách này chủ yếu là học sinh.
Nhà phê bình Nhật Chiêu nhận định: “Bình về tác giả nào, tác phẩm nào Bùi Giáng đều có cái nhìn độc đáo và những phát hiện phát sáng đáng tâm phục”.
Ở Bà Huyện Thanh Quan, đó là “hình ảnh tượng trưng” và “đôi mắt của tâm tư”. Ở Lục Vân Tiên, đó là “tâm tình của đạo lý”. Nhưng trên tất cả, những gì Bùi Giáng cảm nhận về Kiều là những thổ lộ thâm trầm, tinh anh nhất.
Bùi Giáng (1926-1998) là nhà thơ, dịch giả nổi tiếng và có ảnh hưởng từ nửa cuối thập niên 1950. Ông đã tự tạo ra một trường phái thơ ca, một phong cách dịch thuật, giảng bình văn học, tiểu luận tư tưởng độc đáo.
Kho tàng Bùi Giáng ghi nhận nhiều tập thơ, dịch phẩm, tiểu luận văn học và triết học có giá trị.