Trừ Trọng Hoàng bị chấn thương không có tên trong danh sách đăng ký thi đấu của ĐTVN, 21/22 cầu thủ được gọi tập trung đều được HLV Miura tung vào sân trong trận giao hữu với CLB Man City.
Nhưng trong khi những cầu thủ dự bị cho hàng tấn công như Phi Sơn, Hồng Quân hay Quang Hải… lần lượt được vào thay người khá sớm, Công Phượng chỉ có khoảng 5 phút xuất hiện trên sân, bao gồm 2 phút trong thời gian thi đấu chính thức và 3 phút bù giờ.
Công Phượng vào sân thay Công Vinh ở phút 88. Ảnh: Anh Tuấn |
Độc giả Nguyễn Sinh viết: “Không biết HLV Miura tung Công Phượng vào sân ở phút 88 làm gì? Chắc chỉ để chạm bóng! Biết rằng những người đóng góp nhiều cho đội tuyển mới được ra sân đá chính, nhưng với tính chất của trận giao hữu thì nên cho những cầu thủ trẻ có cơ hội được thể hiện. Phi Sơn, Mạc Hồng Quân được vào sớm, tại sao lại đối xử với Công Phượng như vậy?”.
Còn độc giả Yêu Bóng Đá chia sẻ cảm giác buồn khi thấy Công Phượng được tung vào sân ở phút 88 và đặt câu hỏi cách sử dụng nhân sự của HLV Miura có thật sự công bằng: "Thiết nghĩ, chỉ là một trận giao hữu, học hỏi thì mọi cầu thủ nên được trao cơ hội như nhau".
“Tôi ngồi trên khán đài thấy thương cho Công Phượng. Đứng ngoài đường pitch khởi động trông ngóng, chắc mong được vào sân lắm. Trợ lý HLV chạy ra vẫy tay, Công Phượng hết chạy vào lại chạy ra 2, 3 lần”,độc giả Nguyễn Tùng Lâm cảm thán.
Cùng chung suy nghĩ, độc giả Hứa Hoàng Thành bức xúc: “Gọi Công Phượng lên tuyển chẳng qua chỉ để phục vụ cho mục tiêu bán vé. Các bạn có để ý khi Công Phượng bước ra khởi động, hàng nghìn khán giả hò reo và hô vang tên cậu ta. Chỉ là một trận giao hữu, sử dụng Công Phượng như vậy liệu có thể hiện sự tôn trọng dành cho cậu ta và sự mong mỏi của khán giả”.
“Nếu biết trước việc Công Phượng được tung vào sân ở phút 88, tôi sẽ không bỏ tiền mua vé xem trận giao hữu ĐTVN - Man City. Đặt vào địa vị Công Phượng, tôi sẽ viện lý do… đau bụng để không vào sân thi đấu. Chỉ là một trận giao hữu, tại sao lại phải gây ức chế cho chính cầu thủ và các CĐV như vậy?”.
“Trận trước đá với Arsenal, ĐTVN thay luôn cả đội hình khi bước vào hiệp 2. Thật khó hiểu vơi sự sân si, tính toán của HLV Miura ngay cả trong một trận giao hữu. Cách làm của ông dường như đang triệt tiêu các tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam”, độc giả Đức Ketu nhấn mạnh.
Công Phượng không có nhiều cơ hội thể hiện trong 5 phút có mặt trên sân (tính cả thời gian bù giờ). Ảnh: Anh Tuấn |
Vai trò của HLV Miura là chủ đề cũng được nhiều người hâm mộ (NHM) chất vấn. Độc giả Nguyễn Hải Hậu phân tích: “Chuyện thắng bại hay tỷ số bao nhiêu không quan trọng, nhưng ĐTVN phải chơi thế nào cho xứng đáng với đồng tiền khán giả bỏ ra để đi xem. Vẫn biết Man City ở đẳng cấp quá xa so với chúng ta, nhưng đội bóng của HLV Miura đá đúng như quân xanh để tôn thêm hình ảnh của họ”.
Độc giả Quốc Hùng thẳng thắn phê phán: “Đá như vậy sao gọi được là thành công? Xem cả trận không biết đội bóng của chúng ta đá cái gì, không đường nét, không chiến thuật… Khi hàng công bế tắc, những cầu thủ có khả năng tạo đột biến như Công Phượng lại không được tung vào sân. Sắp tới gặp lại Thái lan, HLV Miura dùng lối chơi chém đinh, chặt sắt như trận lượt đi thì xấu hổ lắm”.
Sau khi trận giao hữu ĐTVN - Man City kết thúc, tâm trạng chung của NHM là cảm giác không được thỏa mãn hoặc thất vọng về đội bóng của HLV Miura. Không khó để cảm nhận điều này thông qua những bàn luận sôi nổi của các CĐV trên nhiều diễn đàn.