Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp xin lại về bộ cũ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nói gì?

Lãnh đạo Ủy ban cho biết một số doanh nghiệp chưa quen cách làm của cơ quan này. Nguyên tắc chung là phải đảm bảo hiệu quả, bảo toàn vốn khi quyết định dự án.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/3, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhận được câu hỏi về việc nhiều doanh nghiệp khó khăn khi chuyển về Ủy ban, thậm chí có doanh nghiệp xin về lại bộ chủ quản cũ.

“Chính phủ có giải pháp nào tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp này?”, câu hỏi nêu.

Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ tịch Ủy ban, giải thích trong 19 tập đoàn, tổng công ty chuyển về còn nhiều nhiệm vụ tồn đọng. Thậm chí, có dự án lớn, triển khai dở dang 10 năm, 20 năm và nảy sinh nhiều vấn đề. Việc chuyển giao về Ủy ban, cơ quan này nhận thấy còn nhiều dự án hồ sơ chưa đầy đủ.

uy ban quan ly von anh 1

Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: CMSC.

Bà Hà nhấn mạnh với mỗi dự án, cơ quan này yêu cầu triển khai theo đúng trình tự thủ tục, phê duyệt dự án phải tuân theo pháp luật chung và pháp luật chuyên ngành. Có những nhiệm vụ liên quan đến phê duyệt dự án, có thẩm quyền quyết định là của Thủ tướng, có thẩm quyền của địa phương, hoặc thẩm quyền của cơ quan chủ sở hữu.

“Chúng tôi chiếu theo quy định thì một số dự án không phù hợp, không hiệu quả thì phải yêu cầu làm rõ. Trong năm 2019, nhiều doanh nghiệp chưa quen cách triển khai của Ủy ban, nhưng chúng tôi yêu cầu phải bảo toàn vốn, không được thua lỗ, phải có hiệu quả. Khi không hiệu quả, chúng tôi yêu cầu phải báo cáo, đến khi nào có phương án thì mới đưa ra các cấp có thẩm quyền”, bà Hà chia sẻ.

Trước đó, tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng, đại diện nhiều doanh nghiệp thuộc Ủy ban nêu ra các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc thực hiện các dự án.

Đặc biệt, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết muốn doanh nghiệp trở về Bộ Giao thông Vận tải bởi không được giao vốn dự toán ngân sách năm 2020 cho việc bảo trì, đảm bảo an toàn chạy tàu do vướng điều 49 Luật ngân sách nhà nước. Vì không còn là đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải nên doanh nghiệp này không được Bộ giao vốn.

Do đó, từ ngày 1/1/2020, 20 doanh nghiệp công ích thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không được ký kết hợp đồng, khiến cho trên 10.000 người không có tiền lương, nhiều hoạt động đảm bảo an toàn chạy tàu bị ảnh hưởng.

Sau đó, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Nguyễn Cao Lục đề nghị Ủy ban tập trung xử lý các nhiệm vụ trong hạn, đồng thời xử lý các kiến nghị của các doanh nghiệp; các bộ ngành cũng cần khẩn trương xử lý các kiến nghị của Ủy ban và các bộ ngành, doanh nghiệp liên quan.

“Tất nhiên khi chuyển sang một cơ chế, cách làm mới thì sẽ có những khó khăn, vướng mắc, Tổ công tác sẽ tổng hợp các vấn đề tại cuộc làm việc, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sắp tới”, ông Lục nói.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm