Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh thu phí bảo hiểm vượt mốc 150.000 tỷ đồng

Bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, thị trường bảo hiểm vẫn tăng trưởng tốt trong 3 quý đầu năm và đạt mức doanh thu phí cao kỷ lục.

Đây là thông tin được ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm (thuộc Bộ Tài chính) chia sẻ khi trao đổi về hoạt động của các doanh nghiệp ngành bảo hiểm từ đầu năm đến nay.

Cụ thể, theo cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hiện trên thị trường có khoảng 2.894 sản phẩm bảo hiểm, thuộc 73 doanh nghiệp bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Đến nay, thị trường bảo hiểm đã và đang bảo vệ cho hầu hết loại hình tài sản của mọi thành phần kinh tế từ Nhà nước, tư nhân đến đầu tư nước ngoài. Trong giai đoạn 2000-2020, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường và chi trả quyền lợi bảo hiểm lên đến 340.000 tỷ đồng.

Doanh thu phí cao kỷ lục

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành phần, tuy nhiên, lĩnh vực bảo hiểm vẫn ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm nay, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 650.165 tỷ đồng, vẫn tăng gần 21% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhóm doanh nghiệp bảo hiểm phi nhận thọ chiếm khoảng 102.222 tỷ và bảo hiểm nhân thọ đạt 547.943 tỷ đồng.

Cũng trong giai đoạn này, nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp ước đạt 535.867 tỷ, cao hơn 23% so với cùng kỳ. Số đầu tư trở lại nền kinh tế của nhóm bảo hiểm phi nhân thọ là gần 54.200 tỷ và nhóm bảo hiểm nhân thọ là gần 481.700 tỷ đồng.

Ngoài ra, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đến cuối tháng 9 ước đạt 423.821 tỷ và vốn chủ sở hữu các doanh nghiệp đạt 152.755 tỷ đồng, tăng lần lượt 22% và 37% so với cùng kỳ năm 2020.

DOANH THU PHÍ BẢO HIỂM 9T ĐẦU HÀNG NĂM
Nguồn: Cục quản lý, giảm sát bảo hiểm; Tổng hợp
Nhãn2015201620172018201920202021
Doanh thu phí bảo hiểm tỷ đồng 52950651297685293760113237130883151993

Các chỉ số kể trên cho thấy quy mô của nhóm doanh nghiệp ngành bảo hiểm vẫn tăng trưởng tích cực trong bối cảnh nhiều nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng bởi dịch.

Đáng chú ý, trong 3 quý đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm đã đạt 151.993 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020 và là mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong số này, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ chiếm gần 29%, tương đương 43.890 tỷ đồng và 71% còn lại, tương đương 108.103 tỷ là doanh thu phí nhóm bảo hiểm nhân thọ.

Cũng trong 3 quý gần nhất, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm của các doanh nghiệp là 37.977 tỷ đồng, cao hơn gần 12% so với cùng kỳ. Số này bao gồm 14.568 tỷ chi trả từ nhóm doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 23.409 tỷ của nhóm bảo hiểm nhân thọ.

Tương tự, tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm cùng giai đoạn ước đạt 8.877 tỷ đồng, tăng 8%. Phí bảo hiểm gốc thu xếp qua môi giới là 5.922 tỷ, tăng 12%; phí tái bảo hiểm thu xếp qua môi giới là 2.955 tỷ đồng, tăng 2%.

Sửa Luật để bảo vệ quyền lợi của người dân

Dù thị trường bảo hiểm trong nước đã phát triển tốt trong 2 thập niên gần đây, ông Ngô Việt Trung cho biết hiện Luật kinh doanh bảo hiểm đã bộc lộ một số bất cập.

Trong nhiều trường hợp, Luật kinh doanh bảo hiểm không thống nhất, đồng bộ với các quy định tại các Luật hiện hành; còn tình trạng thông tin chưa được minh bạch, chưa có yêu cầu bắt buộc về quản trị rủi ro, các đại lý môi giới bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ thông tin về sản phẩm dẫn đến việc thanh toán bảo hiểm gây khó khăn cho người dân.

Vì vậy, Quốc hội đã đưa dự án Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi vào chương trình xây dựng Luật trong giai đoạn 2021-2022.

Doanh thu phi bao hiem vuot moc 150.000 ty dong sau 9 thang anh 1

Dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm mới sẽ tăng trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc tư vấn kỹ các điều khoản trong hợp đồng ký kết với khách hàng. Ảnh: Nam Khánh.

Mới đây, Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật hồ sơ Dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với nhiều quy định mới theo hướng bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm và khắc phục những bất cập hiện nay.

“Đó là những quy định không thống nhất với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật dân sự, hoặc một số quy định chưa theo kịp quốc tế như quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, và chưa quy định chặt chẽ về minh bạch hoá các thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm cũng như khách hàng”, Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết.

Theo ông Trung, lần sửa đổi này đối tượng áp dụng sẽ mở rộng hơn so với luật cũ, nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm cũng được sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Đáng chú ý, một trong những điểm mới tại dự thảo Luật là yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung này khi giao kết hợp đồng.

Luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành không có quy định về việc này, nhất là các điều khoản loại trừ (khiến cho khách hàng không được bồi thường khi xảy ra sự kiện).

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp chỉ cung cấp các điều khoản loại trừ sau khi đã phát hành hợp đồng cho khách hàng, nhiều khách hàng chủ quan không đọc kỹ hợp đồng và các điều khoản loại trừ nên khi xảy ra sự kiện đã không được bồi thường, từ đó gây mất niềm tin cho khách hàng khi tham gia bảo hiểm.

Bên cạnh đó, do tính chất của hợp đồng bảo hiểm là do một bên soạn thảo nên trên thực tế đã phát sinh nhiều vụ tranh chấp khi doanh nghiệp từ chối bồi thường và khách hàng cho rằng mình không được tư vấn để hiểu rõ về điều khoản loại trừ.

Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết thêm theo thông lệ quốc tế, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải có thư lưu ý khách hàng về các nội dung quan trọng trong hợp đồng (bao gồm cả điều khoản loại trừ). Vì vậy, dự thảo Luật mới quy định rõ về trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc giải thích đó với khách hàng.

Ngoài ra, bên mua bảo hiểm cũng phải có nghĩa vụ kê khai đầy đủ, chính xác mọi thông tin liên quan đến hợp theo quy định của Luật mới để tránh xảy ra tranh chấp khi có sự kiện bảo hiểm.

CEO Prudential Việt Nam: ‘Không ai bị bỏ lại phía sau’

Ông Phương Tiến Minh, CEO Prudential Việt Nam, cho rằng thời điểm này, ưu tiên quan trọng nhất của bảo hiểm chính là con người và cộng đồng.

Ngành bảo hiểm tăng trưởng 2 con số

Trong bối cảnh các ngành nghề khác chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, bảo hiểm là một trong số ít ngành vẫn duy trì được tăng trưởng 2 chữ số từ đầu năm đến nay.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm