Kết quả kinh doanh và thông tin hoạt động của đường sách TP.HCM được công bố trong buổi sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2022. Buổi họp do công ty Đường sách TP.HCM tổ chức chiều 17/8 với hình thức online.
Theo đó, từ đầu năm tới nay, hoạt động kinh doanh tại đường sách TP.HCM tăng trưởng mạnh, gần như hồi phục hoàn toàn sau dịch. Bạn đọc đến đường sách tăng gấp 3 lần, không chỉ khách trong nước mà còn có nhiều du khách quốc tế.
Đường sách TP.HCM là điểm đến cho người yêu văn hóa. Ảnh: Chí Hùng. |
Những con số ấn tượng
Tổng doanh thu Đường Sách TP.HCM trong 6 tháng đầu năm đạt 20,7 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021 (15,5 tỷ đồng), đạt 93% so với năm 2019 - thời điểm trước khi dịch bùng phát (22,2 tỷ đồng). Riêng doanh thu sách thiếu nhi tăng tới 115% so với năm 2021.
Hầu hết đơn vị xuất bản, phát hành hoạt động tại đường sách TP.HCM đều tăng 30% doanh thu, cá biệt có 3 đơn vị tăng gấp đôi và chỉ 3 đơn vị có doanh thu giảm do gặp khó khăn trong việc sắp xếp nhân sự và thời gian phục vụ.
Tuy tăng trưởng tốt, doanh thu cao nhưng số bản sách bán ra của các đơn vị xuất bản, phát hành giảm tới 29% so với cùng kỳ năm 2021. Lý giải hiện tượng tỉ lệ nghịch này, ông Lê Hoàng - Giám đốc công ty Đường Sách TP.HCM - cho biết số bản sách bán ra giảm vì có các đơn vị đang dần thay đổi, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo thị hiếu bạn đọc; gắt gao hơn trong việc cho ra đời những đầu sách chất lượng, có hàm lượng nội dung và tính mỹ thuật cao. Điều này kéo giá sách tăng, doanh thu tốt, tuy nhiên số lượng sách bán ra lại giảm đi.
Bên cạnh đó, số tựa sách xuất bản mới cũng giảm 51% so với cùng kỳ. Theo Giám đốc công ty Đường sách TP.HCM, điều này không đáng ngại vì năm 2021 là năm gần như “án binh bất động” của các nhà xuất bản, hầu hết hoạt động tổ chức bản thảo tại các đơn vị đều trì trệ, gặp khó do đó không có sách mới ra vào năm 2022 là điều dễ hiểu.
Thêm vào đó, có một xu hướng mới hiện nay của các đơn vị đó là không đầu tư in, khai thác quá nhiều sách mới mà tập trung công tác phát hành những đầu sách cũ.
“Đây là hướng đi đúng của các nhà xuất bản và đơn vị phát hành bởi nếu nhìn lại cùng kỳ 5 năm trước (2014 -2019), số lượng đầu sách mới rơi vào khoảng 30%, trong khi tốc độ bán sách ra thị trường chỉ đạt 16%, tức đầu tư nhiều vào đầu sách mới mà bán không khả quan. Điều đó cho thấy sự chuyển dịch, thay đổi mới mẻ của các đơn vị”, ông Lê Hoàng nhận định.
Học sinh tham gia Hội sách thiếu nhi TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
Điểm mới tạo nên sức bật
Trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị tại đường sách đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, kích hoạt bán hàng sau dịch, đẩy mạnh các hội sách mini và truyền thông, đẩy mạnh thương mại điện tử, tổ chức nhiều hoạt động dành cho du khách… góp phần tạo nên sự tăng trưởng tích cực về doanh thu.
Bên cạnh đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, các sự kiện văn hóa cũng là một yếu tố giúp đường sách hồi phục nhanh chóng từ đầu năm tới nay.
Chỉ trong 6 tháng, đường sách TP.HCM đã tổ chức thành công 144 chương trình giao lưu tác phẩm tác giả, trưng bày, triển lãm và hoạt động trải nghiệm, trò chơi, tương tác... Các hoạt động sự kiện tăng 62% so với năm 2021, thu hút lượng bạn đọc đến với đường sách tăng 3 lần so với cùng kỳ.
Nhiều sự kiện như triển lãm sách hay dành cho con, danh mục sách hỗ trợ dạy và học… ngày càng được quan tâm, tham gia của cộng đồng từ giới xuất bản đến thầy cô giáo, các trường học, cơ sở giáo dục, cha mẹ học sinh…
Sân chơi kỹ năng, hoạt động tương tác, trải nghiệm ngày càng phong phú, đa dạng về loại hình hoạt động và đối tác tham gia. Các gian hàng ngày càng nhiều, hoạt động nhộn nhịp tạo nên sinh khí, năng lượng tươi mới cho đường sách vào những ngày cuối tuần.
“Điểm mới của các sự kiện ở chỗ nếu trước kia sự kiện tại đường sách chỉ diễn ra vào cuối tuần thì nay rải đều hầu như các ngày trong tuần. Nếu trước đây sự kiện thường do các đơn vị tại đường sách tổ chức hoặc có mối liên quan như các hội văn học nghệ thuật, cơ quan đoàn thanh niên… thì hiện tại sân chơi đường sách đã có sự tham gia của nhiều giới, nhiều đơn vị mới, tổ chức nhiều hoạt động đa dạng hơn như âm nhạc, triển lãm nhiếp ảnh, hội hoạ, phim ảnh, phục chế sách xưa…”, ông Lê Hoàng chia sẻ
Bên cạnh đó, doanh thu sách thiếu nhi tăng mạnh nhờ các sự kiện tọa đàm phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và gia đình không chỉ diễn ra tại đường sách.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, đường sách đón chào sự tham gia mới của 2 đơn vị mới là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và công ty TNHH Phan Lệ & Friends (Phan books). Đường sách có thêm các loại hình hoạt động mới như khu vực sách tiếng Anh dành cho bạn đọc, khu phục chế sách của công ty Văn hóa sách Con Mèo Nhỏ, máy bán sách tự động của công ty Văn hóa Sách Sài Gòn đã đưa vào hoạt động, tạo thêm sự tương tác, tăng tính tiện ích cho bạn đọc khi tham gia hoạt động sự kiện tại đường sách.
Trong phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm, công ty Đường sách TP.HCM chủ trương nhiều sự kiện, chú trọng các hoạt động phục vụ học sinh, thiếu nhi, đặc biệt chỉnh trang và đầu tư đúng mực hệ thống hạ tầng; nâng cao chất lượng xuất bản phẩm và sự kiện văn hóa.
Kết luận buổi sơ kết, ông Lê Hoàng nhấn mạnh trong 6 tháng đầu năm, đường sách TP.HCM đã có sự hồi phục và tăng trưởng tích cực, gần như là hoàn toàn so với trước dịch. Hồi phục nhanh, phát triển mạnh cũng có nghĩa là đông khách hơn, chật hơn, phức tạp hơn.
"Chúng ta cần làm sao để để dù đông những vẫn giữ được nét văn hoá, văn minh, không gian xanh sạch đẹp của đường sách”, đại diện công ty Đường sách TP.HCM nhắc nhở.