Thị trường toàn cầu là cơ hội cho các sản phẩm công nghệ Việt Nam. Ảnh: Lê Hiếu. |
“Năm 2022 là năm mà các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã tấn công mạnh mẽ thị trường nước ngoài, đi đầu tư kinh doanh, đi làm chuyển đổi số cho các nước phát triển. Những doanh nghiệp này, những doanh nhân này truyền cảm hứng, tạo niềm tin cho chúng ta là có thể làm được”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói tại Hội nghị doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài tổ chức đầu năm nay.
Thị trường công nghệ thông tin, công nghệ số của Việt Nam là một thị trường chật chội, nguyên nhân do mức chi cho mảng này không lớn nhưng số lượng doanh nghiệp công nghệ lại nhiều, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết. Vì sự cạnh tranh này mà các doanh nghiệp Việt có khả năng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chất lượng với giá rẻ, phù hợp với bối cảnh tất cả các nước từ giàu đến nghèo đều đang tìm cách chuyển đổi số.
Cơ hội mới khi thị trường trong nước chật chội
“Ngay từ đầu chúng tôi đã xác định mục tiêu là ASEAN và thậm chí là toàn cầu, với lợi thế là giải quyết bài toán ngách của thị trường, chỉ tập trung giải quyết các vấn đề logistics của doanh nghiệp. Với bài toán này, các doanh nghiệp đều phải giải quyết khá giống nhau về bản chất, dù là doanh nghiệp Mỹ, châu Âu hay Việt Nam”, ông Kurt Bình, nhà sáng lập và CEO của Smartlog, chia sẻ với Zing.
Smartlog là công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam chuyên phát triển các giải pháp công nghệ thông tin cho hoạt động hậu cầu, tối ưu hóa chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Tự động tính toán và điều phối chuyến hàng, tối ưu hóa và hiển thị thời gian thực từ đầu đến cuối chuỗi cung ứng, quản lý kho không giấy tờ là một số giải pháp mà công ty này cung cấp đến các nhà sản xuất lớn trong nước như Sabeco, TH True Milk và đối tác nước ngoài như Abbott, Hafele.
Các thị trường ngách, tập trung vào một nhóm đối tượng cụ thể, là thị trường mà doanh nghiệp công nghệ nhỏ có lợi thế cạnh tranh. Ảnh: Reuters. |
Ông Kurt Bình cho biết với Smartlog, cung cấp công nghệ logistics cho các doanh nghiệp đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam là cánh cửa để đưa sản phẩm công nghệ số ra nước ngoài “theo chân” các doanh nghiệp đó cùng với chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
“Để làm được điều này, sản phẩm của chúng tôi phải thực sự đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của các công ty đa quốc gia, và phải cạnh tranh trực tiếp với nhiều gã khổng lồ về công nghệ tại thị trường Việt Nam. Đây cũng là bước đầu tiên quan trọng để kiểm thử năng lực của chúng tôi trước khi trực tiếp đi xuất khẩu”, CEO Smartlog cho biết.
Theo thống kê của Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT), doanh thu từ ngành công nghệ thông tin ở thị trường trong nước năm 2022 vào khoảng 2 tỷ USD, tương đương với khối lượng công việc của khoảng 200.000 kỹ sư. Trong khi đó, Việt Nam lại đang có hơn 550.000 kỹ sư. Ngoài ra, thị trường phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin thế giới năm 2022 đạt 1.803 tỷ USD.
“Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không chỉ có thế mạnh về nguồn nhân lực mà còn có khả năng cạnh tranh về giá cả. Đây là lý do để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần phải đi ra nước ngoài”, theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, cho biết tại một cuộc họp tháng 3 về xuất khẩu công nghệ số.
Không dễ bán công nghệ số ra thị trường nước ngoài
“Việt Nam làm chuyển đổi số thì các nước ASEAN cũng vậy, mở ra một thị trường tiềm năng và rộng lớn, kể cả các nước phát triển như Nhật, Úc, châu Âu cũng liên tục tìm kiếm các giải pháp chuyển đổi vì công nghệ đổi mới không ngừng. Vì thế, miếng bánh thị trường nghe có vẻ hấp dẫn nhưng cũng chật chội và cạnh tranh”, ông Kurt Bình cho biết.
Tuy nhiên, CEO Smartlog cũng lưu ý nhiều doanh nghiệp Việt Nam thành công khi mang giải pháp/sản phẩm ra nước ngoài. Đó là các doanh nghiệp có tầm nhìn rõ ràng về sản phẩm mang tính quốc tế, cả về tiêu chuẩn, thiết kế và chiều sâu sản phẩm hoặc đi vào các thị trường ngách của một ngành cụ thể nào đó, ví dụ bản đồ cho lĩnh vực địa chất, hay giải pháp cho thiết kế xây dựng, theo ông Bình.
Nguồn nhân lực là một trong những lợi thế của ngành công nghệ số Việt Nam. Ảnh: HN. |
Có thể kể đến việc Viettel kinh doanh thiết bị mạng 5G, CMC phát triển các giải pháp chuyển đổi số cho các nước phát triển như Nhật, Mỹ. “Nhiều công ty ngay từ ngày đầu thành lập đã hướng tới thị trường nước ngoài như NTQ Solution, SmartOCS, RikkeiSoft, OMI, VMO... Có những công ty ngay từ ngày đầu thành lập đã đặt mục tiêu phát triển công nghệ mới ngang hàng với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như KardiaChain”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Đi ra nước ngoài là nhiệm vụ khó khăn, nhưng là nhiệm vụ giúp Việt Nam có thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh. Đại diện Bộ TTTT cũng cho biết trong năm nay sẽ tổ chức các diễn đàn xúc tiến đầu tư, gian hàng công nghệ số Việt Nam ở nước ngoài, tham mưu Chính phủ ký kết các hiệp định đối tác số với các nước và thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp đi ra nước ngoài. Đây cũng là mong muốn của nhiều doanh nghiệp công nghệ số mong muốn mở rộng thị trường.
“Chúng ta đang thiếu một cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu công nghệ có thể hỗ trợ và chia sẻ nguồn lực với nhau. Đặc thù bán sản phẩm, giải pháp công nghệ là nếu doanh nghiệp A đã có đối tác ở ASEAN, thì doanh nghiệp B có thể tận dụng mạng lưới đối tác ấy để cộng sinh và giúp đường ra thị trường thuận lợi hơn rất nhiều”, ông Kurt Bình cho biết, nói thêm rằng nhiều doanh nghiệp công nghệ chờ đợi các diễn đàn xúc tiến xuất khẩu và liên kết các doanh nghiệp công nghệ Việt trong thời gian tới.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.