Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp ‘xù’ hợp đồng gạo dự trữ để đăng ký xuất cả nghìn tấn

Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết có 4 doanh nghiệp trúng thầu dự trữ quốc gia mặt hàng gạo không đến ký hợp đồng, nhưng lại đăng ký xuất khẩu hàng nghìn tấn gạo.

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Giám sát quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan), cho biết qua rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo ngày 12/4, Tổng cục Hải quan nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường.

Từ 0h ngày 12/4, đã có 39 doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo, số lượng hạn ngạch đạt 400.000 tấn. Tuy nhiên, trong danh sách này lại có những doanh nghiệp trúng thầu dự trữ quốc gia mặt hàng gạo (theo Tổng cục Dự trữ Quốc gia) nhưng không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia.

“Trên tờ khai đăng ký xuất khẩu, các doanh nghiệp này đăng ký lên tới hàng nghìn tấn gạo”, ông Tuấn nói.

DN ‘xu’ hop dong gao du tru quoc gia dang ky xuat khau nghin tan gao anh 1

Các doanh nghiệp đăng ký đủ hạn ngạch xuất khẩu gạo tháng 4 chỉ trong vòng ít giờ. Ảnh: Hoàng Hà.

Cụ thể, Tổng công ty Lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn gạo, hiện chưa ký hợp đồng nhưng lại đăng ký 8 tờ khai xuất khẩu với số lượng 7.200 tấn. Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn gạo, cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu, tổng khối lượng hơn 13.000 tấn.

Công ty CP Mỹ Tường và Công ty CP XNK Thuận Minh cũng nằm trong danh sách trúng thầu nhưng chưa ký hợp đồng với Cục Dự trữ Quốc gia khu vực. Tuy nhiên, hai doanh nghiệp này lại đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn.

“Các doanh nghiệp này chưa thực hiện quy định cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia. Cơ quan Hải quan cho rằng hiện tượng này làm phát sinh nguy cơ không đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo dự trữ quốc gia”, đại diện Cục giám sát quản lý hải quan cho biết.

Ông Tuấn thông tin hiện nay chưa có chế tài buộc doanh nghiệp ký hợp đồng đối với lượng gạo đã trúng thầu dự trữ quốc gia thì mới được xuất khẩu. Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương xem xét thay bằng phân bổ hạn ngạch tổng lượng hàng tháng, có thể đấu giá hạn ngạch như mặt hàng đường mà Bộ Công Thương đang thực hiện.

Việc đấu giá dựa trên nguyên tắc doanh nghiệp tham gia đấu giá đáp ứng điều kiện xuất khẩu theo quy định tại Nghị định 107. Ngoài ra, doanh nghiệp phải thực hiện hợp đồng cung ứng gạo cho dự trữ quốc gia và phải ký hợp đồng với một siêu thị liên kết để cam kết đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp trong 6 tháng trước.

Theo ông Tuấn, làm như vậy sẽ loại bỏ được tình trạng doanh nghiệp nào đăng ký tờ khai trước sẽ chiếm hết hạn ngạch của doanh nghiệp đăng ký sau.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng chỉ ra vừa qua, trong thời gian ngắn Công ty CP Tập đoàn Intimex đã đăng ký 102 tờ khai với khối lượng xuất khẩu 96.234 tấn gạo. Như vậy, những doanh nghiệp còn lại sẽ không còn hạn ngạch để đăng ký tờ khai.

Bên cạnh đó, cơ quan hải quan cũng kiến nghị Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành khi thay đổi chính sách cần thông báo cho cơ quan hải quan và doanh nghiệp trước một thời gian để chuẩn bị.

Tổng cục Hải quan dự kiến tổng hợp lại toàn bộ tình hình thực hiện xuất khẩu gạo vừa qua, báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành trong thời gian tới. Đồng thời, kiến nghị giải pháp để đảm bảo quản lý mặt hàng gạo xuất khẩu hiệu quả, chủ động hơn cho doanh nghiệp.

Tổng cục Hải quan nói gì khi mở đăng ký xuất khẩu gạo lúc nửa đêm?

Tổng cục Hải quan mở đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo từ 0h ngày 12/4 khiến nhiều doanh nghiệp không kịp đăng ký vì hết hạn ngạch, và cho rằng cách làm này thiếu minh bạch.

Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm