Số liệu trong báo cáo của Q&Me được tính toán dựa trên doanh thu năm, số lượng cửa hàng tính đến tháng 6.
Theo đó, Bách Hóa Xanh, WinMart và WinMart+ là 3 cái tên nổi bật ở nhóm ngành bán lẻ thực phẩm.
Bách Hóa Xanh đạt doanh thu năm 2022 hơn 27.000 tỷ đồng và quy mô 1.728 chi nhánh. Như vậy, mỗi siêu thị Bách Hóa Xanh thu về khoảng 44,65 triệu đồng/ngày. Siêu thị nhỏ WinMart + mang về trung bình 18,8 triệu đồng/ngày/cửa hàng trong khi WinMart mang về hơn 209,1 triệu đồng/ngày, gấp 4,68 lần so với Bách Hóa Xanh.
Highlands Coffee và Phúc Long Coffee & Tea là 2 cái tên được Q&me chọn cho nhóm chuỗi cửa hàng đồ uống.
Doanh thu trên từng cửa hàng của chuỗi Phúc Long đang cao gấp 2 lần so với hơn đối thủ. Mỗi ngày, mỗi cửa hàng Phúc Long thu về 32,9 triệu đồng.
Đáng nói Highlands Coffee đang cho thấy sự áp đảo về quy mô, với 605 cửa hàng, gấp 4,5 lần so với Phúc Long.
Ở nhóm ngành bán lẻ dược phẩm, Long Châu hiện có 937 cửa hàng, trong khi con số này ở An Khang là 500. Doanh thu hàng ngày mỗi Long Châu và An Khang lần lượt là 28,2 triệu đồng và 9,4 triệu đồng.
Ở nhóm ngành bán lẻ điện tử - điện lạnh, FPT Retail và MWG là 2 ông lớn được Q&Me đưa lên bàn cân so sánh.
Doanh thu trung bình ngày của hai chuỗi FPT Shop và Thế Giới Di Động không chênh lệnh quá nhiều. Thế Giới Di Động đạt 79,9 triệu đồng/cửa hàng/ngày trong khi FPT Shop đạt hơn 72,8 triệu đồng/cửa hàng/ngày. Hiện chuỗi Thế Giới Di Động đang có 1.190 cửa hàng, trong khi đối thủ FPT Shop có 786 cửa hàng.
Ngoài ra, chuỗi Điện Máy Xanh cũng là trụ cột của MWG khi đóng góp doanh thu 84,6 triệu đồng/cửa hàng/ngày.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế