Doanh nghiệp xăng dầu lãi 'khủng' nhờ xả quỹ bình ổn
Dù giá xăng dầu thế giới đã giảm mạnh, Bộ Tài chính vẫn cho doanh nghiệp xả quỹ bình ổn và kiếm lời hàng chục tỷ đồng mỗi ngày.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu hình thành từ tiền của người mua xăng đóng góp nhằm mục đích bình ổn giá xăng dầu trong nước khi giá thế giới tăng. Thế nhưng dù giá thế giới đã giảm mạnh, Bộ Tài chính vẫn cho doanh nghiệp xả quỹ để kiếm lời hàng chục tỷ đồng mỗi ngày.
Doanh nghiệp xăng dầu đã được xả quỹ bình ổn giá ở mặt hàng xăng với mức 2.000 đồng/lít, 800 đồng/lít với dầu DO và dầu hỏa là 1.150 đồng/lít liên tục từ ngày 26/2 đến nay.
Doanh nghiệp xăng dầu lời hàng chục tỷ đồng từ việc xả quỹ bình ổn giá. |
Hòa vốn vẫn cho sử dụng quỹ?
Theo quy định tại nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu và hướng dẫn của Bộ Tài chính về cơ chế trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, quỹ này chỉ được sử dụng vào mục đích bình ổn giá. Cụ thể, khi giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng làm giá cơ sở tăng cao hơn giá bán lẻ thì doanh nghiệp đầu mối được sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Mức sử dụng bao nhiêu phụ thuộc vào mức tăng giá thế giới và quyết định của tổ điều hành giá xăng dầu.
Như vậy, quỹ bình ổn giá xăng dầu được hiểu nôm na là khoản tiền của người tiêu dùng ứng trước khi mua xăng, gửi tạm ở doanh nghiệp. Với mức trích hiện nay, đáng ra giá xăng bán lẻ sẽ rẻ hơn 300 đồng/lít, nhưng người dân vẫn phải trả thêm 300 đồng/lít để tạo một nguồn quỹ, sử dụng bù lại khi giá thế giới tăng. Thậm chí có những thời điểm khi giá thế giới xuống thấp, mức trích quỹ bình ổn giá có thể cao hơn, phụ thuộc vào quyết định điều hành của Bộ Tài chính.
Thực tế hiện nay doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lại đang được duy trì mức xả quỹ cực lớn, kéo dài suốt từ cuối tháng 2/2012 đến nay. Điểm bất hợp lý là doanh nghiệp, gồm cả đầu mối và đại lý, đều đang thu lời từ tiền quỹ của người tiêu dùng. Cụ thể, tính đến cuối tuần trước, giá cơ sở trung bình 30 ngày của xăng A92 đã giảm mạnh. Mức lỗ của doanh nghiệp đầu mối đã giảm xuống từ khoảng 2.000 đồng/lít (thời điểm cuối tháng 2/2012) đến nay chỉ còn khoảng 1.000 đồng/lít. Như vậy, việc Bộ Tài chính không có động thái giảm mức sử dụng quỹ bình ổn giá so với mức trích hiện nay, hoặc giảm giá bán lẻ xăng dầu đã giúp doanh nghiệp lấy được từ quỹ của dân 1.000 đồng/lít xăng bỏ vào “túi” mình.
Vô lý hơn, giá cơ sở và giá bán lẻ của dầu DO hiện đã tương đương nhau. Dù không lỗ nhưng Bộ Tài chính vẫn cho doanh nghiệp được sử dụng 800 đồng/lít từ quỹ bình ổn giá. Tương tự, do giá nhập khẩu đã xuống thấp nên giá cơ sở trung bình 30 ngày của mặt hàng dầu hỏa chỉ còn cao hơn giá bán lẻ hơn 300 đồng/lít. Nhưng Bộ Tài chính vẫn im lặng, cho doanh nghiệp sử dụng tới 1.150 đồng/lít từ quỹ bình ổn giá nên doanh nghiệp lại được hưởng khoản thừa ra hơn 800 đồng/lít.
Xem lại cơ chế điều hành giá xăng dầu
Theo ước tính sơ bộ, với việc điều hành giá xăng dầu như những ngày gần đây, chỉ riêng mặt hàng xăng và dầu DO, tiền quỹ của dân đóng góp được biến thành khoản lời cho doanh nghiệp ít nhất khoảng 50 tỷ đồng mỗi ngày. Nếu tính cả hai mặt hàng còn lại là dầu hỏa và dầu mazut, khoản lời còn có thể lớn hơn. Khoản lời này được các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu giữ làm một phần lợi nhuận doanh nghiệp, một phần lớn để tăng chiết khấu, giành giật thị phần.
Ông Nguyễn Văn Điền, phụ trách kinh doanh một tổng đại lý xăng dầu khu vực Đông Nam bộ, cho biết chỉ trong khoảng 20 ngày kể từ đầu tháng 3/2012 đến nay, doanh nghiệp đầu mối đã tăng chiết khấu tới bảy lần. Mỗi lần nhích thêm một ít, hiện chiết khấu đã lên mức cao hiếm có, tức hơn 1.000 đồng/lít với mặt hàng dầu.
Ông Đ, đại diện một đầu mối xăng dầu có thị phần lớn, cho biết hiện nay quỹ bình ổn giá xăng dầu đã bị âm. Tuy nhiên, điều này không quá quan trọng bởi doanh nghiệp tạm ứng, khi giá thế giới giảm, không phải xả quỹ nữa, nguồn tiền từ trích quỹ bình ổn giá với mức 300 đồng/lít sẽ được bù dần lại. Theo các chuyên gia xăng dầu, doanh nghiệp ứng tiền ra trước thì cuối cùng người tiêu dùng cũng vẫn phải trả. Cách điều hành thiếu linh hoạt, không bám sát diễn biến giá thế giới hiện nay đã khiến người tiêu dùng bị móc túi.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã nhiều lần lên tiếng cần minh bạch trong cơ chế điều hành và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo ông Phong, quỹ bình ổn giá xăng dầu là một trong những yếu tố góp phần khiến thị trường xăng dầu không minh bạch. Cơ chế điều hành hiện nay có thể dẫn đến sự lạm dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, dựa vào cơ chế điều hành bằng mệnh lệnh hành chính.
Indonesia tính toán bỏ trợ giá xăng dầu
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang chật vật tìm các biện pháp nhằm giải quyết gánh nặng về trợ giá xăng dầu trong bối cảnh giá nhiên liệu toàn cầu tiếp tục tăng.
Theo Reuters, Chính phủ Indonesia một lần nữa đang tìm cách giải quyết bài toán chi phí trợ giá xăng dầu tốn kém mà đáng ra phải được phân bổ cho các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng hơn.
Năm ngoái, chi phí trợ giá xăng dầu là 22 tỷ USD. Hiện 1 lít xăng không chì ở Indonesia có giá khoảng 56 xu Mỹ trong khi ở Malaysia là 61 xu, ở Singapore là 1,71 USD.
Chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Indonesia Suryo Bambang Sulisto cho rằng chính sách trợ giá xăng dầu tốn kém là tự sát và sẽ đưa đất nước đến “vách đá tài chính”. Đó là bởi chi phí trợ giá xăng dầu tăng lên và thiếu chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. “Giải pháp của tôi là bỏ trợ giá xăng dầu và tái phân bổ số tiền đó cho các mục đích hiệu quả hơn.Ví dụ, chính phủ tái phân bổ số tiền 500 triệu USD cho mỗi tỉnh và dùng số tiền đó để thúc đẩy tăng trưởng ở những vùng kém phát triển” - ông nói. Ông Sulisto tính toán Indonesia có 22 tỉnh và vị chi tổng số tiền tái phân bổ lên tới 16,5 tỷ USD, dư sức để đầu tư thêm vào các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế và năng lượng.
Sẽ sửa quy định về chiết khấu hoa hồng cho đại lý Ngày 25/3, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, theo cách tính giá cơ sở thì so với giá bình quân 30 ngày mức giá hiện hành đã giảm khoảng 5%. Như vậy, cộng với các loại thuế và phí... thì doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối đang có lãi từ 800 - 1.000 đồng/lít tùy từng mặt hàng xăng, dầu. Do vậy, Bộ Tài chính và Bộ Công thương cần nghiên cứu nhằm kịp thời đưa ra phương án điều hành để thị trường hoạt động minh bạch và lành mạnh. Thực tế mấy ngày gần đây, các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối đã đẩy chiết khấu hoa hồng cho các đại lý tăng cao tới 600 - 700 đồng/lít xăng dầu nhằm tăng thị phần, khiến thị trường kinh doanh xăng dầu trong nước đang bị lộn xộn. Để giải quyết vấn đề nêu trên, về phương án xử lý, ông Thỏa đề xuất: “Cơ quan quản lý nên xem xét khôi phục lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng dầu cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối. Đồng thời, Nhà nước giảm mức sử dụng quỹ bình ổn đối với các mặt hàng xăng dầu. Bởi gần một tháng nay, mức sử dụng quỹ đối với mặt hàng xăng đang giữ ở mức quá cao, tới 2.000 đồng/ lít, dầu diesel: 800 đồng/lít, dầu hỏa: 1.150 đồng/lít, dầu mazut: 650 đồng/kg. Thực tế, quỹ bình ổn xăng dầu ở nhiều doanh nghiệp đã bị cạn từ lâu. Bên cạnh hai giải pháp trên, cơ quan quản lý xem xét xử lý định mức chi phí kinh doanh ở mức hợp lý để tránh hiện tượng doanh nghiệp chiết khấu hoa hồng quá cao như hiện nay”. Được biết, dự thảo thông tư hướng dẫn hình thành, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu vừa được Bộ Tài chính hoàn tất, Bộ Tài chính đang xem xét sửa quy định về chiết khấu hoa hồng cho các đại lý kinh doanh xăng dầu. Theo đó, dự kiến mức thù lao đại lý vẫn sẽ theo cơ chế tự thỏa thuận như hiện nay nhưng sẽ không được vượt quá 50% chi phí kinh doanh. Khoản chi phí kinh doanh định mức sẽ quy định linh hoạt theo từng thời điểm. |
Theo Tuổi trẻ