Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Độc đáo cuộc 'đi săn' của ông lão trong rừng U Minh Hạ

Bơi xuồng len lỏi trong con kênh ở rừng U Minh Hạ, ông Lê Văn Đáng, quê huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), đặt 50 cái trúm lươn, hôm sau đổ được gần 4 kg, thu nhập 1 triệu đồng.

16h, ông Lê Văn Đáng (78 tuổi) mang 50 ống trúm xuống xuồng ba lá rồi bơi len lỏi vào những con kênh trong rừng U Minh Hạ, chọn những đám cỏ năng, cỏ lác để đặt lươn. Trong lúc đặt trúm, ông Đáng còn tranh thủ đặt thêm lờ kiếm cá, rắn.

“Người ta đặt trúm thường trọn đám sậy cũ hoặc cỏ năng vì nơi đó lươn sống nhiều. Khi đặt trúm phải nhìn hướng gió; vùng nước và xác định nơi nào có nhiều hay ít lươn. Khi đặt, ống trúm phải có độ dốc vừa phải. Miệng trúm ngập xuống nước từ 10-25 cm và đuôi trúm phải nằm trên mặt nước để lươn “chạy” vào không bị chết ngợp.

rung U Minh Ha anh 1

Mỗi buổi chiều, ông Đáng lại bơi xuồng đi đặt trúm lươn, lờ cá.

Đặc biệt, người đặt trúm phải biết cách dọn luồng cho con lươn vào và biết cách phủ cỏ “ngụy trang” che kín miệng trúm tạo môi trường tự nhiên, để con lươn dạn chui vào”, ông Đáng tiết lộ.

Lão nông có hơn 30 năm trong nghề đặt trúm tại vùng U Minh Hạ nói thêm, nghề đặt trúm bắt lươn đồng được hình thành rất sớm ở miền Tây nói chung và Cà Mau nói riêng.

Người ta chọn những cây tre già, thẳng, dài và dao lóng (thưa mắt) để làm ống trúm. Đoạn tre dùng để làm trúm dài 1 m, được thụt mắt cho thông ống, chỉ chừa mắt cuối ở phần đuôi.

rung U Minh Ha anh 2

Mồi đặt lươn được gói lại rất kỹ.

rung U Minh Ha anh 3

Phần đuôi trúm có lỗ thông hơi, khi lươn vào có không khí để thở. Riêng miệng trúm có một cái hom như hom lọp đặt cá. Hom trúm được làm bằng nan tre già, vót mỏng, đan bằng dây trúc. Hom trúm càng bóng láng thì “độ nhạy” lươn vào càng nhiều.

“Đặt trúm có “chạy” nhiều lươn hay không cũng tùy thuộc rất nhiều vào hom. Người ta có câu “cá chết vì lưới, lươn chết vì mồi”, bởi vậy mồi phải hấp dẫn thì mới dụ được lươn, nhất là những con lươn lớn. Ngoài ra, mỗi người có “bài thuốc” đặt trúm lươn riêng, nhưng hầu như ai cũng dùng cá chết nghiền nhuyễn tạo mùi tanh…”, ông Đáng chia sẻ.

rung U Minh Ha anh 4

Những con lươn vàng óng, béo tròn mà ông Đáng đặt trúm dính.

"Ngày trước ở rừng U Minh Hạ lươn nhiều dữ lắm. Đặt một buổi dính hơn 10 kg mà không cần thuốc gì cả, chỉ cần cá sặc nấu vừa chín rồi gói lại là được”, ông Đáng nói thêm.

Trúm thường được đặt vào chiều hôm trước, đến sáng hôm sau thì “dỡ” về. Đôi khi những ống trúm dính toàn lươn "khủng".

“Ở rừng U Minh Hạ nước ngọt quanh năm, lươn nhiều nên ống nào cũng dính. Có ống trúm dính tới 3-4 con. Những con lươn dính trúm thường là lươn to, bụng vàng, lưng đen và béo ngon”, ông Đáng chia sẻ.

Vừa cười, ông Đáng vừa nói thêm: "Hôm nay, “thất”, lươn ít chỉ dính được gần 4 kg. Mỗi kg lươn bán cho thương lái được 250.000-300.000 đồng, gom cả cũng được 1 triệu. Đặt trúm lươn khỏe hơn đi làm thuê”.

rung U Minh Ha anh 5

"Chiến lợi phẩm" ông Đáng đi săn trong rừng U Minh Hạ là con rắn ri cá.

Trong lúc mở trúm lươn, ông Đáng còn tranh thủ thăm lờ đặt cá. "Hôm nay, lờ "chạy" được mấy con cá lóc và con rắn ri cá", ông Đáng khoe.

Lươn đồng là đặc sản của miền Tây. Lươn có thể chế biến được nhiều món ăn ngon và rất bổ dưỡng như nấu lẩu, xào sả ớt, xào lăn, lươn om rau ngổ hoặc nấu canh chua.

Sách hay về Nam Bộ

Tản mạn kiến trúc Nam Bộ mang đến cái nhìn đầy đủ, toàn diện về lịch sử kiến trúc dân dụng miền Nam từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20. Đặc biệt, trên chặng đường khám phá kiến trúc, độc giả còn được tiếp cận với những câu chuyện về lịch sử xây dựng, về tập quán, văn hóa của địa phương, và về cả những ước mơ, khát vọng, phong cách của gia chủ trên từng đường nét của ngôi nhà.

Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu Giang - nhiều câu chuyện kể cụ thể, tự nhiên về lối sống và tính cách của bà con miền Tây được ghi lại chân thực, mộc mạc. Sách không chỉ gợi lên cảm giác thân thương nơi những người con vùng sông Hậu, mà còn khiến người đọc nói chung cảm thấy ấm lòng và mát dạ biết bao khi được nghe câu nói quen thuộc “bà con chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau”.

Người miền Tây xuyên đêm trở lại TP.HCM sau Tết

Dòng người miền Tây trở lại TP.HCM làm việc đông đúc trên quốc lộ 1, thuộc tỉnh Vĩnh Long. Nhiều người mệt mỏi dừng chân ven đường ăn uống, ngủ gật.

https://vietnamnet.vn/doc-dao-cuoc-di-san-cua-ong-lao-trong-rung-u-minh-ha-2102600.html

Theo Hoài Thanh/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm